Trong lịch sử 25 năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, có nhiều cặp anh em cùng tham gia, trong đó có Phan Minh Đức (năm thứ 10) và Phan Thị Phương Thảo (năm thứ 13). Mới đây, bức ảnh cặp anh em ruột này được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dân mạng.
Theo Tri thức va Cuộc sống, Phan Minh Đức (sinh năm 1992) là thí sinh đầu tiên của Hà Nội giành quán quân trong cuộc thi này. Khi ấy, Phan Minh Đức đang là học sinh chuyên Lý THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Chàng trai Hà thành gây ấn tượng đối với khán giả không chỉ ở tài năng mà còn thể hiện rõ tại tính cách tự tin và điềm tĩnh; gương mặt khôi ngô tuấn tú cùng nụ cười tỏa nắng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Phan Minh Đức nhận học bổng 35.000 USD, lên đường du học ngành Tài chính Kế toán tại trường Đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc). Tại Úc, anh vừa học vừa làm trợ giảng đại học từ năm 2. Sau đó, Minh Đức tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại xuất sắc.
Minh Đức được các cựu thí sinh Olympia mệnh danh là "ông tổ nghề rửa bát". Sở dĩ có tên gọi đặc biệt này bởi anh từng giới thiệu nghề rửa bát cho nhiều cựu thí sinh Olympia cũng như du học sinh tại Đại học Kỹ thuật Swinburne.
Anh chia sẻ rằng: “Mình mang nghề rửa bát về cho không chỉ dân Olympia mà còn có các anh chị, bạn bè học tập ở Swinbure. Giờ nhớ lại có rất nhiều kỷ niệm vui. Đôi khi vừa ngồi rửa bát vừa bàn chuyện tương lai cùng nhau hay đơn giản là dịp để nói tiếng Việt cùng nhau cho đỡ nhớ quê nhà".
Người đầu tiên được Phan Minh Đức giới thiệu công việc rửa bát là Hồ Ngọc Hân – nhà vô địch Olympia năm thứ 9, sau đó có Ngọc Khánh và Thân Ngọc Tĩnh – thí sinh của năm thứ 12, Hoàng Thế Anh – nhà vô địch Olympia năm thứ 13, Văn Viết Đức – quán quân Olympia năm thứ 15. Minh Đức cho biết anh có mối quan hệ khá thân thiết với hầu hết các nhà vô địch Olympia học tập và làm việc tại Úc.
Năm 2018, Minh Đức được chuyển thẳng lên học tiến sĩ ngành Kinh tế năng lượng tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Úc. Anh cũng tham gia giảng dạy môn Nguyên lý kinh tế. Đến năm tháng 3/2021, anh từ bỏ việc học tiến sĩ và chuyển sang học thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin doanh nghiệp, định hướng chuyển đổi số.
Dù có phần tiếc nuối nhưng Phan Minh Đức quan niệm bằng cấp chỉ là bước đệm, anh vẫn sẽ làm những việc khác để phát triển bản thân. "Tôi cảm thấy tiến sĩ giống như một chứng chỉ hành nghề, chứng minh bạn có khả năng nghiên cứu độc lập. Đôi khi, việc học không cần một thành tựu để chứng minh mình học tốt; quan trọng, người sử dụng thành tựu của việc học là chính mình", 9X chia sẻ.
Sau hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại Úc, Phan Minh Đức quyết định trở về Việt Nam.
Năm 2024, Phan Minh Đức về nước, trở thành Trưởng bộ phận học thuật tại một trung tâm giáo dục tại Hà Nội. Ngoài ra anh còn tổ chức lớp học cộng đồng ôn luyện các chứng chỉ quốc tế, phát triển dự án cũng như các hoạt động hướng nghiệp trên mạng xã hội cho người trẻ. Anh chia sẻ mong muốn góp một phần nhỏ vào nền giáo dục nước nhà, từ việc tạo động lực cũng như thay đổi cách các bạn trẻ tư duy trong học tập.
"Tôi từng có thời gian học tập tại Úc nhiều năm, tiếp cận với nền giáo dục nước ngoài nên tôi muốn chia sẻ những gì mình được học với các bạn trẻ ở Việt Nam", Quán quân Olympia chia sẻ.
Còn Phương Thảo (sinh năm 1995, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội) tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13 và lọt vào vòng thi tháng. Dù không tiếp nối được thành tích của anh trai, nhưng hành trình leo núi của Phương Thảo vẫn gây ấn tượng đẹp với khán giả. Phương Thảo, sau cuộc thi, có lối sống khá kín tiếng và đã lập gia đình vào năm 2018.
Chia sẻ trên Vietnamnet, Minh Đức cho hay anh khá bất ngờ khi bỗng được mọi người chú ý, dành sự quan tâm đến bức ảnh hồi bé của mình và em gái.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022, Minh Đức từng chia sẻ rằng nhiều người có sự nhầm lẫn Đường lên đỉnh Olympia tìm kiếm nhân tài học thuật trong khi bản chất nó đơn thuần chỉ là một sân chơi về kiến thức dành cho học sinh.
Phan Minh Đức cho rằng, ở Việt Nam, anh có thể là Nhà vô địch Olympia, nhưng khi đến Úc cũng chỉ là một du học sinh bình thường như hàng nghìn du học sinh khác, vẫn phải cố gắng, phấn đấu từng ngày.
“Từ những học sinh giỏi đến với sự thành đạt, thành công là khoảng cách rất xa và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy nên, tôi mong mọi người hãy nhìn cuộc thi với góc độ nhẹ nhàng và kỳ vọng nhỏ hơn để vòng nguyệt quế khi các thí sinh đội lên được giảm đi ‘sức nặng’ của nó”, Minh Đức cho biết.