Một phụ nữ giấu tên đến từ tỉnh Quảng Tây (miền Nam Trung Quốc) hỏi người bà 95 tuổi của mình, Chen Guixiao, về việc phụ nữ nên kết hôn vì tình hay vì tiền?
"Cháu cứ lấy người mình yêu" - câu trả lời của bà Chen khiến cháu gái ngạc nhiên, không ngờ bà lại có thái độ cởi mở như vậy.
Sau đó, người phụ nữ hỏi tiếp: "Tại sao không kết hôn vì tiền?".
Bà Chen trả lời: "Nếu anh ấy không yêu cháu, thì một đồng cháu cũng không nhận được. Ngược lại, nếu hai người yêu nhau, anh ấy sẵn sàng chia sẻ tiền bạc với cháu".
Những câu trả lời thẳng thắn của cụ bà 95 tuổi đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và nhận hàng nghìn bình luận tích cực.
"Bà thật sáng suốt", một người bình luận trên mạng xã hội Weibo.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với bà. Ít nhất nếu tương lai bạn hối hận về sự lựa chọn tình yêu của mình, thì vẫn có thể giữ lại một số kỷ niệm đẹp", một người dùng mạng khác nói.
Nhiều người chỉ ra rằng hôn nhân ở Trung Quốc hiện nay đặt người phụ nữ vào một tình thế khó xử. Họ thường cảm thấy không có lựa chọn nào tốt cho mình.
"Sự thật là hầu hết mọi người không thể kết hôn vì tình yêu hay vì tiền bạc. Điều đáng tin cậy hơn, là dựa vào chính mình", một người nói.
Nhiều người cho rằng câu nói của người bà bỗng chốc viral bởi nó chạm đến vấn đề nhức nhối khi nói đến các cuộc hôn nhân ở đất nước tỷ dân, đó là gánh nặng tiền bạc. Sính lễ lớn, giá cô dâu cao vẫn được đưa ra bàn luận thường xuyên.
Được biết, theo phong tục có từ xa xưa ở Trung Quốc, giá cô dâu là khoản tiền mà nhà trai đưa cho nhà gái, đánh dấu sự chuyển giao quyền kiểm soát thân thể và sức lao động của người phụ nữ.
Có một thực tế tồn tại rằng không có tiền nghĩa là khó có thể kết hôn. Một người đàn ông họ Qin đã phải chia tay bạn gái sau vài năm hẹn hò vì không thể trả được mức giá cô dâu 300.000 nhân dân tệ.
Không ít ý kiến chỉ ra rằng hôn nhân ở Trung Quốc đang đặt ra một tình thế khó xử đối với nhiều phụ nữ, những người thường cảm thấy không có lựa chọn nào tốt cho họ.
Trong xã hội, tồn tại một định kiến rằng một người chồng "đúng" đồng nghĩa với có năng lực tài chính tốt.
Tại nhiều góc mai mối cuối tuần ở các công viên thuộc đô thị lớn của Trung Quốc, người ta thường thấy các bậc phụ huynh liệt kê công việc, thu nhập và nhà ở của con trai hoặc con gái mình để đảm bảo con họ có cơ hội tìm được người phù hợp trong thị trường hôn nhân cạnh tranh.
Shen Yifei, một nhà nghiên cứu tại Khoa Xã hội học và Trung tâm Nghiên cứu Gia đình của Đại học Phúc Đán, cho biết mai mối là một cách phổ biến để mọi người tìm được đối tượng kết hôn ở nước này.
"Khi hôn nhân trở thành thương trường, việc bị người ta gắn mác là điều khó tránh khỏi. Họ đang tìm kiếm một nửa dựa trên các điều kiện chứ không phải tình yêu", Shen bày tỏ.
Trong những năm gần đây, sự lo lắng về hôn nhân đã khiến nhiều người tham gia vào các sự kiện mai mối mà không có cha mẹ của họ.
Một số thậm chí còn tiết lộ tình trạng tài chính của các đối tác mai mối tiềm năng trên mạng xã hội và xin lời khuyên nên chọn ai.
Phương Linh (T/h)