(ĐSPL) – Nếu không có bao che, dung túng, thậm chí có sự dối trá của các cơ quan quản lý thì chắc chắn sẽ không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay.
Nhiều ý kiến đề nghị giao UBND TP Hà Nội thanh tra toàn diện quỹ biệt thự trên địa bàn. (Ảnh minh họa). |
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đã nhận xét như vậy trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp HĐND thành phố lần thứ 10, sáng 9/7.
Làm tùy tiện, tài sản nhà nước sẽ vào túi tư nhân
Khi bàn về việc quản lý quỹ nhà biệt thự, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đã khẳng định: “Trong công tác quản lý biệt thự, cơ quan quản lý đã có sự buông lỏng, bởi nếu không có bao che, dung túng, thậm chí có sự dối trá của các cơ quan quản lý thì chắc chắn sẽ không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay”.
Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trước khi có Nghị quyết 18, đã có 121 biệt thự được bán và xây dựng lại nên HĐND đã yêu cầu UBND phải giải trình rõ về việc này, tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời.
“970 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đã được giao cho UBND thành phố quản lý chứ không phải loại ra khỏi diện quản lý. Đề nghị giao cho UBND thanh tra toàn diện, nếu không làm nghiêm, không xử lý trách nhiệm cụ thể thì sẽ không quản lý và duy trì được các biệt thự” – ông Nam nhấn mạnh.
Không đồng tình với nội dung tờ trình về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của HĐND Thành phố về đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại biểu Trần Trọng Dực – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã nêu ra một số bất cập trong nội dung tờ trình.
Đại biểu Trần Trọng Dực cho rằng, việc UBND loại 312 biệt thự khỏi Nghị quyết 18 là trái thẩm quyền và Nghị quyết của HĐND. Một số trường hợp cụ thể như ở 52 Ngũ Xá, 333 Hoàng Hoa Thám, 38 Hoàng Hoa Thám đều còn nguyên trạng nhưng báo cáo của UBND lại đánh giá “biến dạng hoàn toàn” là không đúng sự thật.
“Việc điều tra hiện trạng của UBND Thành phố rất sơ sài khiến HĐND khó có “niềm tin” với kết quả thực hiện Nghị quyết 18. Bảo vệ biệt thự là bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội và cả nước, tài sản đất đai của quốc gia, nếu làm tùy tiện thì tài sản Nhà nước sẽ rơi vào túi tư nhân. Chúng ta cần rà soát, đánh giá lại một cách chắc chắn, đừng làm cẩu thả, cái nào cần giữ thì giữ, cần loại thì phải loại” – ông Trần Trọng Dực phân tích.
Phải xử lý trách nhiệm
Cùng bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa) cũng cho rằng, UBND thành phố đã không báo cáo đúng sự thật về tình trạng, phân loại biệt thự.
“Nếu lấy lý do hơn 1.000 biệt thự nên quản lý không sát thì không phù hợp vì chỉ cần một hộ dân cơi nới 1m2 thì chính quyền đã biết chứ, đây là cả biệt thự thì không thể không biết. Vì vậy phải xử lý trách nhiệm trong việc này” – ông Diên đề nghị.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu về vấn đề quản lý biệt thự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cũng thừa nhận một số tồn tại như có những biệt thự 2 mặt tiền nhưng lại được tính thành 2 căn, và có biệt thự đã phá đi xây lại nhưng vẫn được tính, rồi biệt thự sau 1954 cũng đưa vào danh sách biệt thự trước 1954…
“Việc quản lý được thực hiện không tốt dẫn đến những biệt thự bị phá không phép. Sắp tới, UBND thành phố sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại, thậm chí nếu cần thiết sẽ tiến hành thanh tra” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh khẳng định.