Ngày 23/8, Quân đội Ả Rập Syria (SAA), Lực lượng Tiger và đồng minh tuyên bố giải phóng hoàn toàn miền bắc Hama, sau khi giành quyền kiểm soát các thị trấn Kafr Zita, Lataminah và Morek.
Truyền thông ủng hộ lực lượng chính phủ đã phát đi đoạn video cho thấy quân đội Syria và xe tăng chiến đấu đang được triển khai cách các bức tường của trạm kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ vài mét.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập trạm quan sát tại Morek vào năm ngoái như là một phần của thỏa thuận giảm leo thang được ký kết bởi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân Syria được cho là bị mắc kẹt bên trong trạm quan sát.
Khan Sheikhun tan hoang sau 5 năm bị khủng bố chiếm đóng. Ảnh: Getty |
SAA đã cắt hết mọi tuyến đường tiếp tế đến trạm quan sát, thế nhưng trong tuyên bố ngày 23/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết binh sĩ nước này sẽ không rời chốt giám sát quân sự Morek.
Ông cũng bác bỏ thông tin rằng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị "cô lập" sau đợt tiến công của quân Chính phủ Syria vào Idlib.
Không rõ làm thế nào để các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ có thể tồn tại trong trạm kiểm soát, khi mà mọi hoạt động trao đổi với bên ngoài bị cắt đứt.
Theo Đài quan sát nhân quyền Syria, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ yêu cầu một lối thoát an toàn dành cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở trạm quan sát Morek.
Trong trường hợp xấu nhất, Ankara sẽ sử dụng lực lượng vũ trang để tiến vào phía Bắc Hama, giải vây cho các binh sĩ tại trạm quan sát Morek. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ phải chạm mặt nhau trên thực địa.
Đây là lần đầu tiên quân đội Syria kiểm soát toàn bộ tỉnh Hama từ khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011 và là lần đầu tiên lực lượng của Damascus tiến vào Khan Sheikhun từ năm 2014. Khan Sheikhun là nơi Mỹ cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học năm 2017 dù chưa có bằng chứng, để rồi lấy đó làm lí do không kích phủ đầu căn cứ T-4 của Damascus ở tỉnh Homs.
Quân đội Syria khởi động chiến dịch chống khủng bố và phiến quân ở Idlib từ đầu tháng 5. Damascus hiện giành lại nhiều khu vực chiến lược ở Idlib, song 60% tỉnh này vẫn do HTS kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ hôm đầu tuần bị tố điều 50 thiết giáp sang Syria giúp phiến quân, song Ankara bác bỏ, nói rằng các thiết giáp này được tập trung ở căn cứ của nước này ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu ngại việc quân đội Syria giải phóng khu vực này sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này nhất là trong bối cảnh căng thẳng giữa Ankara và người Kurd (chủ yếu sinh sống ở ngã ba biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Syria-Iraq) ngày càng bị khoét sâu.
Minh Khôi(T/h)