+Aa-
    Zalo

    Quán cơm ngọt ngào của những chú Ong mật "khuyết cánh"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong một ngõ nhỏ giữa Thủ đô, có một “tổ” Ong Mật chan chứa yêu thương với chú ong “khuyết cánh” đang ngày ngày say sưa với công việc, chắt chiu từng kỹ năng sống.

    Trong một ngõ nhỏ giữa Thủ đô, có một “tổ” Ong Mật chan chứa yêu thương, ở đó, những chú ong “khuyết cánh” đang ngày ngày say sưa với công việc làm mật, chắt chiu từng kỹ năng cho hành trang riêng.

    Lớp học đặc biệt

    Không khuôn mẫu với những trang giáo án, chẳng bộn bề với sách vở khô cứng, quán cơm Ong Mật là một không gian lớp học thật đặc biệt. Lớp học ấy đã hoạt động chính thức được gần 5 tháng, nằm sâu bên trong một ngõ nhỏ trên đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Các thầy cô cũng là những người đầu bếp chính trong gian bếp nhỏ với những thiết bị và dụng cụ nấu nướng đơn giản, miệt mài chỉ dạy những học trò, cũng chính là những chú ong mật chăm chỉ. Đội ngũ phụ bếp ấy chính là những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ.

    Những phụ bếp nhí đặc biệt rất chú tâm vào công việc tại Ong Mật

    Gian bếp nhỏ được thuê lại của một phụ huynh, tại đây, một không gian được bài trí gọn gàng với những thông điệp đẹp về cuộc sống.

    Là mẹ của một cậu bé đặc biệt, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (SN 1976, quê Tuyên Quang) đã tìm hiểu để có thể “làm bạn với con”, đồng hành cùng con bước qua từng giai đoạn phát triển. Khó khăn nhất là những trường học “kén” học sinh, khi những đứa trẻ ấy lớn hơn một chút sẽ không có trường để học.

    Từ đó, chị cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm và trở thành giáo viên nuôi dạy trẻ tự kỷ. Hơn ai hết, chị Thủy hiểu rõ tâm tư của những ông bố, bà mẹ có con đặc biệt như mình. Cùng con thu vén hành trang để bước qua từng giai đoạn cuộc sống, chị trăn trở làm sao giúp con hòa nhập với cộng đồng. Và mong muốn con có thể tự lập, hòa nhập được với cuộc sống bình thường ấy, đã chạm đến nỗi lòng của những ông bố, bà mẹ, trở thành động lực để lập ra một gian bếp nhỏ mang tên quán Ong Mật, cũng chính là quán cơm hướng nghiệp cho những đứa trẻ bị khuyết tật trí tuệ.

    Chị Thủy chia sẻ thêm, quán Ong Mật là một dự án phát triển, hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam của trung tâm Trợ giúp gia đình và trẻ khuyết tật trí tuệ, chính là những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển lại vừa trở thành học viên vừa trở thành nhân lực.

    Trong gian bếp ngọt ngào ấy, các thầy cô đã ân cần “cầm tay chỉ việc” cho từng học trò của mình, từ những công việc nhỏ nhất, như nhặt rau, thái thịt, rán đậu, rán trứng, đóng gói đồ ăn và làm quen với các mệnh giá tiền. Vừa hỗ trợ học sinh làm món cá rán, chị Thủy vừa tiết lộ: “Trong suốt hai tháng đầu, chúng tôi dạy các con tất cả các kỹ năng, sau đó, tùy vào sở thích và khả năng của mỗi con để giao “chuyên môn”. Chỉ cần nhìn sự tiến bộ nhích lên từng ngày của các con là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”.

    Với những phụ bếp này, việc nhận biết các nguyên liệu đơn giản cũng đã là một bài học khó; và những kỹ năng cắt, gọt, thái, rửa... là những bài tập thực hành đầy thử thách. Việc nhặt đúng các loại rau, thái gọn mấy cân thịt, rán được một đĩa đậu, cũng có thể được xem như một thành tựu kỳ diệu.

    Những chú ong say sưa... làm bếp

    Khi đến học việc tại quán Ong Mật, các học trò sẽ được kiểm tra về nhận thức và khả năng để xây dựng các chương trình học phù hợp. “Hiện giờ, các con vẫn đang học làm quen với những công việc hết sức đơn giản. Những bài học làm bếp sẽ dựa vào khả năng của từng bạn, mỗi bạn sẽ yêu thích một công việc riêng. Chẳng hạn, có bạn chỉ thích thái thịt, có bạn chỉ thích múc canh, múc chè, có bạn thích kê bàn ghế,... và các bạn ấy làm rất tốt “chuyên môn” của mình, rất tập trung và tỉ mỉ theo cách cảm nhận riêng của bản thân”.

    Công việc hàng ngày ở quán Ong Mật bắt đầu từ 8h30 và kết thúc phục vụ cơm trưa vào lúc 12h. Do các học trò chỉ mới có thể làm phụ bếp, đầu bếp chính vẫn là các thầy cô, nên mỗi ngày, quán chỉ nhận khoảng 50 suất cơm với một thực đơn nhất định. Bởi lẽ, đầu bếp vừa phải nấu ăn vừa truyền đạt cho các phụ bếp tiềm năng, với hy vọng, thời gian tới, khi các phụ bếp đặc biệt ấy đã quen và thành thạo công việc, sẽ tăng lên 100 suất ăn với món ăn phong phú hơn.

    Chị Thủy đang hướng dẫn học trò những kỹ năng cơ bản

    Khách hàng của quán cơm Ong Mật hầu hết là các ông bố, bà mẹ, giáo viên, nhân viên văn phòng, những người hiểu được sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của những đứa trẻ đặc biệt ấy. Có thể động tác còn chậm chạp và vụng về, nhưng đó đã là thành tích đáng kể, bởi thay vì thực hiện những hành động vô nghĩa hay quậy phá, những đứa trẻ trong gian bếp này đã biết yêu công việc của mình, học cách làm việc nghiêm túc và chăm chỉ.

    Khép lại những khoảng thời gian bận rộn với công việc bếp núc, cô trò quán Ong Mật lại cùng nhau bước vào giờ học bổ sung kỹ năng. Ngoài những chỉ dạy về kỹ năng nấu nướng, thầy cô còn giúp các học trò học hỏi sự tự tin, khả năng kiềm chế hành động vô nghĩa, kỹ năng sống cơ bản như giao tiếp, cúi chào, dọn dẹp và đặc biệt, những bài giảng thực tế về cách nhận biết mệnh giá tiền, cách tính toán làm sao để trả lại tiền thừa cho đúng.

    Hạnh phúc của những người thành lập, các bậc cha mẹ của trẻ tự kỷ là được ngắm nhìn con mình cười hạnh phúc và có công việc để yêu thích mỗi ngày. Sự tập trung, cố gắng, tiến bộ mỗi ngày của các con đã tiếp thêm niềm tin cho các bậc phụ huynh, mở ra hy vọng rằng một ngày không xa, các con có thể tự lập, tự chăm sóc bản thân và ứng xử như người bình thường.

    Không giấu nổi hạnh phúc khi chứng kiến sự tiến bộ của con trai khi tham gia tại quán Ong Mật, chị Phùng Thị Châu Loan (55 tuổi, Thanh Xuân), mẹ của cậu bé Đỗ Mạnh Hải chia sẻ: “Trước đây tôi không thấy con trai có khả năng nào, nhưng sau đó phát hiện ra nổi trội hơn là sở thích về nấu nướng, con chịu khó quan sát và cũng hiểu hơn. Ở nhà, tôi thử dạy nhưng con không nghe lời, nhưng đến với quán Ong Mật, con lại chịu khó làm. Về nhà, con luôn miệng nhắc “Con thích đến Ong Mật”. Con cũng tiến bộ nhiều. Trước đây, con chỉ loanh quanh “phá” mẹ mỗi khi mẹ làm bếp, sau thời gian đến Ong Mật, con đã biết phụ mẹ. Ví dụ, hôm nay tôi bảo làm bún chả, làm nem thì con cũng đã biết ướp gia vị, và con cũng biết nhiều kỹ năng phức tạp hơn như rán trứng”.

    Theo chị Loan, môi trường này rất tốt cho các con mắc chứng tự kỷ. Ngoài việc học kỹ năng nấu nướng, trẻ được giao tiếp, phục vụ khách, làm quen với kỹ năng tính toán và gặp nhiều tình huống cụ thể để quen dần với cuộc sống tự lập sau này. Trước đây, nếu việc tập tành nấu nướng cho những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển vẫn khiến nhiều người cho là một điều viễn tưởng, nhưng quán cơm Ong Mật đã và đang dần chứng minh điều ngược lại.

    Anh Trần Việt An (SN 1992), một nhân viên giao đồ ăn đã “quen mặt” ở quán Ong Mật cho biết: “Khi tôi đến nhận đồ để giao cho khách, những nhân viên nhí đặc biệt là người trực tiếp giao đồ ăn cho tôi. Quán Ong Mật phục vụ cũng nhanh và rất nhiệt tình. Ngay từ lần đầu tiên đến đây tôi đã cảm nhận được một quán cơm đặc biệt, nên thỉnh thoảng tôi cũng ghé ủng hộ quán”.

    Mô hình hướng nghiệp này chị Thủy và các bậc phụ huynh trong nhóm dự định sẽ triển khai trong vòng một năm, để các con có thể nằm lòng những nguyên vật liệu nấu nướng, từ đó mới đi tới dạy các bạn những kỹ năng nấu các món cơ bản.

    Cẩm Mịch- Trọng Tùng

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật Chủ nhật số 23

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-com-ngot-ngao-cua-nhung-chu-ong-mat-khuyet-canh-a279061.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan