(ĐSPL) - Người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain, đã đề xuất chi 7,5 tỷ đô kinh phí quân sự cho các lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một phụ tá của ông McCain và một quan chức quân sự Mỹ cho biết Washington sẽ chi 1,5 tỷ đô mỗi năm trong vòng 5 năm, kể từ năm 2017 đến 2022. Số tiền có thể được sử dụng để thúc đẩy mở rộng kho đạn dược của Mỹ trong khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự mới, chẳng hạn như đường băng, và để giúp các đồng minh cùng các nước đối tác tăng cường khả năng quân sự của họ.
Đề nghị tài trợ được trong Sách Trắng do ông McCain chuẩn bị có nội dung "Khôi phục lại sức mạnh Mỹ" đưa ra cuối tuần qua. Ủy ban của ông dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này tại một phiên điều trần ngân sách dự kiến diễn ra vào ngày 24/1 (giờ Mỹ).
"Thượng nghị sĩ McCain tin rằng Mỹ cần phải duy trì cam kết lâu dài của mình với an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương", phát ngôn viên Dustin Walker của ông McCain cho biết.
Thượng nghị sĩ John McCain đề xuất chi 7,5 tỷ đô để tăng cường sức mạnh quân sự của các lực lượng Mỹ và đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters |
"Châu Á-Thái Bình Dương ổn định sẽ giúp Mỹ duy trì vị thế ở khu vực và có những bước tiến lớn hơn về phía trước", ông Walker nói. " Quỹ tài trợ này sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng quân đội, tăng cường mua sắm vũ khí, tăng cường xây dựng năng lực với các đồng minh và đối tác cũng như mở rộng tập trận quân sự cùng các hoạt động đào tạo khác".
Một quan chức trong chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump nói rằng ông tin đề xuất của Thượng nghị sĩ John McCain có thể được chấp nhận vì hòa hợp với “các mục tiêu của chính quyền trong khu vực".
Ông Trump đã tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với chính sách “một Trung Quốc” và xây dựng quân đội Mỹ, mặc dù chưa rõ liệu ông có thành công hay không trong việc tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng.
Quan chức quân sự khác cũng cho biết quỹ tài trợ có thể được xử dụng để xây dựng đường băng quân sự mới ở các nước như Úc và Philippines, giải quyết vấn đề thiếu hụt đạn dược mà người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris than phiền hồi năm 2016.
"Có một sự thiếu hụt trong tổng số đạn dược và cũng là một khoảng cách chất lượng", quan chức này nói thêm rằng tên lửa tinh vi hơn cũng cần thiết được triển khai trong khu vực để đối phó với chiến lược “chống xâm nhập" của Trung Quốc.
Hôm 23/1, chính quyền mới của Mỹ đã đưa ra viễn cảnh những căng thẳng với Trung Quốc xấu đi khi Nhà Trắng thề sẽ ngăn chặn Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông – một động thái khiến Trung Quốc vô cùng khó chịu.
(Theo Reuters)