Các quan chức Mỹ cáo buộc thống Syria Bashar al-Assad đã phê chuẩn tấn công bằng khí độc vào tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy.
Người dân chạy khỏi Idlib, tránh cuộc chiến đẫm máu. Ảnh: Theo Wall Street Journal. |
Wall Street Journal đưa tin ngày 9/9, áp lực quốc tế không có tác dụng nhiều với Tổng thống Bashar al-Assad, người được Nga và Iran hậu thuẫn. Tờ báo cho biết, ông Assad đã chấp thuận việc tấn công bằng khí độc vào tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy, nơi ẩn náu cuối cùng của hơn 3 triệu dân thường.
Thông tin nói trên được đưa ra 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông Assad và đồng minh đừng "liều lĩnh tấn công" Idlib. Ông Donald Trump gọi bất kỳ vụ tấn công hóa học nào là "sai lầm nhân đạo nghiêm trọng".
Các quan chức Liên Hợp Quốc tin rằng, một cuộc tấn công Idlibsẽ kích hoạt làn sóng di dời của khoảng 800.000 người và ngăn cản người tị nạn trở về nhà. Mỹ và Pháp cảnh báo, cuộc tấn công Idlib sẽ gây ra khủng hoảng nhân đạo, đồng thời dẫn đến hành động quân sự trả đũa của phương Tây.
Bà Nikki Haley nhấn mạnh: "Người dân tại Syria đã phải đối mặt với nhiều thảm kịch và nếu chính phủ Syria muốn tiếp tục kế hoạch kiểm soát lãnh thổ, họ có thể làm điều đó. Tuy nhiên họ không thể làm điều đó với việc sử dụng vũ khí hóa học. Họ không thể thực hiện một cuộc tấn công gây nhiều thương vong cho dân thường và Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra".
Mỹ đã từng cùng với Pháp và Anh tiến hành 1 đợt không kích chớp nhoáng vào Syria với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Trong chiến dịch quân sự tại Idlib, Nga cho rằng Mỹ và các đồng minh đang dàn dựng một cuộc tấn công vũ khí hóa học để làm cái cớ tấn công các căn cứ của chính phủ Syria.
Còn đối với Nga và Iran - đồng minh của chính phủ Syria, việc lấy lại Idlib là điều tối quan trọng để đảm bảo chiến thắng quân sự trong cuộc nội chiến Syria, sau khi quân chính phủ đã giành lại hầu hết các thành phố và thị trấn lớn, gần như đánh bại phe nổi dậy chống Tổng thống Assad.
Ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự phản đối một thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, Tây Bắc Syria, với lý do đưa ra là các phiến quân của Mặt trận Nusra và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cố thủ ở khu vực này không tham gia các cuộc hòa đàm.
"Các nhóm cực đoan còn lại hiện đang tập trung tại khu vực giảm leo thang ở tỉnh Idlib. Những phần tử khủng bố đang cố gắng làm suy yếu cơ chế ngừng bắn tại đây", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc gặp Thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại thủ đô Tehran (Iran), Tổng thống Nga Putin khẳng định, chính phủ Syria có quyền giành lại "toàn bộ lãnh thổ của mình".
Bên cạnh lưu ý nhiệm vụ đẩy lùi các phiến quân ra khỏi tỉnh Idlib, Tổng thống Putin cũng đề cao những tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo sự bình thường hóa lâu dài tình hình Syria.
Hôm 9/9, lực lượng chính phủ Syria dội bom xuống làng Hobeit ở Idlib, làm một bé gái sơ sinh thiệt mạng và một số dân thường bị thương.
NGUYỄN QUỲNH(Theo Wall Street Journal)