Sau những phát ngôn gây “sốc” của ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền Vụ trưởng vụ III, Thanh tra Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét văn hóa phát ngôn như một yếu tố cấu thành năng lực của cán bộ, quan chức.
Phát ngôn của một cán bộ, quan chức thường rất được chú ý. Một khi “lỡ lời”, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
ĐBQH Phạm Văn Hòa. |
PV:Trước hết, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của những phát ngôn từ quan chức, lãnh đạo và hậu quả khi họ “lỡ lời”?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Ngay từ những phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn hồi công bố quyết định thanh tra tại ĐH Quốc gia TP.HCM, tôi đã thấy có vấn đề, thiếu sự suy nghĩ. Phát ngôn của một người đang đảm nhận chức vụ lãnh đạo không những ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị người đó công tác.
Trong vấn đề thanh, kiểm tra, báo chí có vai trò rất quan trọng, góp phần minh bạch các thông tin với dư luận xã hội. Nếu là vấn đề tốt càng cần thông tin rộng rãi để nêu gương, còn nếu sai sót thì phải rút kinh nghiệm.
Cá nhân tôi đánh giá, những phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn chưa xứng tầm với một vị hiện đang làm Quyền vụ trưởng của một cơ quan thanh tra.
Theo dõi cuộc họp báo này, tôi thấy nhiều câu hỏi chưa được trả lời một cách thấu đáo, thay vào đó là thông tin về cá nhân, truyền thống gia đình. Những việc làm tốt được nêu lên, nhưng với những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm thì tôi chưa thấy ông Nguyễn Minh Mẫn trả lời thỏa đáng.
PV: Nếu tốt, liêm khiết thì nên để người khác đánh giá sẽ khách quan hơn là tự nói về mình?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đúng là như vậy. Nếu một người thực sự tốt, có tài năng thì nên để cơ quan, đơn vị, những người xung quanh đánh giá. Còn với trường hợp ông Nguyễn Minh Mẫn, tôi cho rằng nên có động thái nhận lỗi công khai với báo chí.
Trong thời điểm nào đó, có vấn đề bức xúc, con người không tránh khỏi việc lỡ lời. Điều đó cũng có thể thông cảm và bỏ qua. Còn nếu nói mà không tự nhìn nhận chính mình là thiếu trung thực. Thêm nữa, không phải vô lý mà chính cơ quan Thanh tra Chính phủ lại đặt vấn đề yêu cầu ông Nguyễn Minh Mẫn xin lỗi báo chí. Việc ông Nguyễn Minh Mẫn không thực hiện lời cấp trên, cho rằng bị trù dập hay áp đặt là ứng xử chưa xứng tầm.
PV:Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Minh Mẫn khẳng định không làm gì sai nên sẽ không xin lỗi theo kết luận và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ liên quan đến phát ngôn của ông trước đó. Dường như việc làm “chữa cháy” đã không phát huy tác dụng mà càng khiến ông chịu “tai tiếng” hơn. Ông có suy nghĩ gì về trường hợp này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trước tiên, đứng ở góc độ cán bộ công chức bình thường không nên có những việc làm trái lệnh cấp trên hoặc không làm theo chỉ đạo. Bởi như vậy cũng có nghĩa là chấp hành kỷ luật của tổ chức không nghiêm, chưa xứng làm cán bộ chứ đừng nói đến việc giữ chức vụ cao như ông Nguyễn Minh Mẫn đang đảm nhận.
Nếu cấp trên chỉ đạo sai, người cấp trên sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nhưng cấp dưới cần thực hiện chỉ đạo của cấp trên để thể hiện kỷ cương của cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp này, tôi nghĩ cơ quan Thanh tra Chính phủ có đủ những chứng cứ để yêu cầu ông Nguyễn Minh Mẫn phải công khai xin lỗi.
PV:Ông có cho rằng, việc này nên được giải quyết sớm, tránh những suy nghĩ không hay về mâu thuẫn nội bộ của một cơ quan Nhà nước trước công luận?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đây là cơ quan thanh tra của Chính phủ, nơi sự tôn nghiêm, liêm chính, trung thực, khách quan được coi trọng để giữ gìn kỷ cương phép nước. Cho nên, cán bộ, công chức ở đây cần chấp hành tốt tổ chức kỷ luật; phong cách, đạo đức, phẩm chất phải luôn thể hiện sự gương mẫu, đầu tàu để làm gương cho các đơn vị khác.
Được Nhà nước giao trách nhiệm lớn lao, thanh tra trên nhiều lĩnh vực mà lại xuất hiện cán bộ không chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên thì ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.
Người quyền cao, chức trọng thì càng cần phải thận trọng với phát ngôn và những ứng xử của mình, không thể vì một cá nhân nào đó mà biến tất cả thành trò lố được. Tôi nghĩ Thanh tra Chính phủ cần sớm xử lý trường hợp này, đặc biệt là việc chấp hành tổ chức, kỷ luật của các cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị.
Càng kéo dài vụ việc càng khiến người dân nghi ngại về những mâu thuận nội bộ có tồn tại hay không. Do vậy, cần xử lý nghiêm, trắng ra trắng, đen ra đen, rõ ràng, chính xác, công minh, liêm chính để trả lời công luận. Không nên để tình trạng tồn tại dây dưa lâu như vậy sẽ khó làm việc.
Càng ngồi vị trí cao, càng phải thận trọng trong phát ngôn. Ngay cả trong ứng xử cũng cần sự chín chắn, nghiêm túc, điều chỉnh những hành vi của mình.
Một người dân bình thường sẽ chỉ bị đánh giá ở góc độ cá nhân, nhưng một quan chức sẽ còn bị đánh giá ở phương diện đại diện của cơ quan, đơn vị công tác. Đã là cán bộ, được tôi rèn qua công tác, tổ chức, được giáo dục chính trị, đạo đức, tư tưởng, phong cách thì càng phải gương mẫu hơn, tạo niềm tin trong nhân dân.
Chưa bàn đến việc đúng hay sai, nhưng ứng xử với những lùm xùm quanh mình cũng phản ảnh bản lĩnh của một cán bộ, quan chức. Việc đúng hay sai đã có cơ quan chức năng, nhưng trước hết, người đó phải có ứng xử cho phù hợp, thể hiện sự chân thành, trách nhiệm của cá nhân với công việc.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu