Ông Achim Steiner, Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, cho biết lạm phát, khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng cao đang khiến nhiều quốc gia có nguy cơ rơi vào cảnh vỡ nợ và gây tác động tiêu cực tới người dân những nước này.
Ông Steiner nói: "Hiện nay, có 54 quốc gia đang trong danh sách các nước có nguy cơ vỡ nợ. Nếu chúng ta tiếp tục có thêm các cú sốc khác - như lãi suất tiếp tục tăng cao, các khoản vay mượn trở nên đắt đỏ, khủng hoảng năng lượng và lương thực trầm trọng hơn - việc một số nước trong danh sách trên vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi".
Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tiếp tục: "Điều này sẽ tạo ra một viễn cảnh tồi tệ, hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Sri Lanka trong tất cả các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị".
Phát biểu tại Hội nghị Biến đổi khí hậu COP27 ở Ai Cập, ông Achim Steiner cảnh báo bất kỳ sự vỡ nợ nào cũng có thể cản trở mục tiêu đối phó với các vấn đề khí hậu. Ông nhấn mạnh: "Viễn cảnh ấy hoàn toàn không giúp ích cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".
Ông Steiner nhận định, nếu không có sự hỗ trợ với những khoản nợ này, các nước nghèo sẽ không thể vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu."Các khoản nợ đã trở thành vấn đề lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển, đến mức việc đối phó với các cuộc khủng hoảng nợ này là điều kiện tiên quyết nếu thế giới muốn đẩy nhanh các hành động vì khí hậu", ông cho hay.
Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cảnh báo cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến tình hình càng trở nên phức tạp, khi các quốc gia phải đối mặt với những tác động ngày càng tăng từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các quốc gia nghèo vẫn chưa nhận được các khoản tài trợ theo lời hứa từ các nước giàu và phải đối mặt với các hiện tượng bão lũ, hạn hán và sóng nhiệt ngày càng tăng.
Cũng theo ông Steiner, một số quốc gia đang phát triển có thể từ bỏ các cuộc thảo luận về khí hậu của Liên hợp quốc nếu các nước phát triển không thực hiện cam kết từ lâu về khoảng viện trợ trị giá 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ họ cắt giảm lượng khí thải nhà kính và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Steiner lý giải: "Nếu COP27 không đưa ra một con đường cho khoản viện trợ 100 tỷ USD, tôi cho rằng rất nhiều quốc gia đang phát triển sẽ rời Sharm el-Sheikh (Ai Cập - địa điểm tổ chức COP27) và suy nghĩ lại về những cam kết của họ trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu".
Tuy nhiên, ông Steiner cũng nói thêm rằng các quốc gia đang phát triển đã bắt tay vào giải quyết các vấn đề khí hậu của riêng mình, đồng thời kêu gọi các nước phát triển sớm có sự hỗ trợ để đảm bảo tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh ở các nước này.
Ông Steiner dự đoán sẽ không có một giải pháp cuối cùng nào được đưa ra tại Hội nghị COP27 nhưng các nước tham dự có thể sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể trong kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu.
Minh Hạnh (Theo Guardian)