+Aa-
    Zalo

    Quan chức không muốn hầu tòa thì đừng để bị kiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đó là ý kiến phản bác của luật sư Bùi Đình Ứng trước ý kiến của một số đại biểu Ủy ban Tư pháp.

    (ĐSPL) - Đó là ý kiến phản bác của luật sư Bùi Đình Ứng trước việc một số đại biểu Ủy ban Tư pháp cho rằng, nếu quy định quan chức phải đích thân hầu tòa khi bị kiện hành chính thì lãnh đạo sẽ suốt ngày phải đi hầu tòa, không còn thời gian để làm các việc khác.

    Hóa ra, người ta lo các lãnh đạo sẽ suốt ngày phải đi hầu tòa. Điều đó chứng tỏ, các lãnh đạo phải bị kiện nhiều lắm? Nếu một lãnh đạo làm tốt công việc của mình, có những quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng đắn chắc hẳn sẽ không bị kiện nhiều đến nỗi phải “suốt ngày đi hầu tòa”?

    Trao đổi với PV, LS.Bùi Đình Ứng (văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng – đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Thay vì lo ngại quan chức, những người được cho là bận trăm công nghìn việc, không có thời gian để đi hầu tòa khi bị kiện hành chính, tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại?

    Theo tôi, chính quy định này sẽ khiến những người làm lãnh đạo có trách nhiệm hơn, cẩn trọng hơn về các quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. Bởi một lẽ đơn giản, không muốn ra tòa thì đừng để bị kiện, không muốn bị kiện thì đừng làm sai, không muốn làm sai thì phải cẩn thận; còn không cẩn thận thì phải chịu trách nhiệm với chính hành động của mình. Do đó, không thể nói là không thể quy định quan chức phải đích thân hầu tòa, vì như vậy họ sẽ suốt ngày phải đi hầu tòa, không có thời gian để làm các việc khác. Như thế là không công bằng!”.

    Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa ra tòa trong một vụ kiện hành chính.

    Như tin đã đưa trước đó, đề xuất quan chức phải đích thân hầu tòa nếu bị kiện hành chính là nội dung quan trọng trong dự thảo luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được thảo luận tại phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp ngày 6/3. Bộ luật hiện hành quy định, quan chức, cơ quan Nhà nước bị khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính sai có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa.

    Người được ủy quyền chỉ cần đủ 18 tuổi và không bị mất năng lực hành vi dân sự. Kế thừa quy định này nhưng trong dự thảo có điểm mới là người được ủy quyền phải có chức vụ quyền hạn tương đương hoặc gần tương đương với người bị khiếu kiện; hoặc người đó phải có chức năng nhiệm vụ liên quan đến văn bản hành chính đã ban hành bị khiếu kiện.

    Xem thêm video: Xe container mất lái đâm thẳng vào trạm thu phí.

    Thực tế cho thấy, từ bao lâu nay, người dân dường như chưa bao giờ thấy sự có mặt của các quan chức lãnh đạo tại các phiên tòa xét xử các vụ kiện hành chính mà họ là người bị kiện. Trong trường hợp người bị kiện là chủ tịch UBND dù là cấp xã, huyện hay tỉnh thì thông thường, họ luôn ủy quyền cho những người không có quyền quyết định tham gia phiên tòa. Do đó, người được ủy quyền đến tòa cũng ù ù cạc cạc không biết nói gì, nếu có nói cũng chẳng ra ngô ra khoai, chỉ ghi nhận ý kiến rồi về báo cáo lại.

    Điều này, theo đánh giá của đại biểu Đỗ Văn Đương là sẽ triệt tiêu tranh tụng. Phát biểu tại phiên họp, ông Đương quả quyết: “Người nào ra quyết định hành chính bị kiện thì chính người đó phải ra hầu tòa. Không thể nói anh là chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh bận nhiều việc không ra tòa được. Làm sai thì phải ra tòa mà hầu, không có chuyện ủy quyền. Ủy quyền sẽ triệt tiêu tranh tụng. Để mấy anh nhân viên văn phòng cấp dưới ra tòa thì tranh tụng cái gì?”.

    Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, làm sai thì phải ra tòa mà hầu, không có chuyện ủy quyền.

    Nhiều luật sư cho rằng, điều này đáng ra chúng ta phải thực hiện lâu rồi chứ không phải đợi đến bây giờ mới đưa ra đề xuất để bàn bạc. Tất nhiên, luật sư nào cũng muốn đích thân người bị kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính sai phải hầu tòa để được tranh tụng trước tòa chứ không phải mấy ông cấp dưới được ủy quyền, hỏi cái gì cũng lắc, bàn cái gì cũng “chờ tôi về báo cáo”.

    Nhưng người dân mới là những người thực sự mong mỏi đề xuất này được thông qua bởi chỉ có như vậy quan – dân, người giàu – kẻ nghèo mới hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, công bằng mới được thực hiện.

    Ngược lại, nếu quy định, quan chức, cơ quan Nhà nước bị khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính sai có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa có lẽ người bị kiện là lãnh đạo sẽ chẳng bao giờ phải đích thân đi hầu tòa. Cứ bị kiện là họ cử cấp dưới đi hầu kiện còn mình ung dung ngồi nhà chờ báo cáo.

    “Như thế thì có bị kiện một vài lần hay một vài trăm lần cũng chẳng làm sao vì đã có đứa khác thay mình đi hầu kiện. Ai kiện cứ kiện, ai kêu cứ kêu, chẳng bận gì đến mình vì mình có phải hầu tòa đâu, cái đứa được ủy quyền nó hầu cơ mà!” – LS. Bùi Đình Ứng bình luận một cách hài hước.

    Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất quan chức phải đích thân đi hầu tòa khi bị kiện hành chính, ông Ứng cho rằng: “Quy định này, nếu được thông qua có thể sẽ gây bất lợi cho giới quan chức nhưng chắc chắn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân và cho xã hội. Mà mục đích quan trọng nhất của các chính sách là gì nếu không phải là lợi ích của người dân, của xã hội?”.

    Tại sao không lấy luôn cái việc hầu tòa của quan chức ra làm căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm, bình bầu? Ông nào bị kiện nhiều, phải hầu tòa nhiều thì rất có khả năng là sai phạm nhiều, làm không tốt. Với những người như vậy thì đừng tín nhiệm nữa, đừng cho giữ chức nữa! Thế là xong.   

    Mai Thu Hương

    Bản thân tôi đồng ý với một số ý kiến đề xuất việc người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính phải có nghĩa vụ tham gia tố tụng khi quyết định và hành vi của mình bị khởi kiện. Vì tôi cho rằng đây là một đề xuất rất hợp lý và hợp tình, ràng buộc trách nhiệm của người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính khi ban hành các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại của công dân, cơ quan, tổ chức.

    Bấy lâu nay, chúng ta ít nhiều cũng được biết, tòa án rất ngại xử các vụ án hành chính, ngại động chạm, nể nang và tâm lý né tránh. Nếu luật quy định rõ trách nhiệm tham gia tố tụng của người ra quyết định, hành vi hành chính, người giải quyết khiếu nại thì đó là đột phá lớn để giải quyết dứt điểm các vấn đề tắc nghẽn trong xét xử các vụ án hành chính ở nước ta.

    LS.Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên -  đoàn luật sư TP.Hà Nội

    Dân còn có quyền ủy quyền được chả nhẽ quan chức lại không được ủy quyền? Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định: “Trường hợp người bị kiện là người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người được ủy quyền phải là người có chức danh quản lý thực hiện chức năng nhiệm vụ trong lĩnh vực có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện. Ví dụ, bị kiện về đất đai thì ủy quyền cho ông trưởng phòng tài nguyên - môi trường, bị kiện về vấn đề gì phải ủy quyền cho trưởng phòng chuyên môn đó.

    Hoàng Lâm Tuyền

    Nếu không quy định quan chức phải đích thân hầu tòa khi bị kiện hành chính thì  chắc chắn người ký quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện sẽ không bao giờ phải ra tòa. Họ sẽ chỉ cử quân của họ đi thay mà thôi!

    Quốc Oai

    Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có thấy mấy ông chủ tịch huyện phải ra tòa lần nào đâu, toàn mấy ông văn phòng vác mặt đến. Lúc tòa hỏi, mặt các ông cứ nghệt ra như trẻ ngậm cơm, cái gì cũng để dành về báo cáo, xin ý kiến cấp trên. Chả thấy ở đâu có cái kiểu ở tòa như ở nhà như thế!

    Hồng Kỳ

    DƯƠNG DUNG

    Xem thêm video:

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-chuc-khong-muon-hau-toa-thi-dung-de-bi-kien-a87280.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan