(ĐSPL) - Một chính trị gia Ấn Độ đã bị chỉ trích, sau khi trên mạng xuất hiện bức ảnh chụp cảnh ông này được các sĩ quan cảnh sát khiêng qua chỗ ngập.
Theo VietNamNet, ông Shivraj Singh Chouhan, Thủ hiến bang Madhya Pradesh, đã tới thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để chỉ đạo công tác cứu hộ. Tuy nhiên, ông lại trở thành đề tài gây tranh cãi trên mạng chỉ vì một bức ảnh.
Trong ảnh, hai cảnh sát đang khiêng ông Chouhan qua dòng nước ngập cao. Văn phòng của ông Chouhan sau đó đã giải thích với báo Hindustan Times rằng, các cảnh sát đã quyết định khiêng ông sau khi "chân của ông bị vấp phải một vật thể cứng trong bùn".
Thủ hiến Shivraj Singh Chouhan bị chế giễu vì để hai cảnh sát khiêng qua chỗ nước ngập. Ảnh: Indian Express. |
Một nhân viên phụ trách quan hệ công chúng tên S.K. Mishra đứng ra bảo vệ ông Chouhan với lý do ông có thể bị "nguy hiểm" khi đi qua chỗ ngập nước. "Không ai biết nước có thể dâng đột ngột lúc nào hoặc nền đất ở dưới trơn trượt. Ông ấy cũng có thể bị rắn hoặc bọ cạp cắn". S.K. Mishra nói thêm rằng Thủ hiến Chouhan đã "liều mình" vào vùng nguy hiểm để gặp dân chúng.
Tuy nhiên, thông báo này không thể ngăn cư dân mạng đem bức ảnh trên làm trò tiêu khiển. Một số người sử dụng Twitter còn cho rằng, bức ảnh về ông Chouhan đã định nghĩa lại ý nghĩa của từ "giám sát trên không".
Vnexpress đưa tin, theo sau ông Chouhan là đoàn tùy tùng đi thị sát khu vực ngập lụt gây chết người tại miền trung Ấn Độ. "Thật đáng xấu hổ", một người dùng Twitter tên Jennifer Fernandes viết. Người khác thì chế giễu ông Chouhan đang "đào tạo vận động viên chạy tiếp sức nội dung 400 m cho Olympic 2020". Vị thủ hiến cũng bị cáo buộc hành xử giống các quan người Anh khi Ấn Độ còn là thuộc địa.
Mưa lớn đã trút xuống bang Madhya Pradesh trong hai ngày qua và khiến ít nhất 15 người thiệt mạng. Thủ hiến Chouhan đã gặp gỡ người dân tại các vùng bị ảnh hưởng và cam kết sẽ giúp đỡ các nạn nhân của đợt thiên tai này trên toàn bang.
Ông Chouhan đăng tải nhiều hình ảnh về chuyến đi trên Twitter cá nhân, nhưng không đăng bức ảnh gây tranh cãi. Năm 2013, một phóng viên truyền hình Ấn Độ bị mất việc khi đưa tin lũ lụt trong lúc được một người dân cõng trên vai. Phóng viên này nói người dân cõng anh với sự tôn trọng.
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]JvjuuhAbYP[/mecloud]