+Aa-
    Zalo

    Quần áo trẻ em chất lượng kém: "Rước bệnh" cho bé

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giặt sạch quần áo trước khi cho bé mặc, nhưng bụi vải và màu nhuộm vẫn bám đầy người em bé. Người tiêu dùng tại TPHCM lo ngại chất lượng có thực như trên nhãn thành phần?

    Trên nhãn thành phần sản phẩm quần áo, tã em bé có in “100% cotton”. Mặc dù đã giặt sạch quần áo nhiều lần trước khi cho bé mặc, nhưng bụi vải kèm màu nhuộm vẫn bám đầy người em bé. Người tiêu dùng tại TPHCM lo ngại chất liệu vải có thực như trên nhãn thành phần?

    Quần áo chất lượng kém: Hại con

    Chị Trần Thị Thu Hương (ngụ Quận 2, TPHCM) phản ảnh, chị mua quần áo, khăn tắm cho con tại chuỗi cửa hàng Con Cưng chuyên bán đồ cho mẹ và bé, trên bao bì nhãn thành phần quần áo in 100% cotton, trước khi cho con dùng chị đã giặt sạch đồ nhiều lần bằng nước giặt quần áo cho trẻ sơ sinh, nhưng bụi vải kèm màu nhuộm vẫn bám đầy người con, nhất là vùng cổ, nách, lưng của bé. Chị Thu Hương bức xúc: “Ngay cả khăn sữa lau miệng cho con bụi vải cũng rụng, bay, bám quanh miệng, cổ của bé. Gắn mác 100% cotton mà chất lượng kém quá, ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và con”.

    Sản phẩm quần áo cho trẻ, chị Trần Thị Thu Hương (TPHCM) phản ảnh là kém chất lượng

    Theo giảng viên Nguyễn Trường Duy, khoa May – Thời trang, trường ĐH Công nghiệp TPHCM, bộ quần áo chị Trần Thị Thu Hương mua cho trẻ đúng là chất liệu cotton, loại cotton xơ sợi ngắn, nhưng chính xác bao nhiêu % cotton thì phải qua phân tích xét nghiệm. Nguyên liệu sản xuất vải cotton có hai loại, loại xơ sợi dài là loại chất lượng cao, giá đắt. Cotton xơ sợi ngắn là loại rẻ tiền, chất lượng thấp. Khi dệt, xơ sợi ngắn hay nhô lên mặt vải, bụi xơ còn bám dính, dễ rụng, bay, bám vào da người khi mặc hoặc gây bụi trong không khí.

    Một thực tế hiện nay, quần áo cho trẻ nhất là trẻ sơ sinh hàng chợ chiếm tới 90% thị trường, loại hàng này không ổn định về chất lượng. Người ta có thể gắn nhãn thành phần tùy ý với các thông tin không chính xác về thành phần chất liệu vải may, miễn sao bán được hàng, hoàn toàn không đúng tiêu chí như kinh doanh chính thống. Bên cạnh đó, tâm lý của người mua chuộng hàng giá rẻ, có khi chỉ 30.000đ-40.000đ đã mua được áo/quần/khăn tắm cho trẻ sơ sinh. Do đó, chất lượng xơ sợi không đảm bảo là khó tránh khỏi, nên thường xảy ra việc xơ sợi bông vải bám vào các kẽ ngón tay, chân của trẻ gây hăm loét, viêm da…

    Quần áo, dày dép của trẻ em nếu đúng chất lượng, an toàn sức khỏe của trẻ thì giá bán có thể đắt hơn nhiều lần so với đồ của người lớn. Vì sản xuất nguyên liệu may mặc cho trẻ cần nhiều công đoạn, kiểm nghiệm khắt khe hơn, như độ kích ứng da, thành phần nhuộm... Đối với trẻ, nhất là trẻ sơ sinh nên chọn mua cho bé đồ mặc sáng màu, giúp giảm triệu chứng kích ứng da, hạn chế dư lượng màu nhuộm và bụi vải.

    Trên nhãn thành phần quần áo của trẻ in "100% cotton", nhưng người tiêu dùng lo ngại chất lượng không đúng như thực tế.

    Nguy hiểm sức khỏe khi hít phải bụi vải

    Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Đức, nguyên Trưởng khoa khám bệnh, BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), với trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh, bụi vải gây nguy cơ viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng. Tình trạng viêm mũi dị ứng gây khó chịu cho trẻ, khiến trẻ biếng ăn, hay quấy khóc.

    GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện KHCN và Quản lý môi trường, ĐH Công nghiệp TPHCM thì cho rằng, trường hợp quần áo của trẻ mỗi lần giặt đều phai màu cho thấy độ bền màu nhuộm không đảm bảo, dư lượng màu nhuộm quá nhiều. Màu phai theo bụi vải bám vào da trẻ nhất là khi trẻ đổ mồ hôi dễ gây kích ứng viêm da, gây dị ứng mẩn đỏ, lâu ngày gây ra các bệnh ngoài da, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, sản phẩm như vậy không đảm bảo chất lượng. Tránh mua quần áo cho trẻ có màu sắc quá sặc sỡ, bốc mùi hắc khi mua. Mặt khác, bụi vải như bông, gai, đay thuộc bụi hữu cơ, có thể gây co thắt, viêm loét lòng phế quản, phù nề niêm mạc đường hô hấp, gây bệnh bụi phổi bông. Biểu hiện bệnh là tức ngực, khó thở, ho, sốt, mệt, nhức đầu,…

    Giảng viên Nguyễn Trường Duy cho hay, có nhiều cách nhận biết vải cotton bằng cảm quan như: sờ tay vào vải cảm giác mềm tay, có độ xốp, bề mặt thô, không bóng, khó giặt. Vải cotton thấm nước rất nhanh, lượng nước thấm có thể chiếm  60-70% trọng lượng của vải, khi đó sợi vải dẻo hơn bình thường, không gây mùi hôi trên vải khi mặc. Vải pha polymer cảm giác cứng, nặng, chặt tay hơn, thấm nước chậm, vò không nhàu, nhìn bóng đẹp, thớ vải đều, cảm giác độ bền cao.

    Ngoài ra, có thể nhận biết vải 100% cotton bằng cách đốt cháy. Do thành phần tạo thành từ tự nhiên (sợi, gỗ) nên khi đốt vải 100% cotton sẽ ngửi thấy mùi gỗ, than vải bóp sẽ mịn tan hết. Vải pha sợi polymer khi cháy nghe mùi nhựa khét, than sau khi cháy xong bị vón cục, phần vón cục chính là tỷ lệ pha.

    Do công nghệ dệt hiện nay nên không loại trừ trường hợp hàng giả cotton, trên bề mặt vải cũng xù lông như vải cotton, người mua phải tinh ý mới có thể cảm nhận được bằng cảm quan để chọn mua đúng. Hàng may mặc ở nhiều nước độ tin cậy của thương hiệu khẳng định chất lượng xơ sợi và màu nhuộm. Giá trị của thương hiệu khiến họ làm tốt hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

    Giảng viên Nguyễn Trường Duy (ĐH Công nghiệp TPHCM)

    Hương Nguyên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-ao-tre-em-chat-luong-kem-ruoc-benh-cho-be-a204768.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.