(ĐSPL) - Khó khăn khiến người càng chi li trong mua sắm. Và đây là cơ hội để quần áo giá rẻ, lâu nay “yếm thế”, nay trỗi lên giành khách với hàng giá cao lâu nay vẫn chiếm lĩnh thị trường.
Hàng loạt cơ sở kinh doanh quần áo giá cao lăn ra chết!
Chợ Hạnh Thông Tây (Q. Gò Vấp) là chợ đêm chuyên bán vải, quần áo, giày dép. Những năm trước, không chỉ trong mùa tết mà cả những ngày thường, tại khu mua sắm nổi tiếng này lúc nào cũng đông nghẹt người. Người mua là công nhân, sinh viên và người dân khắp các quận khác cứ đêm đến lại đổ về đây để mua sắm. Người bán, người mua chen lấn nhau. Bãi giữ xe có khi bị quá tải vì lượng khách quá đông. Thế nhưng dạo gần đây, nơi này lại hay vắng bóng các “thượng đế”.
Chị Thương là một tiểu thương bán hàng trong chợ, đang rất lo lắng vì mấy tháng qua chịu đựng cảnh ế ẩm. Có khi cả đêm chị chỉ bán được một vài chiếc áo. “Trước đây lúc bán hàng tui hay nói thách giá nhưng bây giờ không dám thách nữa vì sợ khách hàng không nói không rằng mà bỏ đi”, người chủ sạp quần áo rầu rĩ.
|
Hàng loạt shop, ki-ốt vắng khách. |
Còn chợ Tân Bình (Q. Tân Bình) là một trong những chợ vài, quần áo lớn của TP.HCM. Các loại quần áo may sẵn nơi đây đang đứng trước nguy cơ ế ẩm kéo dài. Vào giờ “vàng” của thời điểm buôn bán mà người bán vẫn đông hơn người mua. Các chủ sạp ngồi tụm năm tụm bảy nói chuyện. Số khác thì nằm ngủ. Có những tiểu thương còn mang cả chậu giấy ra đốt phong long rồi nhảy lòng vòng khắp sạp. Thỉnh thoảng có một hai “thượng đế” ghé thăm, người bán chưa kịp chào hàng thì người mua đã quay lưng mà không hỏi han một lời.
Ở chợ hiện có các loại mặt hàng thích hợp với thời tiết nắng nóng hiện nay như áo khoác giá từ 100-150.000 đồng, áo thun ba lỗ, áo dây giá từ 25-40.000 đồng nhưng bán cũng không chạy. Chị Ngân, chủ một sạp bán quần áo trong chợ cho biết: “Cứ tình hình này tui sợ không kiếm nổi tiền để trả tiền thuê sạp chứ đừng nói chi đến việc kiếm tiền để sống”.
Tương tự, tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), chợ Bình Tây (Q.6), một số sạp hàng đã ngừng bán một thời gian hoặc đóng cửa. Từ 8 giờ tối, các gian hàng đã vắng người. Một số người bán ở đây đang tìm người sang sạp. Kể cả phố Nguyễn Trãi (Q.5) là nơi mua sắm nổi tiếng, trong đó tập trung nhiều nhất là mặt hàng quần áo thì hiện tại từ các shop ra đến vỉa hè đều vắng bóng người mua.
Trên đường Lý Chính Thắng (Q.3) có một nơi chuyên bỏ sỉ quần áo và bán hàng qua mạng rất được nhiều khách ghé thăm. Áo thun giá có loại bán sỉ chỉ từ 25-30.000 đồng/áo, bán lẻ từ 40-45.000 đồng, áo vải xịn giá cũng chỉ từ 60-70.000 đồng. Trước đây, ngày nào cũng có khách gọi đặt hàng và cả khách đến để nhận hàng bán sỉ. Nhưng dạo gần đây, số lượng khách cũng giảm. Chị Lan, chủ cửa hàng, cho biết lúc đầu chị quy định đơn đặt hàng phải trên một triệu đồng mới được mua giá sỉ, nhưng nay đã hạ xuống một nửa. “Dù sao cũng là kinh doanh tại nhà nên không tôi không lo lắm đến tiền thuê mặt bằng. Nhưng quần áo là loại hàng thời trang, người ta mặc theo mốt, theo trào lưu, nếu bán ế để lâu bị lỗi thời thì khó mà bán lắm”, chị Lan cho biết.
|
Quần áo giá 100.000đ đã bị xem là xa xỉ. |
Quần áo giá rẻ lấn sânHiện nay, một số hình thức bán hàng online rất phát triển, trong đó quần áo là mặt hàng chủ yếu. Người bán không phải mất tiền thuê mặt bằng và thuê nhân viên nên giá cá của sản phẩm có phần “mềm” hơn. Khách hàng có thể lựa mẫu quần áo có sẵn rồi gọi điện thoại là có người mang đến giao tận nơi. Giá cả cũng rất phải chăng.
Chị Nam Phương (Q.4) là người thường xuyên mua sắp quần áo qua mạng cho biết: “Mua sắm qua mạng rất tiện lợi, mình chỉ cần lựa mẫu trên mạng rồi gọi điện thoại là có người mang đến tận nhà. Đi đến các nơi mua sắm vừa mất thời gian lại phải chen lấn nữa”.
Bên cạnh đó, tại một số chợ như Chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Trạch Ông (Q.8) áo sơ mi, áo thun, quần jean được bày bán tràn lan, giá chỉ từ 20-40.000 đồng/cái. Tại các chợ đồ cũ, quần áo hàng hiệu được bày bán với giá rất rẻ. Những cửa hàng như thế này ra đời để đáp ứng nhu cầu mặc đẹp của những quý cô dè xẻn trong việc chi tiêu. Họ vẫn có thể thể hiện tình yêu thời trang của mình với nhiều mẫu trang phục hợp mốt mà giá cả thì rất hợp túi tiền. Đặc biệt với những bạn trẻ cá tính, những cửa hàng bán đồ cũ luôn giúp họ có được những món phụ kiện vừa ý.
Để khắc phục tình trạng buôn bán ế ẩm, chị Hà, chủ một ki-ốt trong chợ đã mang hàng ra bán vỉa hè vào buổi tối. Chị cho biết: “Tui bày ra đường để mọi người qua lại thấy hàng mà vào mua, tui cũng có thêm cơ hội để bán được hàng”. Tuy nhiên chị cho biết là ế vẫn ế.
Về phần người mua, anh Giang (Q.5) tâm sự, thu nhập của anh không cao, anh phải tiết kiệm tối đa. “Thay vì mua đồ trong mấy cửa hàng đắc tiền, tui hay mua ở vỉa hè hay mua ở chợ bán đồ cũ, mặc vẫn đẹp như ai”.
Phương Dung là một sinh viên tâm sự: “Lúc trước em hay mua quần áo trong shop để mặc. Nay thì em không dám phung phí tiền cho việc mua sắm nữa, em lo cái ăn trước đã”.
Đó cũng là một trong những lý do giải thích cho hiện tượng ế ẩm của các cửa hàng bán sản phẩm giá cao hiện nay. Loại mặt hàng thời trang như quần áo, nếu đã lỡ mốt thì rất khó bán. Chính vì vậy, các cửa hàng thời trang giống như đang “ngồi trên đống lửa” khi loay hoay mãi mà không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-ao-gia-re-lan-san-hang-gia-cao-a28103.html