Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat mà Nga dự đoán là "tên lửa nguy hiểm nhất thế giới", hiện đã được đưa vào sản xuất hàng loạt, The EurAsian Times đưa tin ngày 28/11 (giờ địa phương).
Tổng Giám đốc Trung tâm Tên lửa Nhà nước Makeyev Vladimir Degtyar, nhà khoa học tên lửa hàng đầu của Nga tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn, việc sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa R-28 Sarmat mới nhất đã bắt đầu ở Nga.
RS-28 Sarmat là một hệ thống tên lửa dựa trên silo của Nga, được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa quỹ đạo nhiên liệu lỏng hạng nặng, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Degtyar, tên lửa R-28 Sarmat sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nga trong vòng 40 đến 50 năm tới để đảm bảo an ninh quốc gia. Ông cho biết ICBM này sẽ trở thành phương tiện răn đe hạt nhân chính và đảm bảo duy trì hòa bình trong môi trường địa chính trị hiện nay.
Thông báo về RS-28 Sarmat đưa ra vào thời điểm Nga được cho là đang trải qua thời kỳ khó khăn do thiếu hụt tên lửa trong kho vũ khí của mình. Tuần trước, các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng Nga đã thử nghiệm thành công hầm chứa ICBM R-28.
Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố: "Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga".
Theo The EurAsian Times, R-28 Sarmat có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và có khả năng đi qua cả Bắc và Nam Cực.
Hệ thống tên lửa Sarmat sẽ gia nhập Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga sau khi chương trình thử nghiệm hoàn thành. Trung đoàn tên lửa đứng đầu trong đội hình tên lửa Uzhur ở Lãnh thổ Krasnoyarsk đã sẵn sàng để được trang bị lại hệ thống tên lửa mới này.
Theo truyền thông Nga, tên lửa "nguy hiểm nhất" hành tinh RS-28 Sarmat có thể mang theo nhiều đầu đạn phương tiện tái nhập mục tiêu độc lập (MIRV) nặng tới 10 tấn tới bất cứ địa điểm nào trên thế giới. MIRV hay công nghệ đa đầu đạn phân hướng, ám chỉ việc Sarmat có thể phóng nhiều đầu đạn cùng lúc. Tùy thuộc vào chiến thuật, mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu cách hàng trăm km.
Ngoài các đầu đạn, Nga nói rằng Sarmat có thể mang thiết bị phóng siêu vượt âm Avangard, một vũ khí có tốc độ gấp khoảng hơn 27 lần tốc độ âm thanh. Đây được xem là yếu tố khiến nó trở thành một "thế lực" khó cản phá trong kho vũ khí Nga.
Theo thông tin được công bố trong triển lãm Army-2019, tầm bắn của ICBM Sarmat là 18.000 km, trọng lượng phóng hơn 200 tấn, trong đó nhiên liệu là 178 tấn. Tên lửa có đường kính 3m và chiều dài tổng thể 35,5m.
Truyền thông nhà nước Nga thông tin, đây là tên lửa duy nhất có tốc độ và tầm bắn vô song, độ chính xác vượt trội và hoàn toàn bất khả xâm phạm khi xuyên phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Bích Thảo(Theo The EurAsian Times)