(ĐSPL) - Clip "Nhặt xương cho thầy" của chương trình Quà tặng cuộc sống trên sóng VTV3 phát ngày 19/11 đang gây bão dư luận, khi truyền tải một thông điệp xúc phạm đến tình cảm, danh dự của người thầy.
Vụ việc khiến dư luận, phụ huynh và các cơ quan chức năng phải giật mình nhìn lại, những bài học giáo dục thông qua các kênh truyền hình, sách báo, phim ảnh,... đôi khi lại phản giáo dục đến không ngờ.
Hình ảnh trong Clip “Nhặt xương cho thầy” khiến nhiều người bức xúc. |
Khi thông điệp phản giáo dục...
Ngày 21/11, Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), vì có hành vi vi phạm hành chính, khi phát sóng câu chuyện "Nhặt xương cho thầy" trong chương trình Quà tặng cuộc sống trên kênh VTV3 lúc 22h ngày 19/11.
Theo đó, VTV bị phạt 30 triệu đồng và phải xin lỗi theo quy định. "Nhặt xương cho thầy" phóng tác từ một câu chuyện ngụ ngôn, kể về một gia đình trung lưu xưa, có một cậu con trai đã đến tuổi đến trường. Hai vợ chồng bàn nhau mời thầy đồ về ở tại gia đình, dạy cho con trai họ. Tới bữa cơm vợ chồng này cũng chuẩn bị chu đáo, nhưng thầy đồ giữ ý, chỉ ăn rau, không ăn thức ăn mặn. Vợ chồng này tưởng thầy chỉ ăn thanh đạm nên cũng không nài ép. Trong khi, thầy nói vậy, nhưng bụng nghĩ khác, nên sau đó, thầy nghĩ ra kế, nói người mẹ học trò tới bữa dọn mâm riêng cho thầy và trò ăn trong phòng học. Tại đây, bữa nào thầy cũng ăn hết sạch đồ ăn, chỉ chừa lại xương, rồi kêu học trò dọn dẹp. Một thời gian sau, thầy không còn dạy cậu bé nữa. Ngày cáo từ, cậu học trò cảm ơn, rồi chúc thầy sống 100 tuổi, còn cậu sống 101 tuổi, để còn... nhặt xương cho thầy.
Thông điệp mà câu chuyện muốn gửi tới mọi người là gì? Dư luận phẫn nộ cho rằng, nội dung câu chuyện đã xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của cả xã hội. Hàm ý của câu chuyện không mang lại những giá trị giáo dục, mà ám chỉ "điều gì đó" không hay về hình ảnh người thầy. Theo ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, kho tàng truyện dân gian phản ánh nhiều mặt của xã hội, cả mặt tốt lẫn thói hư tật xấu. Nhưng, hiện tượng "nhặt xương cho thầy" là hiện tượng không phổ biến.
Khai thác những câu chuyện dân gian để giáo dục con trẻ, truyền tải qua các kênh truyền hình, sách báo là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với việc, cẩu thả trong khâu kiểm duyệt, biên tập, một số nội dung trở thành phản cảm, rồi phát chương trình đúng vào dịp tri ân người thầy là điều không thể chấp nhận được. Câu chuyện Tấm Cám quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, bỗng trở nên xa lạ trong Tấm Cám thời hiện đại, với những hình vẽ dí dỏm, ngôn ngữ thời @. Nhiều người giật mình vì nội dung chuyện bị thiếu hụt, méo mó với ngôn từ, hình ảnh đầy tính bạo lực. Ví dụ mẹ ghẻ mắng Tấm: "Tấm! mày hâm à? Mày câm à? Sao mày đâm thủng cái mâm?".
Truyện cổ tích Tấm Cám thời hiện đại gây phản cảm. |
Cách đây không lâu, dư luận cũng được phen hốt hoảng, với hai bức ảnh chụp bìa và một trang, được cho là của cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú" (ghi của NXB Văn hóa Thông tin) lan truyền trên mạng. Người ta gọi ngôn ngữ của cuốn truyện là ngôn ngữ 18+, bởi những đoạn miêu tả nhạy cảm như: "Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng...". Sau khi kiểm tra, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc NXB Văn hóa Thông tin cho biết, cuốn sách gây xôn xao trên là sách lậu.
Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, không thể đếm xuể những đầu sách mới ra lò xuất hiện trên kệ trưng bày của nhà sách mỗi ngày. Bên cạnh đó, tình trạng sách bị in lậu tràn lan khó kiểm duyệt, được bày bán nhan nhản trên hè phố, trong các hiệu sách cũ. Với sự phổ cập của internet, xuất hiện thêm hàng loạt truyện tranh, chuyện cổ tích chỉ "phát hành" trên internet. Những loại sách báo này, gây khó khăn rất lớn cho công tác kiểm duyệt nội dung của cơ quan chức năng.
Người chịu ảnh hưởng trực tiếp là lớp trẻ
Sở dĩ, các truyện ngụ ngôn, cổ tích của Việt Nam có những chi tiết phản cảm là do bắt nguồn từ một số yếu tố lịch sử. ông Dương Thiên Vương, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Thiên Vương, đơn vị phát hành hàn trăm đầu sách cho thiếu nhi tại TP.HCM chia sẻ: "Sỡ dĩ, một số truyện cổ tích, ngụ ngôn có những vấn đề như thế là bắt nguồn từ việc dồn nén giáo dục. Một số truyện cổ tích có sự tàn ác, vì trong đó giáo dục sự căm thù. Trong khi đó, tính lễ bị mất đi khiến nhiều người trẻ quên đi việc chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi...".
Ở một góc độ khác, một số truyện ngụ ngôn, cổ tích có khá nhiều chi tiết phản cảm là do một số yếu tố về thời gian. Chia sẻ vấn đề này, nhà văn Thượng Hồng cho biết: "Các câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn đều thuộc văn hóa truyền khẩu, được lưu truyền từ xa xưa. Sau đó, những người chép lại không để ý khiến cho những chi tiết phản cảm, thiếu tính giáo dục được truyền bá rộng rãi. Người chịu ảnh hưởng trực tiếp là lớp trẻ. Khi tiếp xúc với văn hóa này sẽ gây ra những tiêu cực khôn lường. Dù rằng, đây là những câu chuyện có giá trị lâu đời, do người xưa để lại, tuy nhiên, nếu phản cảm thì chúng ta cũng cần mạnh dạn lược bỏ".
Những chuyện cổ tích, ngụ ngôn ảnh hưởng đến giới trẻ một cách vô hình, nhưng phần tai hại lại khá nặng nề. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Bất kỳ một câu chuyện nào kể cho trẻ đều có những mục đích riêng. Tuy nhiên, một số truyện phản cảm như Tấm nấu nước sôi làm mắm mẹ con Cám chẳng hạn lại khá phản cảm. Bấy lâu nay, chúng ta theo một logic người hiền gặp lành, làm ác gặp dữ. Nhưng cách ứng xử của một số nhân vật trong truyện cổ tích lại đi ngược lại, không tạo ra tính giáo dục, nhân văn. Việc trả thù một cách tàn bạo của cô Tấm vô hình trung ngấm vào giới trẻ. Điều này gây ra tác hại khôn lường. Những chuyện bạo lực học đường vì thế cũng không có dấu hiệu giảm xuống. Rõ ràng, những câu chuyện nên có tính giáo dục và đạo đức cao, còn nếu đi chệch lại điều này, cần lược bỏ".
Một số truyện cổ tích, ngụ ngôn Việt Nam, nhiều yếu tố nghịch lý vẫn xảy ra khá vụng về, đại diện một NXB tại TP.HCM phân tích: "Cần có một sự thay đổi cho phù hợp, ví như truyện cổ tích đấu tranh giai cấp quá đáng. Chẳng hạn như chúng ta luôn quen với việc địa chủ giàu có nhưng ngu ngốc, người nông dân thông minh nhưng nghèo. Đây là một nghịch lý, cần có sự dung hòa. Bên cạnh đó, yếu tố giết nhau cũng cần loại bỏ ra khỏi chuyện cổ tích, vì như thế chẳng khác nào đang giết chết một thế hệ".
Để làm được những điều này, chúng ta cần có một Luật Xuất bản dành cho thiếu nhi rõ ràng. ông Dương Thiên Vương, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Thiên Vương cho biết: "Truyện Công chúa tóc dài, Công chúa ngủ trong rừng của nước ngoài nguyên thủy vẫn có tình tiết công chúa này bị cưỡng bức. Tuy nhiên, khi viết cho thiếu nhi xem, họ đã bỏ chi tiết này. Bên cạnh đó, ở nước ngoài người ta có những tiêu chí xuất bản cho thiếu nhi rất cụ thể. Nếu vi phạm các tiêu chí này, không được phát hành, đồng thời bị phạt rất nặng. Song tại Việt Nam, những tiêu chí xuất bản sách cho thiếu nhi lại không rõ ràng, chủ yếu dựa vào cảm tính. Vì thế xảy ra tình trạng sách vở dành cho thiếu nhi kiểm duyệt kém, những tình tiết phản cảm bị bỏ sót, đáng tiếc người gánh chịu hậu quả này lại là những chủ nhân tương lai của đất nước".
Nhà văn Hamlet Trương, một cây bút thu hút giới trẻ hiện nay chia sẻ: "Hiện nay, sách xuất bản cho thiếu nhi làm khá sơ sài, yếu kém. Mảng sách này dường như không được phát triển, đây là một thực trạng đáng buồn. Dường như chúng ta thiếu sự tôn trọng dành cho thiếu nhi. Trong khi đó, một số câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích có yếu tố phản cảm bị bỏ sót. Từ đây, những yếu tố tiêu cực dễ dàng xâm nhập với những người trẻ chưa có nền tảng kiến thức vững vàng, sẽ dễ dẫn đến những hành động sai trái nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời". |