Ngân hàng, môi giới chứng khoán, bất động sản từng là nghề mơ ước của nhiều người với mức lương hấp dẫn, thưởng cao. Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ.
Anh Nguyễn Hoài Giang (30 tuổi, nguyên quán Hải Phòng) vốn là một sinh viên trường Luật. Thế nhưng khi hoàn thành các khóa học Luật vào khoảng năm 2008, anh không vội đăng ký vào một văn phòng để tập sự và mơ về một chiếc thẻ hành nghề mà chọn việc làm môi giới địa ốc cho một công ty có trụ sở trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội).
Địa bàn hoạt động của anh ngày đó là khu vực dọc dự án đại lộ Thăng Long. Công việc nhiều, hầu như không cần lên văn phòng, không cần tìm khách mà mỗi tháng vẫn có thu nhập vài chục triệu.
Mức thu nhập khi ấy giúp anh có một cuộc sống khá dễ thở và có tiền dành riêng để mua một mảnh đất tiền tỷ trên đường Nguyễn Thị Định. Anh từng nghĩ, nếu thị trường cứ tiếp tục như vậy được vài năm, anh sẽ có đủ tiền để xây cất một ngôi nhà lớn, và dư dả để chuẩn bị tiền sinh hoạt cho gia đình 4 người.
Thế nhưng không lâu sau đó, bất động sản chính thức bước vào giai đoạn đóng băng kéo dài. Chủ đầu tư sa lầy. Giá đất sụt giảm. Người bán nhiều hơn người mua. Sàn bất động sản vắng lặng. Hầu hết nhân viên công ty đều nghỉ việc. Anh quay về với nghề chính, đi tập sự tại một văn phòng luật, nhận mức lương cố định chỉ 3,5 triệu đồng/tháng, dự định xây nhà dời lại đến tận năm 2014 với số tiền phải vay nợ nhiều hơn tự có.
"Mình bỏ việc sớm vì còn có gia đình phải chăm sóc, chứ không thể cố gắng gượng như nhiều anh em, chấp nhận theo nghề dù cả tháng chẳng kiếm được đồng lương, hoa hồng nào. Trong số những nhân viên cũ, có người vẫn kiếm thêm được vài khoản kha khá trong cơn sốt nhà thu nhập thấp những năm 2011-2012, nhưng bây giờ đều như nhau cả. Mỗi ngày đi làm là một canh bạc, có khi chi phí xăng xe, liên lạc với khách vẫn phải mất, mà thu nhập bù vào chẳng thấy đâu", anh tâm sự.
Anh Nguyễn Tâm, một người trụ được với nghề môi giới bất động sản tại Hà Nội được 6 năm, cho rằng thăng trầm trong nghề nào cũng có, nhưng với những người thu nhập từ vài chục triệu xuống còn một hai triệu mỗi tháng là cú sốc quá lớn. "Trụ sở công ty cứ chuyển dần từ tòa nhà 15 tầng, rồi sang một ngôi nhà mặt phố, và giờ là một căn hộ chung cư giá rẻ cách trung tâm thành phố hơn chục km. Hiện nay mình sống bằng tiền môi giới khách thuê chung cư, kiếm một vài trăm mỗi hợp đồng, và chờ thời".
Với những người gắn bó với nghề bất động sản, chứng khoán, ngân hàng lâu năm, mức lương vài chục triệu với những đãi ngộ hấp dẫn đã là chuyện của quá khứ. |
Tương tự như những đồng nghiệp làm bất động sản, nhân viên môi giới chứng khoán ngày nay cũng loay hoay sống với mức lương thấp hơn nhiều so với mặc định của dư luận. Thời điểm thị trường bùng nổ, nhân viên các sàn đút túi vài chục triệu mỗi tháng tiền hoa hồng nhờ vào doanh số giao dịch tiền tỷ của khách đã qua khá lâu.
“Vị trí tương đương giám đốc giao dịch có khi chỉ nhận lương 12 triệu đồng/tháng, còn nhân viên mới vào làm là 2 - 3 triệu đồng/tháng. Ba tháng không đủ chỉ tiêu doanh số sẽ bị sa thải. Công việc hầu như lấy hết thời gian trong ngày, nếu không vì nghe điện thoại của khách, thì cũng là xem tin, phân tích thị trường thâu đêm.
Với nghề này, việc bị khách ca thán đã thành lệ: Khi thị trường trầm lắng, môi giới phải liên tục gọi điện tư vấn khách vì chịu áp lực doanh số; khi thị trường sôi động, lệnh đổ dồn, môi giới không kịp chăm sóc đều có thể bị khách nặng lời. Nhưng vì mình sống nhờ khách nên luôn phải mềm mỏng dù đúng, dù sai”, chị Minh Nhật, một môi giới chứng khoán trên đường Láng Hạ chia sẻ.
Trong khi đó, với nhiều thông tin công bố về mức lương trung bình chi tiết hàng năm, ngành ngân hàng đến nay vẫn được xem là khu vực thu hút nhân sự tốt nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Theo các báo cáo chính thức, mức lương trung bình toàn ngành năm 2013 vẫn là trên 10 triệu đồng/tháng. Cá biệt một số ngân hàng có mức lương 1.000 USD/tháng. Nhưng người trong nghề lại khẳng định “đây là con số ảo”.
Cả hai vợ chồng anh Việt Đức đều là nhân viên của một ngân hàng lớn tại Việt Nam. Trong đó, anh là chuyên viên IT, còn vợ làm phòng tín dụng. Mức lương của hai vợ chồng tuy khá chênh lệch, nhưng không thể đạt được con số trung bình của ngân hàng. Trong khi đó áp lực doanh số và thời gian khiến không ít người nản lòng, bởi dù không làm việc liên quan trực tiếp tới các mảng huy động vốn và tín dụng của ngân hàng, nhưng nhiều bộ phận vẫn bị áp chỉ tiêu doanh số.
“Cộng cả chỉ tiêu của vợ, mỗi năm nhà mình sẽ phải lo đến con số tiền tỷ. Khi có chỉ tiêu mở thẻ, có bao nhiêu họ hàng thì huy động hết, mỗi người làm một vài cái. Khi có chỉ tiêu huy động vốn, vợ chồng mượn tiền bố mẹ, lập tài khoản rồi được 2 - 3 tháng lại tất toán luôn. Đến lúc bị áp chỉ tiêu tín dụng, thật sự không biết nghĩ ra kế nào. Vợ mình làm phòng tín dụng còn nhiều áp lực hơn, hầu như không bao giờ về trước 20h, lo cho vay, rồi lo đòi nợ, cuối năm chạy vạy cho đủ chỉ tiêu để không bị trừ lương, cắt thưởng”, anh Đức tâm sự.
Người trong ngành ngán ngẩm vì áp lực, người ngoài ngành lại cố sức chen chân vào, để hi vọng có một công việc ổn định, lương đủ sống. Thanh Hương tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng giỏi đã 4 năm, và từng đó thời gian vẫn chấp nhận làm giao dịch viên ngân hàng, với mức lương chỉ 5 triệu đồng/tháng dù thời gian cho công việc mỗi ngày lên tới 12 tiếng.
“Đôi khi mình rất chạnh lòng, vì nghĩ suốt 4 năm qua vẫn còn phải xin tiền gia đình để duy trì cuộc sống trên thành phố. Lương thấp, áp lực đào thải liên tục khiến mình không nghĩ đến việc lập gia đình nhưng cũng không dám bỏ nghề”, nữ giao dịch viên 26 tuổi chia sẻ.