Phan Vũ Minh (SN 1991, tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ bị liệt chân khi vừa tròn 20 tuổi. Rồi Minh đã vượt qua được bế tắc tìm thấy niềm vui sống bằng qua những chuyến đi phượt. Và, anh muốn truyền cảm hứng cho những người cùng hoàn cảnh hãy tự vượt lên chính mình...
Minh mong muốn những chuyến đi của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người. |
Tương lai như sụp đổ khi mới tuổi 20
Minh sinh ra là người bình thường. Năm lớp 6, chân bị đau, mẹ dẫn đến bệnh viện khám. Bác sĩ bảo, anh bị dị dạng mạch máu tuỷ sống. Anh loáng thoáng nghe bác sĩ trao đổi với mẹ: “Bệnh này ở nước mình chưa chữa được. Lâu ngày, chân yếu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng”. Thuốc gắn liền với anh từ đó. Những cơn đau cũng lớn dần theo thời gian.
Tròn 20 tuổi, đang là sinh viên, chân Minh đau dữ dội. Khắp mình ê buốt, chân yếu đi. Cả gia đình vừa buồn vừa đau khổ thất vọng, rơi vào bế tắc. Cha Minh đọc được một bài báo về điều trị thành công ca bệnh đầu tiên dị dạng mạch máu tuỷ sống tại một bệnh viện TP.HCM nên mang về cho Minh xem. Minh và người thân nhen nhóm hy vọng. Sau đó, anh là ca bệnh thứ 2 được chữa trị. Thế nhưng, trong lúc điều trị, tuỷ sống không may bị phù, dẫn đến chân mất cảm giác, không thể đi được.
Đang độ thanh xuân, bỗng dưng tàn tật Minh như rơi xuống vực thẳm. Lòng không muốn khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra. Cha mẹ thương, đưa Minh từ bệnh viện này đến bệnh viện khác thăm khám. Bao nhiêu hy vọng là bấy nhiêu thất vọng. Tiền bạc trong nhà vơi dần theo căn bệnh quái ác. Không biết bao nhiêu lần, anh thấy mẹ rơm rớm nước mắt khi nhìn con trai.
Minh thương mình, xót cha mẹ nên xin chuyển về quê ở Vĩnh Long sống. Mẹ thương con trai, từ bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê cùng Minh. Những ngày đầu thay đổi môi trường sống, Minh không dám bước ra khỏi cửa. “Là người bình thường, bỗng dưng không đi được là điều vô cùng kinh khủng. Mình sợ ánh mắt thương hại, lời bình xét mỉa mai.. Mình từng nghĩ, cuộc đời sẽ chấm dứt từ đây”, Minh nói.
Khi thấy con trai như vậy, mẹ Minh là người đau xót hơn cả. Không nói một lời nhưng ánh mắt trĩu buồn của mẹ khiến Minh suy ngẫm lại. “Mình đã qua tuổi 20. Dù buồn, mất hết hy vọng trong cuộc sống mọi thứ vẫn diễn biến. Nhưng, một điều mình có thể làm được là mang lại niềm vui cho mẹ, điều đó sẽ làm người thân trong gia đình vơi lo lắng”. Anh học tự chăm sóc bản thân, tập tạ để đôi tay khoẻ, giúp điều khiển xe lăn dễ dàng. Anh lấy hết dũng khí, đẩy xe ra trước nhà rồi ra chợ... Anh nhận ra: “Tất cả mọi nỗi sợ đều do mình gây ra. Người khuyết tật cũng có thể làm được những điều có ích”.
Không muốn phụ thuộc quá nhiều vào gia đình, Minh lên mạng, tìm hiểu, nhập hoa hồng leo từ nước ngoài về bán. Anh trở thành một trong những nhà cung cấp lớn loài hoa này ở khu vực miền Tây. “Đến nay, tôi vẫn có thể sống khoẻ với việc bán hoa hồng leo”, Minh cười.
Hành trình qua 30 tỉnh, thành và khát vọng vươn xa
Minh kể, ngay từ khi còn nhỏ đã rất muốn được đi du lịch. Lớn lên, căn bệnh quái ác cướp đôi chân phải hoãn ước mơ. Tuy nhiên, khi xem ti vi, lên mạng, hình ảnh về những vùng đất mới cứ thôi thúc, khiến đam mê trỗi dậy.
Năm 2017, anh muốn về tỉnh Bạc Liêu thăm người bạn từng chữa bệnh cùng phòng. Với sự giúp sức của một người thân, anh chế chiếc xe máy 2 bánh thành 3 bánh, phù hợp cho người khuyết tật. Anh trở thành tài xế chở đứa cháu trai cùng đi. Cũng là miền Tây nhưng Bạc Liêu trù phú, những cánh đồng lúa bạt ngàn khiến anh thích thú vô cùng... Từ đó, Minh tự hứa với lòng, mỗi tháng, phải khám phá được một vùng đất mới. Có lần, Minh xuất phát từ nhà lúc 3h sáng, đến An Giang và trở về khi 0h đêm. Do chuyến đi xuyên suốt, không có thời gian nghỉ, trở về rất mệt mỏi.
Vì vậy, trước mỗi chuyến đi, anh luôn tập tạ để đôi tay khoẻ, dẻo dai hơn. Có lần, Minh lên Đà Lạt, leo đỉnh Lang Biang bằng chính chiếc xe máy ba bánh. Lúc lên, anh cảm thấy thích thú vì chinh phục được một trong những cảnh đẹp. Tuy nhiên, khi xuống, chiếc xe trở chứng, hệ thống hãm phanh có vấn đề. Xe cứ trôi tuột theo dốc với tốc độ kinh hoàng. Anh giữ bình tĩnh, bẻ lái vào phía vách núi. Có du khách phát hiện, cùng giúp để xe dừng lại. Chờ đợi khá lâu, hệ thống phanh hết nóng, có thể hoạt động trở lại, anh mới cho xe chầm chậm xuống chân núi.
Chuyến đi xa nhất, dài ngày nhất của Minh là từ Vĩnh Long đến Huế, kéo dài suốt 1 tháng. Trên hành trình hơn 1.000km ấy, anh thích thú phát hiện, mỗi tỉnh lại có những đặc điểm riêng. Thời tiết cũng rất khác biệt. Nhưng, tất cả mọi nơi, tình người đều nồng hậu.
Đến nay, Minh đã đến hơn 30 tỉnh, thành khắp cả nước. Anh đặt mục tiêu, sắp tới sẽ ra miền Bắc. Anh còn muốn khi dịch Covid-19 hết, anh sẽ đi du lịch nước ngoài. Minh cho hay, từ khi bị liệt, không dám nghĩ sẽ tự đi phượt. Thế nhưng, anh đã thay đổi suy nghĩ, trong các chuyến đi, anh luôn là người lái xe. Khám phá được những vùng đất mới, anh tự cảm thấy vui thú và muốn ghi lại cảnh đẹp. Anh đăng vài bức hình lên Facebook. Những bức hình nhận được sự quan tâm, động viên của mọi người. Những lời khuyến khích khiến anh thích thú.
Từ đó, Minh nhận ra, người khuyết tật nói chung và bản thân nói riêng luôn cảm thấy rụt rè, thụ động, trước ánh nhìn của người đối diện. Tuy nhiên, người khuyết tật cũng có thể làm được tất cả mọi thứ như người bình thường. Anh nảy sinh ý định, mỗi khi đến một vùng đất mới lại chụp hình, đăng lên Facebook với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người có cùng hoàn cảnh giống mình.
“Trong các bức ảnh, mình không chú trọng cảnh đẹp mà đó là nụ cười của một người khuyết tật, ngồi trên xe lăn chinh phục, dám thực hiện ước mơ, dám đi và dám khám phá”, Minh chia sẻ.
Minh cười nói tiếp: “Mình đi phượt, trước hết là muốn thay đổi chính mình. Tiếp theo là chứng minh cho cha mẹ, người thân biết, dù bị liệt, nhưng mình vẫn có thể làm được tất cả mọi thứ. Đồng thời, mình muốn nhắn gửi với những bạn không may mắn khác hãy cứ làm những thứ mình thích, đừng lo sợ bất kỳ điều gì”.
Mơ về một mái ấm nhỏ sau tình yêu đổ vỡ... Trong cuộc trò chuyện, Minh kể, trước khi bệnh trở nặng đang có một mối tình đẹp. Tuy nhiên, khi bị liệt đôi chân, mối tình đổ vỡ. Nỗi buồn chen lấn, nhưng anh đành chấp nhận. Từ đó đến nay, anh cũng trải qua vài mối tình nhưng chưa có bến đỗ. “Cũng như bao nhiêu người khác, mình mong ước về một mái ấm nhỏ. Để không trở thành gánh nặng cho vợ con về sau, mình vẫn đang chứng minh, người khuyết tật có thể làm được tất cả, đi mọi nơi và tự chủ về kinh tế”, Minh cho biết. |
HUY CƯỜNG
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật kỳ 1 số 94