(ĐSPL) - Theo đài Tiếng nói nước Nga, với sự đồng lõa của Mỹ và EU, chính quyền ở Kiev bắt đầu hành động quân sự ở miền đông Ukraina.
Đài Tiếng nói nước Nga khẳng định phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc nội chiến ở Ukraina.
|
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cảnh cáo Kiev về leo thang bạo lực. |
Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đại diện thường trực của Nga Vitaly Churkin đã kêu gọi các đồng nghiệp phương Tây hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về trách nhiệm mà họ đang nhận lấy và cảnh cáo Kiev về leo thang bạo lực.
Hiện thời, các nước phương Tây là bên quyết định nội chiến có xảy ra ở Ukraina hay không. Chính quyền Kiev hiện nay không tiến hành bất cứ động thái lớn nào mà không có sự chấp thuận của các nhà bảo trợ ở Mỹ và EU.
Với sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây - tài chính và chính trị - họ đã chiếm được chính quyền và kiểm soát đất nước. Bây giờ, họ phái quân chống những người Ukraina đang đòi hỏi tôn trọng luật pháp quốc gia và các quyền dân sự của cư dân.
Đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin kêu gọi các nước phương Tây phải cảnh báo Kiev không tiến hành những động thái thiếu suy nghĩ: “Cộng đồng quốc tế cần phải yêu cầu những người nắm quyền ở Kiev ngay lập tức chấm dứt cuộc chiến chống lại người dân. Các nhà tài trợ phương Tây ủng hộ chính quyền Kiev hiện nay, đặc biệt là những người đã chứng kiến thỏa thuận ngày 21/2, và nước Mỹ đang đứng sau họ cần phải kiềm chế những người họ đỡ đầu mà hiện nay đã thoát ra ngoài vòng kiểm soát. Cần phải buộc họ tách mình ra khỏi các phần tử phát xít mới và cực đoan khác. Cần ngăn chặn việc họ sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại người dân Ukraina. Cần buộc họ ngay lập tức tham gia cuộc đối thoại quốc gia chân chính với sự tham gia bình đẳng của tất cả các vùng trong thời gian sớm nhất để cải cách hiến pháp một cách triệt để. Hiện giờ, để tránh khả năng xảy ra một cuộc nội chiến ở Ukraina, mọi điều phụ thuộc vào chính phương Tây.”
Một vài tháng trước, phương Tây đồng loạt kêu gọi Tổng thống Viktor Yanukovich từ bỏ mọi biện pháp an ninh để khôi phục trật tự tại Kiev. Khi đó, những người biểu tình đang chuẩn bị tấn công dinh tổng thống. Ngày 21/2, đại diện chính quyền và phe đối lập Ukraina với sự hiện diện của đại diện Pháp, Đức và Ba Lan đã ký thỏa thuận về giải quyết tình hình. Ngày hôm sau, trong nước xảy ra cuộc thay đổi chính quyền bằng vũ trang: Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và các vị trí chủ chốt của chính phủ rơi vào tay các đại diện đối lập vũ trang được phương Tây ủng hộ.
Bây giờ tình hình bị đảo ngược. Người dân ở đông nam Ukraina không thừa nhận các chính trị gia chiếm quyền ở Kiev. Các nhà chức trách tại Kiev đưa quân về phía đông nam và đe dọa đàn áp các cuộc biểu tình bằng chiến dịch được gọi là "chống khủng bố”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nhấn mạnh rằng hậu quả phát triển tình hình ở phía đông nam đất nước đã trở nên cực kỳ nguy hiểm:
“Những người cầm quyền tự xưng do kết quả đảo chính ở Kiev đã bắt tay vào việc đàn áp các cuộc biểu tình của nhân dân bằng bạo lực. Các cuộc biểu tình này là phản ứng tự nhiên đối với sự coi thường toàn bộ lợi ích hợp pháp của người dân khu vực đông nam. Chính quyền đe dọa trực tiếp sử dụng bạo lực đối với bất cứ ai không đồng ý với sự thống trị của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài Nga, liên kết với hành động chống Do Thái, đã trị vì tại Kiev với sự hỗ trợ trực tiếp từ Mỹ và Liên minh Châu Âu. Đặc biệt, lệnh sử dụng quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình đã gây phẫn nộ”.
Từ tháng Ba đến nay, tại miền đông nam của Ukraine đã diễn ra các cuộc biểu tình đòi tiến hành trưng cầu dân ý về liên bang hóa đất nước. Ở nhiều thành phố, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đứng về phía những người biểu tình. Do đó, ban lãnh đạo hiện nay tại Kiev quyết định sử dụng xe bọc thép để thuyết phục Ukraina đi theo con đường của mình.
Không ai muốn đổ máu. Nhưng nếu Kiev không được phương Tây ra lệnh kiềm chế và rút quân thì xung đột leo thang là điều không thể tránh khỏi. Và khi đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện. Một kiểu Libya và Syria ở Châu Âu. Chiến tranh, các thành phố bị phá hủy, hàng triệu người tị nạn…Tất cả những cái đó không chỉ sẽ xảy ra ở Ukraina, mà toàn bộ châu Âu cũng sẽ phải cảm nhận.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phuong-tay-phai-chiu-trach-nhiem-ve-noi-chien-ukraina-a29422.html