+Aa-
    Zalo

    Phương Tây hỏi xoáy Nga về vụ không kích Syria

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không quân Nga đã bắt đầu oanh tạc Syria kể từ ngày 30/9. Mục tiêu của các phi vụ oanh tạc được Quân đội Nga thông báo là nhằm vào các vị trí của IS.

    Không quân Nga đã bắt đầu oanh tạc Syria kể từ ngày 30/9. Mục tiêu của các phi vụ oanh tạc được Quân đội Nga thông báo là nhằm vào các vị trí của IS.

    Tuy nhiên, tuyên bố của Moskva đã vấp phải thái độ hoài nghi của Mỹ và Phương Tây rằng Nga chủ yếu đánh vào phe nổi dậy ôn hòa chống chế độ Damas, chứ không phải vào lực lượng thánh chiến Hồi giáo.

    Moskva khẳng định ngày 30/9 và 1/10 không quân Nga đã oanh tạc vào các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại các tỉnh Hama, Homs và Lattaquié. Theo Điện Kremlin, máy bay chiến đấu của Nga đã thực hiện được các vụ oanh kích “chuẩn xác”, đã dội bom phá hủy được nhiều “thiết bị quân sự”, phương tiện truyền thông, các “kho vũ khí và đạn dược” và các cơ sở trung tâm đầu não điều hành của IS.

    Ngày 1/10, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố mục đích các cuộc không kích nhằm hỗ trợ quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống IS cùng các nhóm khủng bố khác.

    Khói bốc lên từ các cuộc không kích tại thị trấn Talbisseh, tỉnh Homs, Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

    Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, chiến dịch không kích của Nga hoàn toàn theo đúng luật pháp quốc tế vì được chính quyền hợp pháp tại Syria yêu cầu và Moskva cần nhanh chóng ngăn chặn các phần tử khủng bố trước khi chúng tràn vào nước Nga.

    Tuy nhiên, tuyên bố của Nga đã làm dấy lên nhiều phản ứng khác nhau, bao gồm cả nghi ngờ, nhất là từ Pháp và Mỹ. Đối với hai nước phương Tây này, các phi vụ của không quân Nga dường như không nhằm vào lực lượng thánh chiến cực đoan, mà vào các vị trí của phe nổi dậy ôn hòa đối lập với chế độ al-Assad.

    Vài giờ sau khi chiến dịch oanh kích của không quân Nga được triển khai, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian lên tiếng cho rằng: “Nga đã mở chiến dịch tấn công tại Syria. Điều kỳ lạ là họ lại không đánh vào Daesh (tên gọi khác của IS)".

    Xem ra ông Le Drian ngụ ý rằng máy bay Nga không nhằm vào các nhóm IS, mà vào lực lượng của Quân đội Syria Tự do - nhóm nổi dậy ôn hòa chống chế độ Damas.

    Mỹ cũng tỏ ý hoài nghi nhưng tuyên bố thận trọng hơn. Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nói rõ là chúng tôi hết sức quan ngại nếu Nga tấn công vào các nơi không có IS hay al-Qaeda hoạt động”.

    Lầu Năm Góc thì thẳng thừng nêu rõ nghi ngờ không quân Nga “nhiều khả năng nhằm vào phong trào đối lập với Tổng thống Syria al-Assad, chứ không phải là vào những đối tượng khủng bố IS”.

    Như vậy, đối với Pháp và Mỹ, chiến lược của Nga tại Syria giờ đây “đã lộ rõ" là trong khi Paris và Washington huy động không quân tấn công vào các nhóm thánh chiến cực đoan, Moskva lại tập trung tiêu diệt phe nổi dậy ôn hòa đang đe dọa chế độ Damas - đồng minh thân cận của Nga” (?)

    Thái độ hoài nghi trên của Phương Tây được một số chuyên gia và báo chí đế thêm.

    Hãng tin Pháp AFP ngày 1/10 dẫn lời nhà nghiên cứu chính trị người Libăng Zyad Majed nhận định khi tấn công vào 3 tỉnh Hama, Homs và Lattaquié, Nga đã chọn những nơi mà quân đội của chính quyền Al-Assad chịu tổn thất nặng nhất.

    “Daesh hoàn toàn vắng bóng tại Lattaquié cũng như Hama và chỉ hiện diện rất hạn chế ở Homs” – chuyên gia này khẳng định.

    Thông tin từ một số báo cũng nói khu vực bị máy bay Nga oanh kích bao gồm cả những địa điểm thuộc quyền kiểm soát của các lực lượng không phải IS, nhưng chống đối chính phủ Syria và Tổng thống Bashar al-Assad.

    Trước đó, Hội đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria (STA) có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các cuộc không kích đầu tiên của Nga nhằm vào các cơ sở của lực lượng Quân đội Syria Tự do và đã khiến hàng chục dân thường thiệt mạng (?)

    Điện Kremlin lập tức lên tiếng bác bỏ và cho biết Nga sẽ điều tra nguồn gốc dẫn tới những thông tin trái chiều trên.

    Trong khi đó, các giới chức quân sự Nga và Mỹ đang có cuộc tham vấn về chiến dịch quân sự IS tại Syria nhằm tránh nguy cơ xung đột quân sự khi cùng tham chiến tại Syria.

    Theo Dân Trí

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]Ycg40gVpLJ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phuong-tay-hoi-xoay-nga-ve-vu-khong-kich-syria-a113374.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.