Việc xác định danh tính các bộ hài cốt binh lính Mỹ được Triều Tiên trao trả có trường hợp chỉ mất vài ngày nhưng có trường hợp phải mất tới vài thập niên.
Những bộ hài cốt của binh sĩ Mỹ được phía Triều Tiên trao trả hôm 27/7. - Ảnh: AP |
Tổng cộng đã có khoảng 55 bộ hài cốt binh sĩ Mỹ được phủ lá cờ màu xanh - trắng của Liên hợp quốc đã được chuyển từ sân bay Kalma, TP Wonsan, Triều Tiên về căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, Hàn Quốc ngay trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua.
Lễ đón nhận đã được tổ chức trang trọng tại căn cứ này với sự tham gia của các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc cùng nhiều quan chức khác.
Sau quá trình kiểm tra sơ bộ, những bộ hài cốt nói trên sẽ được chuyển đến một phòng thí nghiệm quân sự ở Hawaii trên Thái Bình Dương nhằm xác định chính xác danh tính cũng như độ xác thực từ hài cốt được cho là của những binh sĩ đã thiệt mạng cách đây hơn 60 năm.
Việc nhận dạng các bộ hài cốt này phụ thuộc vào nhiều manh mối khác nhau và quá trình này thường mất nhiều thời gian. Thậm chí có những bộ hài cốt mất tới vài chục năm kiểm tra nhưng vẫn không thể xác định được danh tính.
Ông Paul Cole, một chuyên gia về nhận dạng hài cốt và binh lính mất tích (POW - MIA), hiện làm việc tại Trung tâm Thí nghiệm và nhận dạng Hawaii cho biết, trong mỗi chiếc hộp có thể là hài cốt không chỉ của một người nguyên vẹn và đôi khi chỉ còn có vài mảnh xương.
Tuy vậy, mỗi một mảnh xương, dù rất nhỏ cũng là đầu mối để xác định danh tính các binh sĩ đã thiệt mạng. Theo chuyên gia, phần xương đùi sẽ giúp xác định chiều cao, trong khi xương đòn gánh và những chiếc răng có thể được đem đi đối chiếu với hình ảnh chụp X-quang, hồ sơ khám sức khoẻ của những binh sĩ từ cách đây cả nửa thế kỷ.
Cận cảnh 55 hòm hài cốt được Triều Tiên trao trả ngày 27/7 . - Ảnh: Reuters |
Nếu cần phân tích DNA, các mẫu hài cốt sẽ được gửi tới một phòng thí nghiệm tại căn cứ không quân Dover ở Delaware, Mỹ. Mỗi mẫu xương sẽ được làm sạch để loại bỏ những chất bẩn trên bề mặt, sau đó nghiền thành bột mịn và xử lý bằng chất có khả năng hòa tan xương trước khi gửi đi phân tích DNA. DNA này sẽ được so sánh với các mẫu gen từ người thân còn sống của các binh sĩ.
Sau khi phân tích các mẫu DNA và tìm ra sự kết nối giữa các bộ hài cốt và những người thân của họ, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm tại căn cứ không quân Dover sẽ phỏng đoán danh tính của bộ hài cốt và gửi kết quả về Hawaii. Tại đây, kết quả này sẽ được kết hợp cùng một loạt các chứng cứ khác để xác định chính xác danh tính của binh sĩ.
Những khó khăn trong quá trình xét nghiệm và phân tích mẫu xương như vậy đã khiến quá trình xác định danh tính mất rất nhiều năm. Theo ông Chuck Prichard, quan chức của Cơ quan Phụ trách chương trình POW - MIA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, những vấn đề như không thể xác định ADN hay không lấy được mẫu gen từ người thân của binh sĩ đã mất có thể là trở ngại lớn cho quá trình này.
Kể từ năm 1992, quân đội Mỹ đã thu thập DNA từ người thân sống trong gia đình của các binh sĩ và đã tiếp cận người thân của 92% trong tổng số 8.100 binh sĩ Mỹ được cho là mất tích trong chiến tranh Triều Tiên.
Mặc dù có nhiều thách thức trong việc nhận dạng danh tính của các binh sĩ Mỹ, nhưng những chuyên gia làm công việc giám định vẫn xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và rất được kỳ vọng.
Các binh sĩ Mỹ tìm kiếm hài cốt tại Hàn Quốc năm 2014. - Ảnh: US Army |
Bà Gail Embery, 73 tuổi, một trong số những thân nhân của các binh sĩ đã mất, vẫn luôn mong mỏi tìm thấy những phần hài cốt còn lại, dù là ít ỏi của người thân mình trước khi bà qua đời.
Bà Embery hy vọng rằng, một trong số những bộ hài cốt được trao trả ngày 27/7 vừa qua sẽ là di cốt đích thực của cha bà - Trung sĩ Coleman Edwards, người đã tử nạn trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên ở thập niên 50 của thế kỷ trước mà đến nay gia đình bà vẫn chưa có hồi âm từ quân đội.
Tổng cộng 7.699 binh sĩ Mỹ được xếp vào danh sách mất tích trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong số này, có 5.300 người được cho vẫn nằm lại tại lãnh thổ Triều Tiên.
Một số trường hợp nhiều khả năng tử trận trên biển, hoặc bị chuyển đến Trung Quốc. 36.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.
Ngoài ra, binh sĩ của 16 quốc gia khác cũng đồng hành cùng quân đội Mỹ chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Nhiều quân nhân Australia, Philippines, Bỉ và Pháp thiệt mạng vẫn chưa được trao trả hài cốt.
Do vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng một số hài cốt Triều Tiên trao trả có thể là của quân nhân quốc gia đồng minh.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, trong tháng này, họ sẽ tiếp tục phối hợp với phía Bình Nhưỡng để tìm kiếm những hài cốt vẫn còn nằm lại trên lãnh thổ Triều Tiên.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)