Tam giác vàng là vị trí giáp ranh giữa 3 nước Myanmar, Thái Lan, Lào, với địa hình rừng núi hiểm trở, lại là khu vực giáp ranh nên rất thuận tiện cho các tổ chức tội phạm quốc tế ẩn nấp, lẩn trốn cũng như sản xuất, vận chuyển ma túy đi các nước, khiến nơi đây trở thành trung tâm sản xuất ma tuý lớn thứ 2 trên thế giới.
Từ nhiều năm qua, phần lớn số ma tuý được vận chuyển về Việt Nam cũng được xác định có nguồn gốc từ Tam giác vàng.
Theo Pháp luật TP.HCM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý.
Bình Thuận là địa bàn đang phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch và là nơi các đối tượng tội phạm ma túy hướng đến gia tăng hoạt động. Tình trạng ma túy trôi dạt trên biển được phát hiện thu giữ với số lượng lớn vẫn còn diễn ra.
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 1.561 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, phần lớn ở lứa tuổi thanh thiếu niên, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thường xuyên tụ tập sử dụng ma túy, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh - trật tự.
Qua 5 năm, toàn tỉnh đã phát hiện, triệt phá 2.250 vụ/3.311 đối tượng phạm tội ma túy; trong đó Bộ đội Biên phòng trực tiếp triệt phá 145 vụ/160 đối tượng. Với vai trò nòng cốt trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, lực lượng Công an đã phát huy tốt vai trò tham mưu, là lực lượng tiên phong, đi đầu, nỗ lực nắm tình hình hình, đấu tranh hiệu quả với tội phạm về ma túy.
Viện KSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 1.899 vụ/2.633 bị can phạm tội ma túy; TAND hai cấp đã thụ lý 2.180 vụ/2.913 bị cáo, giải quyết 2.060 vụ/2.834 bị cáo, đạt tỉ lệ 97,7%.
Tình hình trồng cần sa trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, khó phát hiện. Việc trồng cần sa với số lượng lớn tập trung ở miền núi, khu vực giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nơi ít người sinh sống.
Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 13 vụ trồng cần sa; trong đó có 2 trường hợp là người nước ngoài thuê nhà để trồng cần sa.