(ĐSPL) - Lê Trung Kiên, người mới sa lưới sau 6 năm bị truy nã đặc biệt trong vụ lừa đảo 300 tỷ đồng, là chồng Á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam,
Theo tin tức trên báo Người Lao Động, ngày 26/8, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự, bắt tạm giam đối bị can Lê Trung Kiên (43 tuổi, thường trú tại Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội (HaNoi Land) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lê Trung Kiên là chồng một Á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam.
Đối tượng Lê Trung Kiên - Ảnh: CAND |
Chi tiền mua... giấy lộn
Theo điều tra, đầu năm 2007, Kiên và lãnh đạo Công ty lắp máy Việt Nam (Công ty Lilama) bàn bạc liên kết thành lập công ty cổ phần bất động sản Lilama Land. Tháng 4/2007, Kiên thông báo về đề án thành lập Lilama Land với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Vốn góp của các cổ đông sáng lập khoảng 40\% vốn điều lệ, trong đó Lilama nắm giữ 10\%, Công ty Bất động sản Hà Nội nắm giữ 10\%, cổ đông sáng lập khác nắm giữ 20\%, 60\% vốn điều lệ còn lại sẽ phát hành ra công chúng.
Trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, Kiên đã giới thiệu, mời chào nhiều người mua cổ phiếu của Lilama Land. Mặc dù Công ty Lilama chỉ cho phép Kiên mời các nhà đầu tư ký góp vốn mua cổ phiếu, chứ không được phép thu tiền, song Kiên đã tự ý thu tiền mua cổ phiếu Lilama Land của hơn 100 nhà đầu tư với tổng số tiền khoảng 300 tỉ đồng. Số tiền này Kiên đã sử dụng vào một số việc cá nhân.
Ngày 18/5/2007, Lilama công bố việc chưa tổ chức bán cổ phần hoặc quyền mua cổ phần ra công chúng đối với Lilama Land. Đáng chú ý, cổ đông sáng lập của Lilama Land gồm Lilama, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Công ty bất động sản Tân Long, Công ty cổ phần may Đức Giang.
Trong danh sách mà Lilama công bố không có Hanoi Land như Lê Trung Kiên thông báo trước đây.
Thông tin này được công bố thì cũng là lúc nhiều nhà đầu tư rất hoang mang và lo sợ khi “đổ tiền” cho Lê Trung Kiên để mua đống giấy lộn. Từ đó, rất nhiều nhà đầu tư hoảng hốt tìm đến cơ quan chức năng tố cáo Lê Trung Kiên. Biết được điều này, Kiên đã cao chạy xa bay.
Trốn nã vẫn tiếp tục phạm tội
Theo báo Đời sống & Pháp luật, trước sự biến mất đột ngột của Lê Trung Kiên, quá trình điều tra, Công an TP. Hà Nội đã xác định được, hành vi của Kiên có những dấu hiệu về hình sự và ra quyết định truy nã số 2, ngày 29/12/2009, đối với Lê Trung Kiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong vòng 6 năm trời, Kiên vẫn “lặn không sủi tăm”.
Ngày 10/7/2015, Cục trưởng cục Cảnh sát truy nã tội phạm – Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh ký Quyết định thành lập chuyên án. CQĐT đã xác định được trong quá trình lẩn trốn, Kiên từng trú ngụ tại Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc và tiếp tục thâm nhập thị trường chứng khoán nước ngoài.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác định, hiện nhiều khả năng Kiên đã quay về Việt Nam, sống lưu động ở nhiều tỉnh, thành và thực hiện hành vi phạm tội. Theo thông tin người dân cung cấp, ngày 17/7/2015, Kiên sẽ rời TP.HCM ra Hà Nội bằng đường hàng không để gặp “đối tác” bàn chiến lược làm ăn. Qua xác minh, trinh sát khẳng định, thông tin người dân cung cấp là có thật. Các tổ công tác được giao nhiệm vụ mật phục tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) từ sáng sớm ngày 17/7. Đến 13h30, một người đàn ông cao to, ăn mặc lịch sự đúng "chất" doanh nhân thành đạt đạo mạo bước xuống máy bay. Nhận diện đúng đối tượng, các trinh sát khép chặt vòng vây, bắt đối tượng Lê Trung Kiên.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Trong trường hợp này, cần đợi kết luận điều tra làm rõ là các cổ đông đã bỏ vốn đầu tư có phải bị Lê Trung Kiên dùng thủ đoạn lừa đảo dưới hình thức “kêu gọi đầu tư để chiếm đoạt” không? Nếu có đủ cơ sở kết luận hành vi của Lê Trung Kiên là dùng thủ đoạn lừa đảo các nhà đầu tư thì trong khi xét xử vụ án, các tổ chức cá nhân bị Kiên lừa góp vốn sẽ được tham gia vụ án với tư cách nguyên đơn dân sự, nếu các chủ thể này có đơn yêu cầu Kiên hoàn trả số tiền mà Kiên đã lừa đảo, thì cơ quan điều tra căn cứ vào quy định tại Điều 52, Bộ luật Tố tụng Hình sự để xem xét giải quyết”. Luật sư Trương Anh Tú cũng nêu quan điểm: “Việc các nhà đầu tư có nhận lại được tiền đã bị Kiên lừa đảo chiếm đoạt hay không còn tùy thuộc vào hiện trạng tài sản của Kiên đang sở hữu hoặc đã và đang tẩu tán bị phát hiện thu hồi, áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo thi hành án. Nếu tài sản mà Kiên lừa đảo chiếm đoạt được xác định đã làm thất thoát qua đầu tư, hoặc tiêu xài hết thì việc yêu cầu Kiên phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư sẽ được ghi nhận trong bản án, nhưng khả năng được thi hành là rất khó”. |
BTV(Tổng hợp)
[mecloud]Gqd6Mn4Bsr[/mecloud]