Những năm gần đây, bên cạnh phần nghi lễ linh thiêng, trang trọng của lễ hội Đền Hùng, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng khôi phục và phát huy các trò chơi dân gian, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp từ xa xưa và để tham gia vào các ngày lễ của dân tộc, nhất là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.
Thi đấu Đẩy gậy trong dịp Lễ hội Đền Hùng
Với các huyện miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, trò chơi dân gian đẩy gậy từ lâu đời đã là nét đẹp văn hóa độc đáo. Đây là môn thể thao, là trò chơi dân gian thể hiện sức mạnh cơ bắp, ý chí kiên cường, dẻo dai của nam giới. Tổ chức thi đấu đẩy gậy rất đơn giản, chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre hay gỗ tốt có chiều dài 2m, được sơn 2 màu đỏ và trắng, khi chơi hay thi đấu người ta vẽ một vòng tròn có đường kính 5m có vạch giới hạn phân chia hai người chơi nằm trong phạm vi của sân. Theo quy định luật chơi, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra từ 2 đến 3 hiệp. Không chỉ những người trực tiếp tham gia thi đấu mới thấy hào hứng mà ngay chính khán giả cũng có diễn biến tâm trạng theo từng hiệp đấu, khi dồn dập, lúc khoan thai làm không khí cuộc thi đẩy gậy sôi nổi, cuốn hút... Sau cuộc đấu, các đối thủ lại khoác tay nhau trên tinh thần thượng võ.
Bịt mắt đập niêu
Cùng với trò chơi đẩy gậy thì các trò chơi đi cà kheo của huyện Đoan Hùng, đi thăng bằng của huyện Hạ Hòa,… tại các điểm hội trại của địa phương trong dịp lễ hội Đền Hùng luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương theo dõi và cổ vũ, đặc biệt là các bạn trẻ có cơ hội được trực tiếp tham gia trải nghiệm, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong phần hội của Lễ hội Đền Hùng.
Nói về trò chơi dân gian, ông Vũ Trường Thành - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã khuyến khích các huyện, thành, thị khai thác và duy trì các trò diễn xướng, trò chơi dân gian của địa phương. Qua đó, đã có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tạo không khí vui tươi, sôi nổi nhất là trong dịp lễ hội Đền Hùng.
Biểu diễn đi Cà kheo của trại văn hóa huyện Đoan Hùng.
Trong tiến trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trò chơi dân gian là điều không thể tách rời và được coi như một thông điệp về đời sống văn hóa tinh thần, về lối sống, nếp nghĩ, nguyện vọng của toàn thể cộng đồng.
Nguồn: baophutho.vn