+Aa-
    Zalo

    Phụ huynh sốc sau câu nói: "Nhà cậu có cửa số lớn không...hãy chờ lúc bố mẹ đi vắng rồi nhảy xuống!"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thâm nhập vào thế giới internet đang “tẩy não” con trẻ, phụ huynh không ngờ rằng, hằng ngày con mình tiếp xúc với một nguồn năng lượng tiêu cực, đen tối tới vậy.

    Thâm nhập vào thế giới internet đang “tẩy não” con trẻ, phụ huynh không ngờ rằng, hằng ngày con mình tiếp xúc với một nguồn năng lượng tiêu cực, đen tối tới vậy. Ở nơi đó, nhân vật giết bố mẹ anh em ruột, giết trẻ em bằng những cách man rợ nhất lại có hàng nghìn người hâm mộ. Và cũng trên mạng ảo đó, việc xúi nhau nói dối bố mẹ, nhảy qua cửa sổ tự tử cũng là chuyện bình thường, chẳng phải bận tâm.

    Bất ngờ với đứa con ngoan hiền

    Tivi và những phương tiện truyền thông đang nói về một “Thử thách Momo" trên YouTube nguy hại khi yêu cầu trẻ nhỏ vượt qua thử thách bằng cách tự hành hạ bản thân mình. Chị Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) chú ý vì thằng con lớn đang học lớp 1 cũng thường xuyên vào YouTube. Thì ra, Momo là trò đưa ra thử thách và yêu cầu trẻ tự làm hại bản thân mình, thậm chí tự sát để vượt qua.

    Thằng con chị ngay khi nghe tivi đã khoe với vẻ rất tự hào “cái trò này con biết từ lâu rồi. Lớp con ai cũng biết, có bạn còn đập đầu vào tường để thử thách bản thân”. Chị giật mình. Hai tay nắm chặt vai thằng con 7 tuổi: “Con kể cho mẹ nghe đi, con đã xem được những gì ngoài trò Momo”. “Con thấy clip cảnh người ta chặt tay người ở hầm chung cư, chặt từng ngón tay. Máu bắn ra”, thằng bé nói rồi chạy biến đi.

    Chị chạy đuổi theo: “Con ơi, trên mạng có gì con kể cho mẹ nghe nhé, mẹ hứa sẽ không mắng con. Những clip đó nguy hiểm, không tốt cho trẻ đâu”. Thằng bé “vâng” rồi lại chạy, không để cho chị giảng giải thêm nữa. Hôm sau, cậu nói: “Mẹ ơi, chuyện này không phải con xem ở internet đâu nhé. Bạn con nói với con:

    - Chung cư nhà bạn có cửa sổ lớn không?

    - Nhà tớ có.

    - Vậy khi nào bố mẹ bạn không có nhà, bạn hãy nhảy qua cửa sổ. Phải nhớ là không có bố mẹ ở nhà!

    Chị tái mặt đi. Kể chuyện với chồng, ông bà nội, cả nhà không ai nói một lời nào, nhìn nhau đầy lo lắng. Anh nhà chị liền ngừng ý định quở trách con vì chiều nay nó làm móp cánh cửa xe ô tô. Nuôi con bao tháng bao ngày, có thể bị mất con vì những lý do rất “giời ơi” như thế hay không?

    Nhiều trò đe dọa trên mạng nhằm vào trẻ em

    Không phải tuýp người bỏ bê con cái nhưng tại sao có nhiều thứ tiêu cực quanh con mình mà chị chẳng hề hay biết tới vậy? Liệu có phải clip nào đó trên mạng đang khiến con chị thường xuyên sợ hãi, mặt tái mét khi nghĩ có ma trong hốc tủ quần áo, trong nhà vệ sinh.

    Chị phấp phỏng âu lo gõ từng phím trên thanh công cụ Google những từ khóa về các nhân vật hàng ngày con mình và các bạn nói trong lúc tan trường, huyên thuyên trên đường về nhà mà khi ấy chị chẳng để tâm. Chị kì cạch gõ từ khóa “bà ngoại - Granny” rồi click chuột vào một clip đầu tiên hiện lên. Nhạc rờn rợn, ma quái xuất hiện cùng một nhân vật mặc váy ngủ màu trắng đục, tay cầm gậy bóng chày, mặt trắng bệch, máu chảy đỏ tía. Nhân vật này không xuất hiện một cách vô lý mà có lý do.

    Trò chơi Thử thách Momo trên kênh Youtube gây ám ảnh cho trẻ em.

    Đó là vào một ngày nọ, có gia đình đã biến mất bí ẩn, chỉ duy nhất góa phụ Granny sống trong căn nhà nhỏ sâu trong rừng. Bà vốn hiền lành và yêu gia đình nhưng sau sự mất tích của các thành viên bà tự nhốt mình và bị cô đơn bủa vây. Nỗi đau làm bà điên dại. Từ đó bà đánh mất đi ý thức của mình và thay đổi hoàn toàn, làm da đổi màu trắng, mắt rỉ máu và không khác gì xác chết sống lại. Người bà bốc mùi hôi thối vì sở thích ăn thịt người sống.

    Người nào tham gia game sẽ bị nhốt 5 ngày trong một ngôi nhà và bị bà già ma này tìm cách giết. Nếu muốn thoát chỉ còn cách chém giết lại một cách dã man nhất.

    Xung quanh nhân vật bà ngoại ma này có hàng dãy clip liên quan như: Cách tiêu diệt bà ngoại ma, 5 ngày ở cùng bà ngoại ma, bà ngoại ma best game rùng rợn chơi bằng blueStack 3, sự thật rùng rợn về Granny, Lột đồ bà Granny-5 thử thách điên rồ... Nhiều người chơi game này đã quay lại hình ảnh, quá trình họ chơi (thực chất là những cảnh chém giết bằng nhiều dụng cụ, máu đỏ chảy khắp căn phòng) kèm theo những lời chửi bới, văng tục. Không ít trẻ học theo, rồi nói như một sự sành điều, khẳng định chất chơi.

    Ngoài bà ngoại ma, tụi trẻ con đang rất “hâm mộ” hai nhân vật quái dị là Slender man và Jeff the killer. Đây là hai quái nhân của truyện Creepypasta. Creepypasta là những câu chuyện ngắn kinh dị được thu thập để chia sẻ trên internet. Những phần giới thiệu đều rất ngắn ngủi so với những hành động tàn ác mà 2 nhân vật này gây ra.

    Một đoạn giới thiệu trên mạng về nhân vật này như sau: “Jeff the killer là một cậu bé 13 tuổi được bạn mời đến một buổi tiệc sinh nhật nhưng bị tấn công bởi 3 người khác. Cậu bé này bị đổ thuốc tẩy và rượu vào người rồi thiêu sống. Cậu này đã giết được ba cậu bé kia. Sau cuộc phẫu thuật, mặt cậu bé bị biến dạng nhưng sau đó cậu bé bị điên và cho rằng nó đẹp. Mẹ cậu ta thấy cậu ta đốt mí mắt của mình để không bao giờ có thể chớp được mắt và rạch mặt để nhìn mình luôn cười. Mẹ của cậu này bảo bố lấy súng giết chết cậu bé, Jeff the killer nghe được nên giết chết bố mẹ và tới chỗ anh trai giết anh trai. Từ đó, nhân vật này là con quỷ khát máu đi giết người một cách man rợ”.

    Trong khi đó, Slender man lại là một nhân vật có quyền năng đáng sợ với khả năng kiểm soát tâm trí con người kết nối não trẻ em với người già để loạn trí nhớ. “Slender man là một người đàn ông không có mắt mũi, mồm mặc áo vest và đeo cà vạt và có thể tùy ý thay đổi hình dáng, có nhiều cánh tay có thể dài vô tận phía sau lưng. Trẻ em dễ nhìn thấy hắn đều rất sợ hãi. Hắn xuất hiện ở Đức và có liên quan tới nhiều vụ bắt cóc trẻ em ở Mỹ”, một đoạn giới thiệu về nhân vật này cho hay.

    Hai nhân vật khả năng biến hóa, bất bại và có điểm chung là đều độc ác, thích giết người. Thế nhưng, lạ lùng, chúng lại đang được phần lớn thanh thiếu niên biết tới, thậm chí hâm mộ điên cuồng, đặt làm hình đại diện trên facebook.

    Liên quan tới các nhân vật như bà ngoại ma Granny, Slender man và Jeff the killer... là hàng loạt các game, clip hướng dẫn chơi game, clip ca nhạc, thuyết minh về độ độc ác, ma mãnh, đểu giả, ti tiện của các nhân vật. Nó tấn công vào đầu óc trẻ con khiến chúng chẳng còn khoảng trống nào cho lòng dũng cảm, sự hiếu thảo, lòng vị tha, tinh thần trượng nghĩa... mà ở đó chỉ có hai điều: Hài lòng và không hài lòng. Hài lòng thì bỏ qua, không hài lòng là chém, giết, đập phá... Nó là thủ phạm khiến trẻ dễ dàng tiếp cận thế giới độc ác.

    Cũng trong quá trình lục tung các clip “tẩy não” trẻ nhỏ, chị vô cùng bất ngờ với các clip dạy trẻ cách “vượt mặt bố mẹ”. Họ trấn an học sinh rằng: “Tôi cá là game thủ nào cũng từng trải qua những lần nói dối như vậy thôi. Sẽ không cần phải quá áy náy vì những điều đó nếu bạn vẫn giữ được mọi thứ cân bằng trong khuôn khổ”.

    Ngoài dạy cách chuồn đi chơi game, trẻ còn có thể biết cách nói dối bố mẹ để không phải học như: Con đau bụng, buồn đi vệ sinh, giả đói... Và đâu đó trong thế giới mạng ảo, con chị, bạn của nó đã xem clip chỉ nhảy qua cửa sổ to để tự tử. Nỗi ám ảnh, lo sợ bủa vây người phụ nữ có đứa con mới vừa bước vào học kỳ 2 của lớp 1.

    TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ với báo ĐS&PL: “Tôi cũng đã nghe thời sự về một chương trình Momo dạy trẻ tự sát. Tôi mừng vì kịp thời gỡ chương trình độc hại đó ra khỏi YouTube. Nhưng không ngờ các cháu đã xem và đã bị ngấm nỗi sợ hãi. Và ngoài chương trình này thì còn có nhiều chương trình khác ngấm vào trẻ, khiến trẻ đưa ra những quyết định dại dột mà người lớn không thể lường hết được. Tôi sẽ cùng bàn luận thêm với các chuyên gia trong những lĩnh vực khác về vấn đề này. Internet, mạng ảo nhưng ảnh hưởng thật. Trước hết, nhà trường và các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới sinh hoạt, suy nghĩ của con trẻ. Nhà trường cần có cách giáo dục trẻ em để chúng có suy nghĩ tích cực, hướng tới hành động vì mục đích tốt. Không thể giảng giải giáo điều vì chúng sẽ không nghe theo. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần kiểm soát việc cho con trẻ vào mạng, khuyến khích trẻ vào những thứ chúng thích thú”.

    Thành Huế 

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 43

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phu-huynh-soc-sau-cau-noi-nha-cau-co-cua-so-lon-khonghay-cho-luc-bo-me-di-vang-roi-nhay-xuong-a266695.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan