Ngày 24/5, Triều Tiên đã phá hủy khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, trước sự chứng kiến của gần 30 nhà báo quốc tế.
Các phóng viên quốc tế được mời đến tham gia buổi lễ kéo dài hơn 5 giờ, trong đó mô tả hàng loạt vụ nổ đã phá hủy đường hầm vào cơ sở hạt nhân dưới lòng đất cùng những cấu trúc khác tại khu Punggye-ri, phía Đông Bắc Triều Tiên.
Punggye-ri là địa điểm diễn ra cả 6 vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên kể từ năm 2006 đến nay.
Bãi thử Punggye-ri ở vùng núi phía Đông Bắc Triều Tiên là nơi diễn ra cả 6 vụ thử hạt nhân của nước này. Đồ họa thể hiện độ sâu và độ rung chấn của một số vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tại đây. - Đồ họa: BBC. |
Theo các nhà báo Hàn Quốc có mặt tại sự này, hoạt động dỡ bỏ bắt đầu từ 11h trưa và kết thúc vào 16h17 ngày 24/5 (giờ địa phương).
"Chúng tôi trèo lên núi và chứng kiến vụ nổ cách đó khoảng 500 m. Họ đếm ngược từ 3-2-1", phóng viên Tom Cheshire, phụ trách khu vực châu Á của Sky News, mô tả. "Đó là một vụ nổ lớn. Anh có thể cảm nhận được nó. Bụi và sức nóng hất về phía anh”.
Phóng viên này còn cho biết nhóm truyền thông quốc tế được mời tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri được đích thân phó Giám đốc chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên hé lộ “chi tiết bất ngờ” về chương trình hạt nhân, nhưng anh không nói rõ đó là gì.
Phóng viên Igor Zhdanov của hãng tin Nga RT cho biết, nhóm phóng viên đã tận mắt thấy 3 trong số 4 đường hầm thường được sử dụng cho các thử nghiệm hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri. Đường hầm nằm ở phía Bắc đã được sử dụng trong lần thử hạt nhân mới đây. Còn 2 đường hầm khác mới được xây dựng cách đây không lâu.
Việc phá hủy các đường hầm, theo Zhdanov, là “cách mà chính quyền Triều Tiên cho thấy họ đã sẵn sàng nhượng bộ”.
Phóng viên Zhdanov miêu tả các vụ nổ phá hủy đường hầm “thực sự ấn tượng”, khiến một lượng lớn đất và đá nhỏ bắn lên không trung.
Hình ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước giờ bị đóng cửa. - Ảnh: AP |
Trước vụ nổ, các nhà báo nói rằng họ được mời đến để chứng kiến thiết bị nổ đặt vào đường hầm, trước khi di chuyển đến một khoảng cách an toàn để chứng kiến việc kích nổ.
Theo BBC, việc Triều Tiên cho nổ các đường hầm tại bãi thử hạt nhân duy nhất vào thời điểm 3 tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều cho thấy động thái làm hạ nhiệt căng thẳng.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận vụ phá hủy bãi thử hạt nhân, cho biết không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ ra bên ngoài hay bất cứ tác động nào tới môi trường sinh thái xung quanh.
"Phá hủy bãi thử hạt nhân được thực hiện bằng cách cho nổ sập tất cả các đường hầm và đóng hoàn toàn lối vào. Một số trạm gác và đài quan sát cũng bị phá hủy", KCNA thông báo.
Trước đó, gần 30 phóng viên Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh đã được mời tới Triều Tiên để chứng kiến sự kiện phá hủy khu thử hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi tuyên bố phá hủy bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên, cho rằng đây là động thái "thông minh và lịch thiệp" trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và ông Kim Jong-un.
NGUYỄN QUỲNH(T/h)