Nhà báo Mỹ cho rằng sự bùng nổ của nền kinh tế hiện nay đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành một thị trường “mới nổi”, bắt đầu từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Nhà báo Bill Hemmer tác nghệp tại Hà Nội trong thời gian diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: Fox. |
Nhà báo Bill Hemmer hiện là người dẫn cho chương trình America’s Newsroom của kênh truyền hình Fox News nổi tiếng đặt trụ sở tại New York, Mỹ. Bill Hemmer đã có cơ hội quay trở lại Hà Nội sau 25 năm khi anh cùng các đồng nghiệp tới Việt Nam đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
Trong chuyến đi này, Hemmer đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi của Hà Nội so với lần đầu tiên anh tới đây vào thập niên 1990.
“Khi tôi đến đây 25 năm trước, tôi là người may mắn vì Việt Nam khi đó vừa mới thay đổi một số bộ luật liên quan tới quyền sở hữu các cửa hàng cà phê và khách sạn. Những khách du lịch tự do không cần phải đặt lịch qua hãng du lịch nhà nước nữa. Đây là cơ hội tuyệt vời.
Tôi đã đi xuyên suốt đất nước này, từ thành phố HCM ở phía nam, ngược lên Đà Nẵng, Huế và Hà Nội, sử dụng xe buýt và tàu hỏa. Hà Nội khi đó rất khác, chủ yếu là nhà thấp tầng và những con đường với hàng cây, còn bây giờ phía Tây Hà Nội đang bùng nổ. Đó là một khu vực phát triển với các khách sạn, tòa nhà mới và giao thông đông đúc”, nhà báo Mỹ cho biết.
“GDP của Việt Nam được cho là tăng trưởng khoảng 7% trong 6 năm. Nhưng theo tôi, con số này phải lên tới 500%. Những tòa nhà cao tầng mọc lên phục vụ cho các doanh nghiệp và cung cấp nhà ở. Những người nông dân đã chuyển tới thành phố và gia nhập nhóm lao động trung lưu ngày càng khá giả hơn”, Bill Hemmer nói về sự thay đổi của Việt Nam.
Các em nhỏ vẫy cờ đón Tổng thống Trump tại Hà Nội. Ảnh: Reuters |
Theo nhà báo Mỹ, sự bùng nổ của nền kinh tế hiện nay đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành một thị trường “mới nổi” và sự phát triển đó bắt đầu từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ cách đây 23 năm, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
“Hà Nội ngày nay luôn hối hả với những hoạt động buôn bán và những chiếc xe ô tô. Mỗi tài xế đều có một chiếc điện thoại thông minh trong túi. Đây là một cuộc cách mạng về tiếp cận thông tin toàn cầu. Họ sử dụng (các phần mềm) Whatsapp và Facebook, họ kết nối với nhau và với thế giới bên ngoài lãnh thổ của họ”, nhà báo Hemmer cho biết.
Nhà báo Hemmer cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể nhìn sang các nước có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam, để học hỏi và áp dụng cho mô hình của Triều Tiên.
“Đây là thông điệp quan trọng mà Tổng thống Trump muốn gửi tới Chủ tịch Kim, rằng “nếu ông từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ nới lỏng trừng phạt, và sau đó đất nước của ông có tiềm năng phát triển như Hà Nội ngày nay”, nhà báo Mỹ nói thêm.
Trước đó, Theo Cary Huang, một cây bút của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định: “Sự kiện ngoại giao giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Triều Tiên đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu và nâng cao hình ảnh Việt Nam trên vũ đài địa chính trị. Kết quả này vẫn đúng ngay cả khi hai bên không đạt được thỏa thuận sau cuộc gặp kéo dài hai ngày vào tuần trước”, Cary Huang nhận định.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều bắt tay tại Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Cary Huang, Việt Nam được hưởng lợi từ cơ hội quảng bá sự thành công về kinh tế, cũng như thu hút sự chú ý khổng lồ của truyền thông quốc tế. Thông qua việc đóng vai trò chủ đạo trong sự kiện toàn cầu như thượng đỉnh Mỹ - Triều, Việt Nam có thể giành được những lợi ích đáng kể về ngoại giao và địa chính trị.
Giới phân tích nhận định hình ảnh của thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đã được quảng bá rộng rãi trên truyền thông quốc tế, cho thấy sự phát triển năng động của quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là tiền đề để Việt Nam đón thêm nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Trong khi đó, báo chí Nhật Bản như: Báo Nikkei Asian Review và báo Nhật Bản ngày nay (Japan Today) đã bình luận rằng, việc Việt Nam đảm nhận vị trí chủ nhà, cung cấp địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh là nhằm thể hiện mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ tăng cường quan hệ với các nước láng giềng mà còn thúc đẩy quan hệ với nhiều nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh đất nước.
Gần 3.000 nhà báo quốc tế có mặt tại Hà Nội, Việt Nam và liên tục cập nhật thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2. Trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo quốc tế đã đưa ra những nhận xét khá tích cực về Hà Nội - Việt Nam; tỏ ra bất ngờ trước những thay đổi ngoạn mục của Việt Nam về kinh tế, hạ tầng... và tin tưởng Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa về mọi mặt trong thời gian không xa.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)