(ĐS&PL) Ngang nhiên đổ đất, san nền làm biến dạng đất nông nghiệp và dòng chảy đầu nguồn sông Nậm Na; Chính quyền đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu dừng hoạt động, khắc phục sai phạm nhưng doanh nghiệp vẫn bất tuân. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về công tác quản lý của các cơ quan ban ngành liên quan cũng như lãnh đạo địa phương. Liệu đây có phải việc dung túng hay bất lực của các cơ quan ban ngành trước sai phạm của doanh nghiệp?
Lòng suối đang bị đe dọa nghiêm trọng |
Coi thường pháp luật?
Qua tìm hiểu được biết, hiện có 8 gia đình đang thực hiện san lấp, lấn chiếm mặt bằng ven sông Nậm Na, thậm chí còn dựng nhà trái phép từ khu vực Km 0 đến Km 2 đang xảy ra tại 11 vị trí. Các trường hợp vi phạm gồm: gia đình ông Nguyễn Công Hoan, hai anh em ông Vũ Văn Thắng, Vũ Đình Tuấn; Phan Văn Lòm, Nguyễn Văn Thức; Thùng Thị Sương; Nguyễn Kim Khánh; Đỗ Văn Khôi; Đặng Văn Cường. Đáng chú ý là trường hợp của ông Đỗ Văn Khôi, Bí thư Chi bộ 5 (kiêm Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mai Hưng) thuộc bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Li Pho.
Vị trí lấn chiếm của gia đình ông Đỗ Văn Khôi được xác định tại khu vực Km 2, sát bờ sông Nậm Na với diện tích 3.000m2. Ngày 26/5/2019, UBND xã Ma Li Pho đã phối hợp với bản Pa Nậm Cúm tiến hành kiểm tra, lập biên bản đơn phương kiểm tra hiện trạng sử dụng đất. Tuy nhiên, trong buổi làm việc này, ông Khôi đã không hợp tác.
Xã Ma Li Pho xác định, gia đình ông Khôi san lấp đất chưa rõ mục đích sử dụng và xây dựng 1 nhà tôn khoảng 1.000m2 tại khu đất chưa đo đạc bản đồ địa chính; chưa xác định mích đích sử dụng đất và đang thuộc quyền sở hữu của Ủy ban Nhân dân xã Ma Li Pho.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND xã Ma Ly Pho yêu cầu gia đình ông Khôi dừng ngay mọi hoạt động xây dựng trên khu đất, tháo gỡ, di rời toàn bộ công trình đã xây dựng trái phép, hoàn trả lại mặt bằng đang lấn chiếm cho địa phương quản lý trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản. Nếu gia đình không chấp hành theo yêu cầu của UBND xã sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, đến nay gia đình ông Khôi vẫn chưa chấp hành.
Vật liệu được sản lấp dòng chảy bừa bãi |
Bên cạnh đó, cũng tại khu vực Km 2 ông Khôi còn tự ý mua lại đất nông nghiệp của bà con trong khu vực và ngang nhiên san gạt đất, đá tại khu vực có diện tích hơn 4.000m2 của 3 hộ gia đình gồm: Gia đình ông Lù Văn Lum (1988) ở bản Pa Nậm Cúm với diện tích khoảng 1.500m2 ; gia đình ông Lò Văn Sôm (SN 1974) với diện tích khoảng 1.000m2 và mua của gia đình ông Đồng Văn Lâm (SN) với diện tích khoảng 1.600m2.
Buông lỏng quản lý hay bất lực?
Để rõ vấn đề, ngày 8/10/2019, tại trụ sở UBND xã Ma Li Pho, PV đã có buổi trao đổi Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phong Thổ về việc lấn chiếm, san lấp đất xuống sông Nậm Na của ông Đỗ Văn Khôi. Tại buổi làm việc, đại diện Phòng TN&MT đã cung cấp các công văn 680/UBND-TNMT ngày 15/8/2019 của UBND, ngày 16/9/2019 UBND xã với yêu cầu hộ gia đình ông Đỗ Văn Khôi khắc phục hậu quả và thực hiện việc tháo dỡ công trình xây dựng trên đất lấn chiếm và xúc diện tích đất đã san lấp trả lại hiện trạng cho sông Nậm Na. Tuy nhiên không hiểu sao đến thời điểm này, gia đình ông Khôi mới chỉ xúc phần đất giáp sông Nậm Na với diện tích khoảng 150m2, chưa thực hiện việc tháo dỡ nhà, công trình trên đất.
Những công trình sai phạm như cái gai thách thức dư luận |
Cũng tại buổi làm việc trên, đại diện xã Ma Li Pho cam kết sẽ có những biện pháp cứng rắn, xử lý theo đúng thẩm quyền đồng thời báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/10/2019. Mặc dù đã quá thời hạn nêu trên song cho đến nay sai phạm thì vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí là vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Khôi vẫn cho rằng toàn bộ diện tích 10.000m2 sai phạm thuộc quyền sở hữu của gia đình ông là hợp pháp. Khi yêu cầu được cung cấp những chứng cứ chứng minh quyền sở hữu thì ông Khôi cho biết những giấy tờ đó đã được mang đến thế chấp ngân hàng.
“Đất đai là của gia đình tôi cả. Nó là đất nông nghiệp, tôi chỉ đổ đất lên, tôn cao để trồng chuối. Còn giấy tờ tôi cũng mang đi thế chấp ngân hàng hết rồi”, ông Đỗ Văn Khôi nói.
Một câu hỏi đang được đặt ra ở đây là vì sao chính quyền huyện Phong Thổ cũng như xã Ma Li Pho lại phải mất nhiều thời gian và giấy mực cho những sai phạm của gia đình một đảng viên, đặc biệt là Bí thư chi bộ khi sai phạm đã rõ như ban ngày? Phải chăng cả một hệ thống chính quyền cấp xã, cấp huyện lại bất lực trước những sai phạm của một cá nhân (?)
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin
PV/Sức Khỏe 365