+Aa-
    Zalo

    Phòng GD&ĐT TP Sông Công - Bài 1: Công tác đấu thầu mua sắm có nhiều dấu hiệu bất thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Sông Công, Thái Nguyên có nhiều gói thầu với dấu hiệu đội giá cao. Nhiều thiết bị được mua sắm có giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá thị trường, chênh lệch trên một sản phẩm lên đến hàng trăm triệu đồng.

    Dấu hiệu đội giá sản phẩm

    Giáo dục là ngành đặc thù đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước. Nếu có bất cứ sai phạm nào xảy ra trong ngành này thì đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là hàng ngàn con người trong hệ thống, chất lượng giáo dục và đặc biệt là các học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

    Thời gian vừa qua, một số vụ việc vi phạm quy định đấu thầu tại ngành giáo dục địa phương đã khiến dư luận có cơ sở để băn khoăn về việc cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm, lạm dụng quyền hạn, chức vụ làm trái quy định. Chúng tôi vẫn luôn tin và hy vọng, những điều này không lặp lại ở phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Sông Công, Thái Nguyên, mặc dù còn đó những dấu hiệu về đội giá thiết bị mua sắm trong nhiều gói thầu.

    Theo Quyết định số 980/QĐ-GDĐT ngày 15/12/2021, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Sông Công Trịnh Văn Dũng ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu Mua sắm thiết bị dạy và học lớp 2, lớp 6 và mua sắm đồ dùng thiết bị dạy học cho cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS TP.Sông Công năm 2021. Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi Long Hưng (Mã số thuế        0101925890; địa chỉ: Tập thể xí nghiệp xây dựng cầu 202, khu Liên Cơ, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội). Giá trúng thầu là 4.542.809.000 đồng, so với giá dự toán là 4.616.819.000 đồng thì gói thầu này tiết kiệm được 74.010.000 đồng, đạt tỉ lệ 1,6%.

    songcong11
    Quyết định số 980/QĐ-GDĐT ngày 15/12/2021.

    Rà soát cụ thể và so sánh giá sản phẩm trong gói thầu, cùng thông số kỹ thuật, cùng xuất xứ, nhiều sản phẩm có giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Đơn cử, sản phẩm cân đĩa gồm quả cân có giá tại gói thầu là 3.150.000 đồng nhưng theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường có nơi bán với giá 1.350.000 đồng/chiếc, chênh lệch 1.800.000 đồng. Với số lượng mua sắm 184 chiếc, tiền chênh lệch là 331.200.000 đồng.  

    Bộ công cụ phát triển ứng dụng dựa trên vi điều khiển có giá dự thầu là 22.800.000 đồng nhưng trên thị trường có nơi đang bán với giá 6.100.000 đồng, chênh lệch 16.700.000 đồng/bộ. Tổng chênh lệch trên 8 sản phẩm mà phòng Giáo dục và Đào tạo Sông Công mua sắm là 133.600.000 đồng.

    Giường lưới mầm non có giá tại gói thầu là 445.800 đồng nhưng giá sản phẩm theo khảo sát của phóng viên là 160.000 đồng, chênh lệch 285.000 đồng/chiếc. Tổng chênh lệch trên 388 sản phẩm là 110.580.000 đồng.

    Bàn ghế học sinh bán trú: 1 bộ gồm 1 bàn, 2 ghế rời có giá tại gói thầu là 1.445.000 đồng nhưng khảo sát của phóng viên trên thị trường là 1.350.000 đồng, tiền chênh lệch là 95.000 đồng/bộ. Chênh lệch trên số lượng mua sắm 1.021 bộ là 96.995.000 đồng.

    songcong22
    Một phần bảng so sánh giá sản phẩm do phóng viên thực hiện.

    Phóng viên vẫn chưa tiến hành rà soát hết toàn bộ sản phẩm, tuy nhiên, hơn 40 sản phẩm của gói thầu đã có dấu hiệu mua sắm cao hơn giá thị trường, số tiền chênh lệch khoảng 1.094.655.400 đồng (Một tỷ, không trăm chín mươi tư triệu, sáu trăm năm mươi lăm nghìn, bốn trăm đồng).

    Tương tự, phóng viên rà soát ngẫu nhiên gói thầu: Mua sắm máy tính, máy in cho các trường mầm non trên địa bàn thành phố Sông Công được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sông Công Lương Thanh Tâm ký phê duyệt theo Quyết định Số 75/QĐ–GDĐT ngày 9/9/2020 cho công ty TNHH thiết kế xây dựng và Đầu tư thương mại Hải Đăng với giá trúng thầu: 974.720.000 đồng. Bộ máy tính để bàn Model: X-Media Core I3-8100; Hãng sản xuất: V-plus có giá dự thầu là 11.844.000 đồng nhưng giá thị trường chỉ 8.800.000 đồng. Với số lượng mua sắm 80 bộ thì chỉ riêng sản phẩm này đã chênh lệch 243.520.000 đồng.

    Xin được nói rõ hơn, tất cả thông tin về gói thầu đều được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, có dấu đỏ xác nhận của đơn vị chủ đầu tư. Còn những đơn giá khảo sát của phóng viên trên thị trường đều được đơn vị cung cấp chính hãng báo giá bằng hóa đơn hợp lệ tại thời điểm khảo sát.

    Chủ đầu tư đưa ra nhiều lý do

    Trả lời câu hỏi của phóng viên về mức giá thiết bị chênh lệch cao hơn thị trường, bà Nghiêm Thị Thu – Phụ trách cơ cở sở vật chất phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Sông Công - cho biết: “Để đưa ra được đơn giá thiết bị trong các gói thầu, chúng tôi đã thuê các công ty tư vấn, thẩm định dựa trên cơ sở các báo giá của các đơn vị xung quanh TP.Sông Công, cũng như lấy các mức giá trên mạng để làm cơ sở. Sau đó, chúng tôi lập tờ trình tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt để có mức giá cho các thiết bị trong gói thầu”.

    Bà Thu cho biết thêm: “Từ khi xây dựng kế hoạch các trường đề nghị lên, cũng vào thời điểm đó việc sản xuất hàng mẫu của các công ty theo danh mục của bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thì lại không sẵn có. Do đó, chúng tôi phải đợi thì mới có mức giá của các sản phẩm, một phần cũng phải lấy giá của nhà cũng cấp trên mạng để làm cơ sơ đưa ra mức giá cho các thiết bị trong gói thầu. Tuy nhiên, có những sản phẩm đặc thù nên mới có mức giá như vậy, nó không phải như những sản phẩm sẵn có…”.

    Bà Thu lấy ví dụ về vấn đề giá các thiết bị trong gói thầu chênh lệch cao hơn so với giá thị trường: “Do nhãn hiệu của các sản phẩm, sản phẩm gia công, một số thiết có trong kế hoạch đã dừng sản xuất hoặc về vấn đề bảo hành. Bảo hành 1 năm giá khác, bảo hành 2 năm giá lại khác. Do đó, có nhiều khía cạnh để mình xây dựng giá, và đó cũng là cơ sở để trình phê duyệt giá thiết bị của gói thầu”.

    Khi được hỏi về năng lực của các đơn vị trúng thầu, bà Thu khẳng định: “Tất cả các thông tin của đơn vị trúng thầu đều được công khai trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia”.

    Với nhiều sản phẩm có dấu hiệu mua sắm giá cao đã thể hiện có sự bất cập đằng sau gói thầu. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần xem xét rà soát lại quy trình thực hiện lập dự toán, giá gói thầu thiết bị giáo dục tại phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Sông Công. Việc làm này không những minh bạch được thông tin mà còn xóa được nghi vấn việc chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tham gia định giá đã có sự “bắt tay”, “móc ngoặc” để nâng giá gói thầu.

    Thuận Nguyễn – Tuấn Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phong-gd-dt-tp-song-cong-bai-1-cong-tac-dau-thau-mua-sam-co-nhieu-dau-hieu-bat-thuong-a529077.html
    Đấu thầu tại điện lực Lạng Sơn – Bài 1: Tỉ lệ tiết kiệm thấp, ngân sách Nhà nước có đảm bảo?

    Đấu thầu tại điện lực Lạng Sơn – Bài 1: Tỉ lệ tiết kiệm thấp, ngân sách Nhà nước có đảm bảo?

    Không chỉ có dấu hiệu đội giá thiết bị, chênh lệch hàng tỷ đồng so với giá thị trường hay nhà thầu không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhiều gói thầu do công ty Điện lực Lạng Sơn làm chủ đầu còn có tỉ lệ tiết kiệm cực thấp ở mức “tượng trưng”, thậm chí là 0 đồng.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đấu thầu tại điện lực Lạng Sơn – Bài 1: Tỉ lệ tiết kiệm thấp, ngân sách Nhà nước có đảm bảo?

    Đấu thầu tại điện lực Lạng Sơn – Bài 1: Tỉ lệ tiết kiệm thấp, ngân sách Nhà nước có đảm bảo?

    Không chỉ có dấu hiệu đội giá thiết bị, chênh lệch hàng tỷ đồng so với giá thị trường hay nhà thầu không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhiều gói thầu do công ty Điện lực Lạng Sơn làm chủ đầu còn có tỉ lệ tiết kiệm cực thấp ở mức “tượng trưng”, thậm chí là 0 đồng.