Những ngày gần đây, vụ việc cô giáo Nguyễn Thị T., giáo viên lớp 1 (Trường Tiểu học Trần Phú, TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) bị đề xuất kỷ luật viên chức ở hình thức khiển trách, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đặc biệt, việc lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP.Hà Tĩnh gửi văn bản báo cáo sự việc, trong đó có nội dung đề nghị UBND thành phố điều chuyển giáo viên vi phạm về địa bàn khó khăn hơn đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến bày tỏ đồng tình với cách xử lý này để chấn chỉnh, giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm. Song, không ít người cũng cho rằng, việc đề nghị điều chuyển cô giáo đến địa bàn khác là "quá nặng tay" và trái với quy định.
"Không phải hình thức kỷ luật"
Trao đổi trên báo Dân trí về sự việc, sáng 16/12, bà Trần Thị Thúy Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh, cho biết, việc xử lý nặng hay nhẹ là tùy quan điểm của từng người.
Theo bà Nga, đây chỉ là giải pháp giáo dục, răn đe nhằm tuyên truyền cho giáo viên khác không vi phạm.
"Xử lý kỷ luật là thẩm quyền của nhà trường. Còn ngành giáo dục quan điểm tinh thần xử lý "giơ cao đánh khẽ", xác minh làm rõ rồi nhắc nhở, mang tính chất giáo dục", bà Nga nói.
Về nội dung văn bản thể hiện "đề nghị điều chuyển giáo viên đi địa bàn khác", bà Nga cho rằng trong khuôn khổ văn bản không thể hiện được hết nội dung. Cùng với đó, dư luận và mọi người không hiểu hết sự việc đã đẩy sự việc theo chiều hướng khác.
"Nếu có điều chuyển thì đây không phải là hình thức kỷ luật", bà Nga nói.
Vị trưởng phòng lý giải, thời gian này chưa có đợt thuyên chuyển, điều chuyển giáo viên mà thường rơi vào dịp nghỉ hè. Việc thuyên chuyển liên quan đến cơ cấu đội ngũ, thừa thiếu giáo viên.
Nếu sau này, ngành xét thấy hình ảnh giáo viên Nguyễn Thị T. "không đẹp" trong mắt phụ huynh, học sinh mới xét vào diện thuyên chuyển.
"Trường hợp cô giáo T. mới chỉ đang sắp xếp, đề xuất sau này lưu ý, chứ chưa thực hiện", bà Nga lý giải.
Vẫn còn tình trạng dạy thêm
Trước đó, trao đổi trên VietNamnet về vấn đề dạy thêm, học thêm trên địa bàn lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP.Hà Tĩnh cho biết, phía đơn vị đã đưa nhiều giải pháp, mỗi năm ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo cấm dạy thêm trái quy định. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng dạy thêm khiến phụ huynh bức xúc và phản ánh.
"Cấm dạy thêm ở tiểu học, còn ở THCS, phía phòng GD&ĐT đã phát động ngày chủ nhật không dạy thêm, học thêm. Năm nay ở bậc THCS, để giảm áp lực cho học sinh, các trường chỉ dạy 5 ngày/tuần, không dạy học vào thứ 7 và quán triệt không dạy thêm vào sáng thứ 7.
Tại các kỳ họp hội đồng, tiếp xúc cử tri, cử tri luôn nói nhiều về vấn đề dạy thêm, học thêm. Đầu tháng 11 vừa qua, Chủ tịch UBND TP quán triệt vấn đề dạy thêm. Hiệu trưởng các trường, phòng GD&ĐT ký cam kết với lãnh đạo thành phố không để tình trạng dạy thêm, học thêm xảy ra trên địa bàn. Ở các trường, giáo viên ký cam kết với hiệu trưởng sẽ không tổ chức dạy thêm. Nếu giáo viên nào làm trái cam kết, phải chịu mọi hình thức kỷ luật", lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP.Hà Tĩnh nói.