+Aa-
    Zalo

    Phòng, chống tham nhũng - từ quyết tâm tới hành động

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, từ quyết tâm chính trị thành những hành động cụ thể, quyết liệt.

    Công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, từ quyết tâm chính trị thành những hành động cụ thể, quyết liệt.

    Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

    Phòng, chống tham nhũng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Tại Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa X) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng đã xác định “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.

    Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) tiếp tục nhận diện rõ hơn, cụ thể hơn hành vi tham nhũng, những ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao phạm tội tham nhũng; đồng thời xác định tham nhũng đã trở thành “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Trước nguy cơ lớn này, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều hành động quyết liệt để phòng, chống tham nhũng ở các cấp, ngành, địa phương...

    Tích cực hoàn thiện thể chế

    Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã xác định cần tập trung "nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng."

    Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" chỉ rõ: "Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế...".

    Nhằm hoàn thiện thể chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự thảo Luật đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”. Đây cũng là cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.

    Xác định việc đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật đã có những quy định cụ thể về việc báo cáo, công khai báo cáo tình hình tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

    Cùng với đó, để ngăn chặn mầm mống, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, hàng loạt quy định cụ thể về kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ cấp cao; về giám sát trong Đảng; về xử lý kỷ luật đảng viên đã được Bộ Chính trị ban hành.

    Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nêu rõ nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản bao gồm: Việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên; việc giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

    Tiếp đó, Quy định số 86 về giám sát trong Đảng được ban hành, thay thế Quy chế giám sát trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 21/3/2012 của Bộ Chính trị. Quy định 86 đã mở rộng nội dung giám sát đối với tổ chức đảng, như giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí; việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ... Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên, thay thế quy định năm 2013. Quy định đề cập chi tiết, cụ thể về hình thức kỷ luật đối với vi phạm của đảng viên.

    Quyết liệt hành động

    Năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, như vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm xảy ra tại Oceanbank; vụ án Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm xảy ra tại Công ty Housing Group... Việc cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và gần đây là tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, làm rõ sai phạm liên quan đến nhiều lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là một minh chứng cụ thể của việc không có “vùng cấm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm, sự đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

    Với quy trình thực hiện chặt chẽ, thận trọng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) đã được đưa ra xét xử về các tội: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản,với những mức án nghiêm khắc. Trong đại án thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng tại OceanBank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc OceanBank bị tuyên án tử hình; bị cáo Hà Văn Thắm nhận mức án chung thân. Qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

    Hay vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn (Hà Nội) đã được cơ quan chức năng khẩn trương đưa ra xét xử, với mức án chung thân dành cho bị cáo Châu Thị Thu Nga.

    Các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra làm rõ vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về các tội: Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; khởi tố bị can đối với một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch về các tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

    Gần đây, ngày 8/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản...

    Nhìn lại các Phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong suốt một năm qua, có thể nhận thấy nhiều vụ sai phạm đã được làm rõ, xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh. Riêng đối với Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vì những sai phạm trong quá trình lãnh đạo.

    Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020...

    Việc đưa ra xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; xử lý nghiêm khắc cả lãnh đạo cấp cao của Đảng khi vi phạm pháp luật đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng. Khi tinh thần thượng tôn pháp luật được đặt lên hàng đầu thì đây chính là động lực để cả bộ máy chính trị và người dân cùng vào cuộc phòng, chống tham nhũng. Hoàn toàn không có “vùng cấm” cho bất kỳ cá nhân nào khi có hành vi tham nhũng, hoặc làm tổn hại tới quyền lợi chính đáng của nhân dân, của đất nước.

    Có thể nhận thấy công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, từ quyết tâm chính trị thành những hành động cụ thể, quyết liệt. Với nỗ lực cao, trên nhiều phương diện, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước triển khai bài bản, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ và đồng thuận của toàn xã hội. Những kết quả đạt được trong năm qua đã củng cố và nhân lên niềm tin trong nhân dân.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phong-chong-tham-nhung---tu-quyet-tam-toi-hanh-dong-a214807.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan