+Aa-
    Zalo

    Phòng cháy, chữa cháy tại chung cư: Ý thức người dân vẫn là trên hết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong khi chờ các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ, điều cần nhất trước mắt là người dân cần trang bị các kiến thức, các giải pháp an toàn cho mình và gia đình

    Cháy, nổ từ lâu là nỗi ám ảnh của con người, bởi hậu quả mà nó để lại rất lớn. Ngoài thiệt hại về tài sản, cháy, nổ cũng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hoặc để lại nhiều di chứng, thậm chí là tàn tật suốt đời. Thế nhưng, thực tế, hầu như năm nào trên địa bàn TP.HCM cũng xảy ra hàng ngàn vụ cháy, nổ mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân.

    1.000 vụ cháy, 26 người chết trong năm 2017

    Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trường phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), trong thời gian qua tình hình cháy nổ ở TP.HCM diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

    Thống kê trong năm 2017, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy, làm 26 người chết và 44 người bị thương. Riêng quý I - 2018, ở Thành phố xảy ra 120 vụ cháy, làm 15 người chết, bị thương 32 người. Nghiêm trọng nhất là vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP HCM) làm chết 13 người chết và hơn 50 người bị thương xảy ra vào rạng sáng ngày 23/3.

    Vấn đề cháy nổ tại chung cư đang rất được dư luận quan tâm.

    Đáng lo ngại hơn hết, trong tổng số 1037 chung cư tại TP.HCM hiện nay có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, không có hệ thống PCCC, cùng với đó là nhiều căn hộ được cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm… càng gióng lên hồi chuông báo động trong công tác bảo đảm an toàn cho cư dân sinh sống trong các chung cư cao tầng.

    Trước những thực trạng trên, để hạn chế mức thấp nhất về cháy nổ ở các khu chung cư, UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 29/3/2018 “Về triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố”. Có thể nói, với việc ban hành Chỉ thị số 04 này, UBND TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa tình trạng cháy, nổ đáng báo động hiện nay.

    Thế nhưng, trong khi chờ các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ, điều cần nhất trước mắt là người dân cần trang bị các kiến thức, các giải pháp an toàn cho mình và gia đình khi xảy ra sự cố cháy nổ.

    Cháy chung cư, ai chịu trách nhiệm?

    Tại hội thảo “Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư” diễn ra sáng nay ngày 3/4 tại TP.HCM, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, Cảnh sát PCCC TP.HCM và các chuyên gia cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót trong công tác quản lý, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân then chốt dẫn đến tình trạng cháy nổ trong chung cư hiện nay.

    Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hỏa hoạn vẫn là: những sự cố chập điện ngoài ý muốn; lấn chiếm cầu thang, hành lang; chưa thành lập ban quản trị, ban quản lí đại diện tiếng nói cư dân; tình hình an ninh trật tự chưa đảm bảo; hệ thống PCCC chưa phát huy tác động hoặc chưa được nghiệm thu hoặc hết hạn sử dụng; ý thức chấp hành của cư dân còn kém…

    Hội thảo “Giải pháp an toàn khi cháy nổ ở chung cư” với sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, các luật sư, các chủ đầu tư, nhiều cư dân đang sống trong một số chung cư trên địa bàn thành phố.

    Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quang - Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát PCCC TP.HCM), lực lượng cảnh sát PCCC thành phố luôn xem chung cư, nhà cao tầng là đối tượng rất quan trọng, từ khâu thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu PCC trước khi đưa vào sử dụng.

    Việc kiểm tra của cảnh sát PCCC được tiến hành theo định kỳ, chuyên đề hoặc kiểm tra đột xuất. Do vậy sẽ không thể bao quát và theo dõi sát sao bằng chính chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân sinh sống hằng ngày.

    "Cư dân của chung cư rất đa dạng, các căn hộ cũng thường có sự thay đổi nhân khẩu, thay đổi chủ, trong đó nhiều người chưa từng ở chung cư, không hề có kỹ năng sử dụng chung cư, vì vậy việc tập huấn, diễn tập phóng chống cháy nổ hàng năm là hết sức cần thiết. Hiện nhiều nơi có làm nhưng chỉ làm một lần cho có, mang nặng tính hình thức nên không có hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và tình trạng rối loạn khi có sự cố xảy ra", ông Quang nhận định.

    Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP HCM) cũng cho rằng, khi xảy ra sự cố cháy nổ tại chung cư thì trách nhiệm trước hết thuộc về 5 phía, gồm chủ đầu tư chung cư, đơn vị quản lý - vận hành chung cư, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, Ban Quản trị chung cư và chính cư dân tại chung cư đó.

    Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận, chính ý thức của cư dân là nguyên nhân quan trọng nhất về mức độ an toàn của các tòa nhà chung cư, kế đến là trách nhiệm của chính các chủ đầu tư cũng còn chưa cao.

    Ông Hải dẫn chứng, đơn cử như trường hợp ở Carina Plaza dù kiến nghị nhiều lần đến chủ đầu tư, đơn vị vận hành tòa nhà chung cư, nhưng bản thân một số cư dân Carina cũng còn chủ quan vì khi xảy ra cháy tại chung cư này thì cảnh sát PCCC phát hiện các cửa cầu thang bộ đều mở tang hoác, dẫn đến sức nóng từ đám cháy kèm khói xộc thẳng lên các tầng lầu. “Như vậy, chính ý thức phòng cháy chưa cao của cư dân cũng đã khiến cho cầu thang thoát hiểm trở thành “thang tử nạn” cho chính những cư dân không may mắn trong vụ cháy vừa qua”.

    Đồng quan điểm, Đại tá Huỳnh Ngọc Quang cũng cho rằng, ở nhiều nước, quản lý tòa nhà là các kỹ sư, được đào tạo bài bản về quản lý chung cư, còn ở ta thì công tác này còn lỏng lẻo, sơ sài… Chính vì thế, để đảm bảo an toàn PCCC chung cư cần tuyên truyền tập huấn đối với chủ đầu tư ngay từ khâu đầu tư xây dựng dự án cũng như tuyên truyền cho thành viên ban quan trị chung cư. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật về đảm bảo an toàn PCCC. 

    "Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, hậu kiểm để đảm bảo hệ thống PCCC duy trì hoạt động thường xuyên cũng như dự án không vi phạm thiết kế xây dựng, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý kiên quyết. Về phía người dân, Chỉ khi cư dân có trách nhiệm, nắm bắt thông tin đầy đủ và tuân thủ các quy định PCCC thì vấn đề cháy nổ ở chung cư mới được đảm bảo tốt nhất”, Đại tá Huỳnh Ngọc Quang nhấn mạnh .

    Nhật Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phong-chay-chua-chay-tai-chung-cu-y-thuc-nguoi-dan-van-la-tren-het-a224638.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan