+Aa-
    Zalo

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách hơn hỗ trợ bằng tiền

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiều 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư...

    Chiều 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

    Thủ tục còn lắm nhiêu khê

    Tại Hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp phải cho "người góp vốn tiềm năng" thấy được mức độ hấp dẫn, tính khả thi của dự án, sự thuận lợi trong quá trình triển khai và sự minh bạch, rõ ràng về thông tin trong khâu thực hiện.

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung

    Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tính đến tháng 9/2016, cả nước chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng doanh nghiệp cả nước. Nghị định 210 sau 3 năm thực hiện chỉ hỗ trợ được 64 dự án với số vốn rất nhỏ và tác dụng rất hạn chế.

    Đưa ra con số ngân sách năm 2015 hỗ trợ thí điểm được 200 tỷ đồng cho 40 dự án của 21 địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2016, ngân sách chỉ bố trí được 185 tỷ đồng làm nguồn vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 210, Phó Thủ tướng cho rằng quá nhỏ và hầu như không giải quyết được gì, trong khi thủ tục còn lắm nhiêu khê. “Thực tế, nhiều doanh nghiệp rất nản lòng khi làm các thủ tục này”, Phó Thủ tướng nói.

    Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình cho rằng, điều mà các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đầu tư như thủ tục tiếp cận thuê đất, thủ tục thu hút đầu tư mua máy móc công nghệ hay thủ tục về thuế. Ngoài ra doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro nên chính sách về thuế cần phải khác.

    Ông Báo nhận định, dự án đầu tư 100 tỷ đồng mà phải làm nhiều thủ tục, mất công sức, thời gian để nhận 5 tỷ đồng hỗ trợ, doanh nghiệp không làm.

    Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk, bà Thái Hương thì cho rằng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các bộ nên thống nhất có quy định chung về chất lượng sản phẩm. Quy định đầu tiên của nông nghiệp phải là chất lượng sản phẩm, vì liên quan đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp tự hoạch định cách làm, Nhà nước tập trung vào kiểm định chất lượng.

    Cũng có ý kiến nhìn nhận, hiện nay quy hoạch và cơ cấu cây con giống đang rất bất cập, lẫn lộn và giống nhau ở một số nơi, không xác định đâu là thế mạnh của mỗi vùng để kêu gọi đầu tư một cách bài bản. Do đó, cần phải xác định lại động cơ thu hút đầu tư thì mới có thể tạo hiệu ứng và hành động hưởng ứng từ khu vực tư nhân.

    Cần cơ chế, chính sách, giảm hỗ trợ

    Cho rằng Nghị định 210 quá tập trung vào việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong điều kiện nguồn lực có hạn, theo Phó Thủ tướng, phải thay tư duy làm Nghị định, thoát khỏi tư duy của Nghị định 210 liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào trong nông nghiệp, không đơn thuần chỉ là hỗ trợ đầu tư như hiện nay.

    Ảnh: VGP/Thành Chung

    Bày tỏ sự lo lắng đối với một số bộ, ngành ngồi bàn giấy chưa quan tâm đến những vấn đề khả thi với doanh nghiệp và doanh nghiệp cần gì, theo Phó Thủ tướng, điều các doanh nghiệp cần chính là cơ chế, chính sách tốt, hơn là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền.

    Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm, mục đích cần đạt được là sau khi ban hành Nghị định mới, phải thu hút được mạnh mẽ làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.

    Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu một bước hoàn thiện Nghị định, Phó Thủ tướng kỳ vọng với việc lấy ý kiến đông đảo các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp, hiệp hội, chính sách về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn này sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

    Song, Phó Thủ tướng cho rằng, qua các ý kiến tại Hội thảo cho thấy dự thảo Nghị định “còn xa mới đạt yêu cầu” bởi về cơ bản vẫn giữ như Nghị định 210, chỉ có tăng mức hỗ trợ lên trong điều kiện tiền ngày càng ít đi.

    “Nếu cách thức tư duy như Nghị định này thì không bao giờ ra được, ban hành ra mà không có tác dụng gì, không đi vào cuộc sống được thì thà không có chính sách còn hơn”, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.

    Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ NN&PTNT là Bộ phụ trách, tập trung lãnh đạo đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng Nghị định. “Chính phủ rất quyết liệt, anh em chúng tôi được phân công cũng rất lo lắng”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

    Phó Thủ tướng nêu rõ, Nghị định trong phạm vi khuôn khổ pháp luật hiện hành, căn cứ vào các Luật Đầu tư, đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần cụ thể hóa các Luật này. Cách tiếp cận phải tập trung nhiều vào thể chế, chính sách, không phải chủ yếu hỗ trợ về tài chính. Nếu hỗ trợ thì gián tiếp là chủ yếu, thông qua chính sách về tiền thuê đất, thuế, miễn, giảm. Trực tiếp từ tiền của Nhà nước thì tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, hoặc doanh nghiệp đầu đàn để trở thành thương hiệu quốc gia, có quy mô vùng địa phương nổi trội. Nguồn hỗ trợ không chỉ từ ngân sách Trung ương, địa phương mà qua các quỹ phát triển khoa học công nghệ, lồng ghép các chương trình khác, tạo khung để địa phương tùy khả năng mà bố trí vốn thực hiện.

    Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hệ thống hoá các chính sách cho nông nghiệp nông thôn, tích hợp đưa vào Nghị định. Bộ NN&PTNT chủ động vào cuộc, lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp để kiến nghị chính sách đầu tư vào nông nghiệp, hai bộ phối hợp hoàn thiện dự thảo Nghị định.

    Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc rà soát lại những quy định hỗ trợ, theo hướng quy định minh bạch, điều kiện thuận tiện, dễ dàng, tránh chuyện không xác định được, thành xin-cho, tiêu cực, hư hỏng cán bộ.

    Để khuyến khích đầu tư không chỉ là thủ tục hành chính với việc xét duyệt và thanh toán tiền hỗ trợ mà là toàn bộ thủ tục đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này, trong đó có 12 loại thủ tục với 16 bước, 40 loại giấy tờ để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phải đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, Phó Thủ tướng nêu rõ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-doanh-nghiep-can-co-che-chinh-sach-hon-ho-tro-bang-tien-a193790.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan