(ĐSPL)- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất cho phép Hội Luật gia Việt Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo quốc tế về biển Đông và cho rằng việc này nên tiến hành sớm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, về những hoạt động liên quan đến biển Đông, chúng ta vẫn chủ trương hòa bình chứ chưa có chủ trương khác. |
Sáng 30/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam về công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia lần thứ XII (nhiệm kỳ 2014- 2019).
Tại cuộc làm việc, nhiều đại biểu đã nêu những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ liên quan đến cơ chế hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, cũng như vai trò của Hội trong việc tham mưu, tư vấn, tuyên truyền vận động giải quyết vấn đề biển Đông trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Cho rằng thời gian qua, Hội Luật gia đã lên tiếng mạnh mẽ về việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa cho Hội Luật gia tham gia vào các hoạt động đối ngoại liên quan đến vấn đề pháp lý.
Xem Video:
Bà Lê Thị Kim Thanh- Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho biết vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã ra tuyên bố vụ Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời đã có buổi làm việc với Hội Luật gia Dân chủ quốc tế để thúc đẩy Hội Luật gia Dân chủ quốc tế ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong vấn đề biển Đông.
Sau đó, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã đồng ý ra tuyên bố về việc này, đồng thời nhất trí gửi thư đến Chính phủ Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc giải trình về hành vi của mình trên biển Đông, cũng như thực hiện đúng công ước của Luật biển quốc tế với tư cách là một nước thành viên.
Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam, bà Thanh đề xuất với Phó Thủ tướng cho phép Hội Luật gia Việt Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề biển Đông, 1 cuộc tổ chức ở Hà Nội và 1 ở TP.HCM. “Các chuyên gia quốc tế của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc hội thảo này để cùng đóng góp ý kiến về vấn đề biển Đông”, bà Thanh cho biết.
Đề cập về tình hình biển Đông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Buổi làm việc ngày hôm nay không chỉ đề cập đến những công việc lớn 5 năm tới của Hội Luật gia Việt Nam, mà còn đề cập đến vấn đề thời sự của nước ta, đó là việc liên quan đến chủ quyền thiêng liêng của đất nước khi Trung Quốc ngang nhiên cho hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, các nhiệm vụ đặt ra cũng đều liên quan đến vấn đề thời sự của đất nước. Hội Luật gia không chỉ làm kiện tụng, mà còn lo tư vấn pháp lý, giáo dục pháp luật, đồng thời phải phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền”.
Phó Thủ tướng cho biết, về những hoạt động liên quan đến biển Đông, chúng ta vẫn chủ trương hòa bình chứ chưa có chủ trương khác. “Tôi mong muốn Hội Luật gia với những kiến thức pháp lý chặt chẽ, sẽ góp sức tư vấn cho Đảng và Nhà nước nhiều hơn, sâu hơn về vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói.
Về đề xuất tổ chức hai cuộc hội thảo quốc tế về biển Đông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, rất nên tổ chức những cuộc hội thảo như thế và cần tiến hành sớm.