Ngày 22/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn một số cơ quan báo chí trong nước nhân dịp Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội (KTXH) của Liên Hợp Quốc (ECOSOC). Báo điện tử Chính phủ xin giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn về việc Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội (KTXH) của Liên Hợp Quốc. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng KTXH của Liên Hợp Quốc? Là thành viên của ECOSOC, Việt Nam có thể có những đóng góp như thế nào trong hoạt động của cơ quan này?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việt Nam vừa được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tín nhiệm bầu làm thành viên của ECOSOC. Đây là sự kiện quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Đây cũng là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc, 20 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc và ngay sau khi Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững vừa được Lãnh đạo cấp cao các nước thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2015.
ECOSOC là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc được giao trách nhiệm thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội của Liên Hợp Quốc, nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo. ECOSOC cũng có thể đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tôn trọng và thực hiện quyền con người. ECOSOC có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách và điều phối các nỗ lực quốc tế, tăng cường phối hợp chính sách để thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển.
Việc Việt Nam được bầu làm thành viên của cơ quan quan trọng này thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước, cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới trong thời gian qua.
Việc Việt Nam ứng cử và trở thành thành viên ECOSOC là bước quan trọng triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XI, thể hiện tầm nhìn dài hạn, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và đẩy mạnh ngoại giao đa phương nói riêng. Tiếp nối việc đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2008-2009), thành viên Hội đồng nhân quyền (2014-2016), tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, việc trúng cử làm thành viên ECOSOC sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào công việc chung của Liên Hợp Quốc - tổ chức toàn cầu lớn nhất, từ đó trực tiếp tham gia định hình các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.
Là một trong 54 thành viên của ECOSOC, chúng ta sẽ cùng các nước thành viên ECOSOC theo dõi, đánh giá và đề ra các biện pháp thực hiện các mục tiêu phát triển; trao đổi, tìm ra các nguyên nhân thành công và chưa thành công để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đạt các mục tiêu này trên phạm vi toàn cầu.
Phó Thủ tướng có thể thông tin về những công việc sắp tới chúng ta cần triển khai?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đây là lần thứ hai chúng ta đảm nhiệm vai trò ủy viên ECOSOC nhưng bối cảnh và nhiệm vụ lần này rất khác trước và nặng nề hơn. Nhiệm vụ trọng tâm của ECOSOC trong giai đoạn hiện nay chính là triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững vừa được Lãnh đạo cấp cao các nước thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2015 vừa qua.
Được tín nhiệm bầu vào ECOSOC vào thời điểm hết sức quan trọng này, chúng ta ý thức được trách nhiệm rất lớn của Việt Nam. Với tinh thần hợp tác, xây dựng, chúng ta sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động của ECOSOC, huy động sự tham gia của các lực lượng, các nguồn lực trong xã hội, đổi mới hoạt động của hệ thống phát triển của Liên Hợp Quốc, phát huy hiệu quả của hợp tác phát triển để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là xoá đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, bảo vệ môi trường .
Chúng ta cần bắt tay ngay vào triển khai thực hiện tốt các SDG tại Việt Nam. Lời nói hay nhất chính là hành động. Đó cũng là cách tốt nhất để chúng ta đóng góp được cho thế giới. Chúng ta đã thành công trong việc thực hiện được nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ là một trong những nước đi đầu tích cực thực hiện các SDG.
Việt Nam hiện đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và vừa rồi chúng ta được bầu vào ECOSOC. Xin Phó Thủ tướng cho biết suy nghĩ về vai trò và vị thế của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc hiện nay?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việc Việt Nam được bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc cho thấy vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng của đất nước ta. Đây là kết quả của cả một quá trình. Trong con mắt của bạn bè quốc tế, Việt Nam ngày càng được nhìn nhận là một đất nước đang phát triển năng động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã từng thành công trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2008-2009), đang đảm đương vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền (2014-2016), và giờ đây là thành viên ECOSOC. Những thành quả này của chúng ta cho thấy sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc, đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Cá nhân tôi cũng nhìn nhận rằng uy tín luôn gắn với trách nhiệm. Để đảm nhiệm tốt cương vị thành viên ECOSOC, xứng đáng với sự tín nhiệm của bạn bè dành cho Việt Nam đòi hỏi chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng, thường xuyên trao đổi, tham vấn với các nước, lắng nghe ý kiến của các đối tác, nghiên cứu đề xuất sáng kiến, có đóng góp thiết thực, vào hoạt động chung của ECOSOC, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân Việt Nam cũng như nhân dân trên toàn thế giới.
Theo baochinhphu.vn