+Aa-
    Zalo

    “Pho sử sống” của đồng bào Brâu ở “ngã ba Đông Dương”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ở nơi được xem là “ngã ba Đông Dương”, tên tuổi của vị già làng - “Người giữ hồn” cho đồng bào Brâu được con cháu và khách thập phương xưng tụng, thán phục.

    (ĐSPL) - Năm nay 84 tuổi, sức khỏe của già Thao Chrêm đã yếu nên không còn lên nương rẫy, không vào rừng săn con hươu, con nai như trước được nữa. Thay vào đó, ngày ngày, già say sưa cùng những tiếng đàn Boong Boong, Ching Reng, Goong Đing…, nhạc cụ truyền thống của cha ông. Ở nơi được xem là “ngã ba Đông Dương” này, tên tuổi của vị già làng người Brâu được con cháu và khách thập phương xưng tụng, thán phục.

    “Người giữ hồn” cho đồng bào Brâu

    Xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum từ lâu nổi tiếng là vùng đất “ngã ba Đông Dương”, nơi chỉ một tiếng gà gáy đủ để người dân 3 nước anh em Việt Nam – Lào – Campuchia cùng nghe thấy. Không những thế, mảnh đất này còn lưu giữ rất nhiều nét đẹp truyền thống của người dân bản địa. Bờ Y vốn là nơi định cư của đồng bào người Brâu từ ngàn xưa. Người Brâu ngày trước sống dựa vào rừng núi. Họ không chỉ xem cây cỏ, muông thú là thức ăn mà còn như người bạn thân thiết.

    Già Thao Chrêm sử dụng đàn Boong Boong nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

    Cuộc sống vật chất của người Brâu đã đổi thay nhờ được các cấp ngành, anh em bộ đội biên phòng quan tâm giúp đỡ. Trong nếp sinh hoạt tinh thần, cộng đồng người Brâu vẫn giữ nguyên những giá trị văn hóa mang bản sắc núi rừng. Từ những ống tre, nứa, lồ ô..., người Brâu sáng tạo thành hàng chục loại nhạc cụ làm say lòng khách ghé thăm. Ai từng một lần đến Bờ Y hẳn khó quên được âm thanh réo rắt, mê hoặc từ những tiếng đàn Boong Boong, Ching Reng, Goong Đing, Ching Ning, Oong Búk, Bhău... do người Brâu tự chế. Người Brâu, hầu như ai cũng biết làm đàn, chơi đàn nhưng nổi tiếng và được mến mộ nhất là già

    Thao Chrêm. Với người Brâu, già Chrêm chính là “pho sử sống”, sợi dây vô hình kết nối các thế hệ. Từ thời trai trẻ, tiếng đàn của già Chrêm đã nổi tiếng vang vọng khắp xứ đại ngàn. Già năm nay bước qua 84 mùa rẫy, đôi bàn tay, bàn chân đã yếu, nhưng vẫn minh mẫn. Tiếng đàn của già vẫn chất chứa sự ngọt ngào, mê đắm lòng người.

    Từ trung tâm xã Bờ Y, chúng tôi theo chân anh Thao Lợi, Trưởng làng Đắk Mế về làng diện kiến người nghệ nhân đáng kính. Chỉ tay vào ngôi nhà nhỏ, được chính quyền hỗ trợ xây cất vững chãi, anh Thao Lợi khoe: “Nhà già Thao Chrêm đó. Ông là bác ruột của tôi. Ở làng này, mọi người coi ông là cây đại thụ về âm nhạc truyền thống của người Brâu. Ông là người cao tuổi hiếm hoi trong làng còn chế tác và chơi thành thạo được các loại nhạc cụ đặc trưng của người Brâu. Ngoài ra, bác như cuốn từ điển mở lưu giữ những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Lớp người trẻ như mình, rồi con cháu mình đều do một tay già Thao Chrêm dạy bảo, dìu dắt, từ đó, mới biết đàn hát, đánh chiêng”.

    Trước khoảng sân yên bình, già Thao Chrêm đang tỉ mỉ chỉnh lại những sợi dây đàn. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về loại hình nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình, già vui hẳn. Già bảo: “Tiếng đàn như tâm hồn của người Brâu nhiệt thành và ấm áp”. Nói rồi già với tay lấy hàng chục loại nhạc cụ nằm gọn gàng trên góc sân, già kể tên nào là đàn Boong Boong, Ching Reng, Goong Đing, Ching Ning, Oong Búk, Bhău... Trìu mến nhìn người bác, anh Thao Lợi tự hào khoe: “Tất cả các loại nhạc cụ này đều được làm từ tre nứa, lồ ô chặt ở trên rừng. Những khúc tre, khúc nứa vô tri, qua bàn tay tài hoa của già Thao Chrêm đã trở thành những cây đàn giúp nói lên tiếng lòng của người Brâu nơi ngã ba biên giới”.

    Không để khách tò mò, già Thao Chrêm chậm rãi giải thích, đàn Boong Boong được người Brâu sử dụng khi đi rẫy, thể hiện sự vui nhộn, tạo tinh thần thoải mái, hăng say trong lao động. Trong làng có lễ hội lớn, người Brâu cũng trình diễn nhạc cụ này để giới thiệu đến mọi người nét đặc sắc của dân tộc mình. Đàn Chinh Reng được chơi vào dịp người dân đã hết việc nương rẫy. Khi đó, mọi người tụ tập nhau ở nhà rông để đan lát, dệt vải thì chơi cho vui vẻ, cổ vũ mọi người tích cực làm việc. Đàn Oong Búk có thiết kế giống như Khèn của đồng bào H’Mông ở phía Bắc thường chỉ dành cho các chàng trai biểu diễn để bày tỏ niềm thương mến, thể hiện tình yêu với các cô gái...

    Giọng già trầm ấm, truyền cảm. Nghe già phân tích, chúng tôi cứ ngỡ đang được nói chuyện với một nhà lý luận âm nhạc thực thụ. Thế nhưng, cũng như bao đồng bào khác, con chữ là cái gì đó vô cùng xa xỉ với già Thao Chrêm. Già kể, từ ngày chập chững biết đi đã phải theo cha mẹ lên nương rẫy. Già bắt chước người lớn thổi kèn lá, gõ vào thần lồ ô tạo tiếng đàn. Âm nhạc núi rừng cứ thế ngấm dần lên người già như máu thịt. Năm 16 tuổi, cha của già mới chính thức truyền lại cho con trai những bí quyết về nhạc cụ dân tộc. Già nhớ lại: “Không biết có phải tôi có năng khiếu hay không mà học rất nhanh, cảm nhận âm điệu rất chuẩn xác. Theo thời gian, càng tìm hiểu càng thấy mê mẩn các loại đàn truyền thống rồi thành ra nghiện. Tôi thấy làm và chơi đàn cũng giống như nghiện hút thuốc tẩu vậy”.

    Ký thác sứ mệnh vào con cháu

    Từ ngày được cha truyền dạy, mỗi lần đi rừng già lại săn tìm lồ ô, tre, nứa... mang về gác lên bếp, lúc rảnh rỗi mang ra làm đàn. Già làm đàn cho mình rồi làm đàn tặng bà con hàng xóm những người đam mê âm nhạc. Mỗi buổi sáng, già mời mọi người đến nghe đàn. Già dạy họ học đàn, làm đàn theo sở thích. Gần 70 năm gắn bó với hàng chục loại đàn truyền thống, già Thao Chrêm cho biết hiểu tiếng đàn hơn chính bản thân. Già kể, nếu có nguyên liệu, bằng những dụng cụ thô sơ như dao, rựa, chỉ mất nửa ngày để hoàn thành một cây đàn Boong Boong. Như cây đàn Goong Đing với 5 sợi dây, việc chỉnh âm khó khăn hơn nhưng già chỉ mất khoảng hơn 1 ngày là hoàn thành.

    Già Thao Chrêm chế tác đàn Boong Boong.

    Trong lúc trò chuyện, già Thao Chrêm cao hứng đàn cho chúng tôi nghe rất nhiều bản nhạc tự mình nghĩ ra. Đôi bàn tay già điêu luyện, từng ngón tay khéo léo, nhẹ nhàng bay nhảy trên dây đàn. Đôi mắt già mơ màng dõi về phía đại ngàn xa xăm. Chúng tôi cảm nhận ở con người đó toát lên vẻ tài hoa, lãng tử. Ở xã Bờ Y, già không chỉ nổi danh bằng ngón đàn điêu luyện mà còn là nghệ nhân cồng chiêng xuất sắc nhất.

    Được mệnh danh là “pho sử sống” của làng, tuy thế già Thao Chrêm vẫn còn nhiều trăn trở. Điều khiến già lo ngại nhất sau khi thế hệ già nằm xuống con cháu không mặn mà với tiếng đàn, lãng quên nét đẹp truyền thống cha ông. Suy nghĩ đó càng thôi thúc già ngày đêm “truyền lửa” cho thế hệ mai sau. Già ngậm ngùi: “Ngày trước, lớp người cũ còn đông, trong làng còn nhiều người biết làm và chơi các loại đàn truyền thống, biết đánh chiêng trong các ngày lễ hội, biết đan lát các vật dụng để dùng trong gia đình. Nhưng rồi, theo thời gian, lớp già dần về với tổ tiên, trong khi con cháu ngày càng ít ham học hỏi, gắn bó với văn hoá truyền thống”.

    Để làm gương cho đồng bào, hàng chục năm qua, già Thao Chrêm đã miệt mài truyền nghề cho các con mình. Trong 7 người con của già Thao Chrêm thì có 6 người biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ của dân tộc thành thạo. Anh Thao Dua - con lớn của già đánh đàn Boong Boong nức tiếng trong làng chẳng kém gì cha mình. Già Thao Chrêm trăn trở: “Tôi biết nhiều loại đàn và phục vụ bà con trong các dịp lễ hội, nhưng âm nhạc cũng như văn hoá của người Brâu phải do nhiều người cùng gìn giữ, phát huy thì mới bền vững được”.

    Trước khi chúng tôi ra về, già Thao Chrêm thổ lộ: “Tôi già rồi, chẳng biết về với Giàng (tức là chết-PV) lúc nào. Tài đàn của mình có giỏi đến đâu cũng chỉ là vô nghĩa nếu con cháu không kế thừa, phát triển. Giờ đây, tôi chỉ biết tận lực truyền lửa cho lớp trẻ. Tiếng đàn như tâm hồn của người Brâu không thể nào mai một”. Phát triển nét văn hóa độc đáo của tổ tiên Chia sẻ với PV, anh Thao Lợi, Trưởng làng Đắk Mế thông tin thêm: “Ở làng Đắk Mế không ai đánh chiêng giỏi như già Thao Chrêm. Mọi người đều phải tới nhà già để học cách đánh chiêng. Trong làng chúng tôi thường xuyên vận động tầng lớp thanh niên bảo tồn, phát huy nét đẹp của tổ tiên bằng hành động thiết thực tích cực tham gia những buổi học đàn, học hỏi kinh nghiệm già Thao Chrêm tâm huyết truyền dạy. Nhờ cái tâm, sự nhiệt huyết của già Thao Chrêm trong làng có nhiều người trẻ đã biết chế tác, chơi đàn, đánh chiêng giỏi”.

    Điều 17. Luật Di sản Văn Hóa 2001

    Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hoá phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và làm giàu kho tàng di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

    Khoản 1 Điều 4. Luật Di sản Văn Hóa 2001

    "1. Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác..."

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch tử nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    HỒ NAM

    [mecloud]pNtIjduz3i[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-su-song-cua-dong-bao-brau-o-nga-ba-dong-duong-a169912.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.