+Aa-
    Zalo

    Phó giáo sư kiện trường đại học đòi bồi thường danh dự 1.000 đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cho rằng, công lao và cống hiến của mình bị phủ nhận hoàn toàn, vị PGS.TSKH này đã đệ đơn kiện nhà trường ra tòa và đòi bồi thường… 1.000 đồng.

    (ĐSPL) - Cho rằng, công lao và cống hiến của mình bị phủ nhận hoàn toàn, vị PGS.TSKH này đã đệ đơn kiện nhà trường ra tòa và đòi bồi thường… 1.000 đồng.

    Một PGS.TSKH từng công tác tại trường đại học gần 40 năm, trong đó có 23 năm là Giám đốc trung tâm Sáng tạo khoa học – Kỹ thuật thuộc trường, nhưng đến tuổi về hưu, ông không những không được tiếp tục giữ lại trường theo nguyện vọng mà còn nhận quyết định nghỉ hưu với một văn bản có 25 chữ ‘không’. Cho rằng, công lao và cống hiến của mình bị phủ nhận hoàn toàn, vị PGS.TSKH này đã đệ đơn kiện nhà trường ra tòa và đòi bồi thường… 1.000 đồng.

    PGS.TSKH Phan Dũng trao đổi với PV.

    Vụ kiện hi hữu

    Theo dự kiến, TAND quận 5 (TP.HCM) sẽ đưa vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín ra xét xử vào ngày 29/4 tới. Nguyên đơn dân sự trong vụ án này là PGS.TSKH Phan Dũng (SN 1950, nguyên Giám đốc trung tâm Sáng tạo khoa học – Kỹ thuật, gọi tắt là trung tâm TSK). Bị đơn là trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), ĐHQG TP.HCM. Trong đơn khởi kiện gửi Tòa án quận 5, ông Dũng yêu cầu trường ĐH KHTN phải cải chính các thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống; Xin lỗi công khai bằng văn bản và bồi thường danh dự cho ông 1.000 đồng.

    Ông Dũng cho rằng, trường ĐH KHTN và các ông Trần Linh Thước (Hiệu trưởng) và ông Phan Ngô Hoang (Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính), là những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, đã có các hành vi và quyết định dưới dạng văn bản, bịa đặt, thông tin sai sự thật về quá trình công tác của ông (khi ông còn là Giám đốc trung tâm TSK), lạm dụng chức vụ, quyền hạn ra quyết định cho ông về nghỉ hưu một cách trái pháp luật.

    Trước những ngày vụ án được xét xử, trong cuộc tiếp xúc với PV ông Dũng cho biết, ông về trường ĐH KHTN và công tác tại khoa Vật lý từ năm 1976. Đến năm 1991, ông chuyển hẳn sang làm Giám đốc trung tâm TSK trực thuộc trường. Tính đến nay, ông đã có 38 năm làm việc và công hiến cho trường ĐH KHTN. Khi đến tuổi về hưu, ông có nguyện vọng được tiếp tục ở lại trường theo Nghị định 141 (giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu tại các trường ĐH). Tuy nhiên, ông không những không tiếp tục được giữ lại trường theo nguyện vọng mà còn nhận quyết định nghỉ hưu từ phía nhà trường với một văn bản có 25 chữ ‘không’.

    Cụ thể, văn bản đánh giá về ông Dũng của phòng Tổ chức - Hành chính gửi Ban giám hiệu (BGH) thể hiện: Ông Dũng là một PGS.TSKH nhưng không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Không tham gia, chủ trì phối hợp nghiên cứu khoa học; Không có bài báo hay công trình khoa học nào. Ngoài ra, với cương vị là Giám đốc trung tâm Sáng tạo khoa học – Kỹ thuật của trường nhưng đã để Trung tâm hoạt động không hiệu quả… Đặc biệt, trong Biên bản họp BGH (số 102/KHTN-TCHC) nêu: ‘PGS.TSKH Phan Dũng không thấy sự ưu ái của nhà trường đối với việc thành lập và phát triển của Trung tâm mà lúc nào cũng kêu ca…’. Từ những lý do trên, phòng Tổ chức - Hành chính cho rằng không cần thiết giữ ông Dũng ở lại trường tiếp tục công tác khi đã đến tuổi nghỉ hưu.

    Theo lời ông Dũng, khi nhận được thông báo sẽ nghỉ hưu, ông đã không đồng tình nên viết đơn khiếu nại lên lãnh đạo trường nhưng khiếu nại của ông bị bác. Ông tiếp tục khiếu nại lên ĐHQG TP.HCM. Tuy nhiên, khi chưa được giải quyết thì BGH trường ĐH KHTN đã ra quyết định nghỉ hưu và không kéo dài thời gian làm việc cho ông.

    ‘Ban đầu, tôi về trường và làm việc tại khoa Vật lý. Đến năm 1991, thành lập TSK, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc, hoàn toàn không có điều nào nói về việc tôi là giảng viên khoa Vật lý, kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc trung tâm TSK cả. Trong khi đó, họ vẫn vu cho tôi là người của khoa Vật lý nhưng kiêm nhiệm chức Giám đốc trung tâm TSK và kết luận rằng tôi không hoàn thành nhiệm vụ tại đơn vị là không đúng’, ông Dũng bức xúc kể lại.

    ‘Theo kết luận của trường, hơn 20 năm qua, tôi không làm được cái gì, không có đóng góp cho nhà trường. Văn bản của phòng Tổ chức - Hành chính dùng 25 chữ ‘không’ để đánh giá về tôi và dùng những chữ ‘không’ tuyệt đối chứ không phải là có đóng góp chưa đạt yêu cầu. Tôi hết sức bất ngờ và bức xúc trước những kết luận của trường. Tôi chấp nhận quyết định về hưu nhưng không thể phủ nhận hết những gì tôi đã làm và cống hiến như thế’, ông Dũng nói.

    Nhiều vấn đề rối rắm

    Để làm rõ thêm thông tin liên quan đến vụ kiện hi hữu trên, PV đã cố gắng liên lạc với các đơn vị liên quan và có trách nhiệm để mang đến cái nhìn đa chiều cho độc giả. Về phía trường ĐH KHTN, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Huyền – Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ cho biết ngắn gọn, hiện vụ việc đã được tòa thụ lý. Quan điểm của trường là không phát ngôn gì thêm những vấn đề liên quan đến vụ việc này. Bà Huyền cũng nhấn mạnh, đợi đến phiên tòa xét xử, mọi thông tin sẽ được rõ.

    Cũng thông tin với PV, một đại diện TAND quận 5 (TP.HCM) xác nhận, vào ngày 29/4, TAND quận 5 sẽ đưa vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín kể trên ra xét xử. Hiện, chủ tọa phiên tòa đã được TAND quận 5 phân công. Đây là một vụ kiện hi hữu, nhiều vấn đề rối rắm, chủ tọa phiên tòa sẽ nghe trình bày của các bên và đánh giá các chứng cứ mà các bên cung cấp để có cái nhìn khách quan, đúng đắn nhất về vụ án.

    Liên quan đến vụ việc trên, PV cũng đã tham vấn quan điểm pháp lý của luật sư Trần Đình Dũng (trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM, Hội Luật gia Việt Nam). Qua xem hồ sơ, luật sư Dũng chia sẻ: ‘Người nào có lời nói, văn bản không đúng sự thật mà gây thiệt hại đến uy tín, danh dự nhân phẩm của người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Nếu mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 122, BLHS’.

    Luật sư Dũng phân tích, thiệt hại đối với trường hợp bị xúc phạm, ngoài phần phải chứng minh thực tế thiệt hại, phần không cần chứng minh là thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được, mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (khoản 2, Điều 611, Bộ luật Dân sự 2005). ‘Hành vi xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm mang ý chí chủ quan, lỗi cố ý. Trong vụ việc này, tôi cho rằng, bị đơn phải thực hiện đính chính và bồi thường là cá nhân người ký văn bản, chứ bị đơn là tổ chức (trường ĐH KHTN) thì rất khó thuyết phục’, luật sư Dũng nhận định.

    “Tôi kiện vì danh dự!”
    Cũng trong cuộc trao đổi với PV, vị PGS. nguyên đơn cho biết, trung tâm TSK được thành lập không nhằm mục đích kiếm tiền cho trường, mà là phổ biến một môn khoa học mới vào xã hội, đó là phương pháp luận sáng tạo. Vì không nhằm mục đích kiếm tiền nên có lẽ lãnh đạo nhà trường mới cho rằng, nó hoạt động không hiệu quả. “Tôi khởi kiện trường ĐH KHTN không phải để trường tiếp tục giữ tôi lại công tác ở trường, vì hiện tại tôi đã chuyển sang công tác ở một đơn vị khác. Tôi kiện vì danh dự, uy tín của tôi bị xúc phạm và yêu cầu trường cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải xin lỗi tôi”, vị PGS tái khẳng định.


    HẠ HUYÊN – NAM UYÊN

    [mecloud]jEMg1WEW95[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-giao-su-kien-truong-dai-hoc-doi-boi-thuong-danh-du-1000-dong-a128396.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.