Hai ngày sau lệnh cấm, phố đường tàu tĩnh mịch đến bất ngờ. Con phố đông vui, náo nhiệt trước đó giờ đây vắng bóng người qua lại, nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Tuy nhiên, một số du khách vẫn tiếc nuối đứng trước barie chụp vào bên trong đường tàu.
Nhiều du khách vẫn tiếc nuối, cố níu kéo những khoảng khắc bên ngoài khu phố đường tàu. |
Hành lang đường sắt từ Khâm Thiên tới ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt và từ Điện Biên Phủ qua Trần Phú, dọc theo phố Phùng Hưng lên tới cầu Long Biên là những ngôi nhà cũ kĩ, lưu giữ một phần kí ức, một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa dân dã, giản dị rất riêng của Hà Nội. Cư dân thường gọi nơi đây bằng cái tên rất đỗi thân thương phố đường tàu.
Phố đường tàu là cách gọi chung của nhiều người dành cho những con phố có tuyến đường sắt chạy qua hiên nhà. Có lẽ đây là một trong những con phố đặc biệt nhất Hà Nội. Điều đặc biệt ở cảnh quan giữa lòng thành phố mà chẳng ồn ào, chẳng hoa lệ mà mang những nét yên tĩnh hoài cổ, nó còn đặc biệt bởi nhịp sống, bởi âm thanh còi tàu khi len lỏi qua phố.
Phố đường tàu xuyên qua phố cổ Hà Nội ngỡ chìm trong quên lãng thì một vài năm trở lại đây lại bỗng nhiền ồn ào, náo nhiệt như một hiện tượng trong giới trẻ và cả du khách quốc tế. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội tới thăm khu phố này, họ thích thú nhìn ngắm và chờ đợi những chuyến tàu qua…
Không gian nhỏ bé khu xóm đường tàu khiến du khách được hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ cũng như cảm nhận không gian cà phê một cách đặc biệt. Du khách không chỉ đến để thưởng thức cà phê, mà họ muốn trải nghiệm cảm giác hồi hộp và để lưu lại khoảnh khắc đoàn tàu chạy qua chỉ cách mặt khoảng 40cm.
Không chỉ thu hút khách nước ngoài, mà ngay cả các bạn trẻ, khách du lịch trong nước cũng coi đây là địa điểm chụp ảnh lí tưởng. Giữa một Hà Nội ồn ào, náo nhiệt đang phát triển mạnh với những công trình hiện đại, có một góc phố nhỏ mang nét yên bình và cổ xưa là điều khiến nhiều du khách thích thú, muốn lưu lại kỉ niệm tại đây.
Tại khu vực phố đường tàu luôn có lực lượng chức năng túc trực. |
Tuy nhiên, ngày 7/10, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký công văn gửi Cục Đường sắt Việt Nam, sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện yêu cầu kiểm tra, xử lí vi phạm trật tự an toàn giao đường sắt, bàn giao để phối hợp quản lí các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn thành phố.
Theo đó, giao các quận, huyện trên địa bàn thành phố có tuyến đường sắt đi qua phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lí vi phạm để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn, ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt và hoàn thành trước 12/10/2019.
Đến ngày 10/10, lực lượng chức năng của Công an TP.Hà Nội đã phong tỏa lối ra vào tại khu vực các quán cà phê gần hành lang đường sắt (từ phố Điện Biên Phủ tới ga Long Biên, quận Hoàn Kiếm). Các biển báo cấm đi lại, quay phim, chụp ảnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh đã được dựng lên.
Các tổ công tác gồm công an phường, bảo vệ dân phố sẽ tuần tra dọc xóm đường tàu, nếu phát hiện khách du lịch thì mời ra ngoài. Nhiều du khách đến đây đã tỏ ra thất vọng khi cà phê đường tàu bị dẹp.
Dù ngày hay đêm, lực lượng chức năng luôn luôn có mặt tại các chốt, nếu phát hiện có khách du lịch đi vào thì mời ra ngoài. |
Theo ghi nhận của PV báo Đời Sống & Pháp Luật, chiều 12/10,các biển báo cấm đi lại, quay phim, chụp ảnh bằng tiếng Việt và tiếng Anh vẫn được treo lên ngay đầu lối vào phố cà phê đường tàu. Phố đường tàu tại các điểm Trần Phú, Phùng Hưng, Điện Biên Phủ đều có barie bằng sắt chắn ngang đường.
Nhiều tốp du khách nước ngoài đến nhưng đành nuối tiếc, thất vọng ra về. Một số người thì đứng từ xa chụp hình, hoặc đứng trước barie chụp vào trong đường tàu.
Biển cấm vào bên trong khu phố đường bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. |
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều những du khách thắc mắc không được vào trong khu phố, sau khi nghe lực lượng chức năng giải thích, cấm nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ thì những vụ khách này đã vui vẻ rời đi tuy có phần hơi tiếc nuối.
Buổi tối, bên trong khu phố đường tàu, một số quán cà phê vẫn mở cửa nhưng không có khách, một số quán khác thì đóng cửa. Nếu vào dịp cuối tuần như thường lệ, con phố đường tàu vốn nhộp nhịp, náo nhiệt, kín người qua lại thì nay bỗng vắng bóng, im bặt.
Cảnh tượng xung quanh tĩnh mịch, chỉ còn ánh đèn hắt hiu hòa với tiếng gió rít đầu thu, cảm tưởng chẳng khác phố huyện không trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của nhà văn Thạch Lam.
Buổi tối tại phố đường tàu vắng bóng người, đìu hiu đến bất ngờ. |
Theo bà Loan, chủ một cửa hàng cà phê tại phố đường tàu cho hay: "Tôi đã ở đây từ năm 1961, ngày nào cũng có những chuyến tàu đi qua đây. Khách du lịch họ thấy tò mò, thích thú họ mới vào đấy để tìm hiểu. Bên cạnh đó, mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua, chúng tôi và tất cả những người sống quen nơi đây đền đôn đốc, nhắc nhở khách du lịch đứng nép sát vào tường quán để tránh xảy ra tai nạn.
Nếu vào những ngày cuối tuần như trước khi chưa có lệnh cấm, từ du khách trong nước đến nước ngoài ngồi kín chỗ. Thậm chí, có nhiều khách đến sau không có chỗ để ngồi, cả con phố lúc nào cũng đông đúc, náo nhiệt.
Tuy nhiên, kể từ ngày có lệnh cấm, cả con phố đìu hiu đến đáng sợ. Du khách không được vào tham quan, thỏa trí tò mò. Hàng quá mở ra cũng không có người vào, thậm chí có nhiều cửa hàng đã đóng cửa".
Anh Hưng, chủ một tiệm cà phê khác cho hay, anh thuê quán với giá 4 triệu đồng/tháng, quán rộng chưa đến 10m2 nhưng mang lại thu nhập khá ổn do lượng khách tập trung đông đúc. Tuy nhiên, kể từ sau khi có lệnh cấm, du khách không được di chuyển vào bên trong khu phố đường tàu đồng nghĩa với việc quán anh không có khách.
"Giờ chỉ còn cách chờ cơ quan chức năng tìm phương án giải quyết. Riêng bản thân tôi cũng không biết phải làm thế nào, mục đích mở quán là để phục vụ nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, hiện tại, du khách bị cấm vào khu vực đường tàu nên quán không có khách", anh Hưng nói.
Bên cạnh đó, anh Hưng cũng cho biết thêm, hàng ngày lực lượng chức năng luôn luôn có người túc trực chốt để ngăn cản du khách vào bên trong khu phố, còn người dân sinh sống trên con phố này thì không bị cấm túc, hàng ngày vẫn qua lại và sinh hoạt bình thường.
Quán nước vẫn mở cửa nhưng không có khách ghé qua. |
Liên quan đến việc phố đường tàu bị cấm, bạn Trương Thị Vân Anh (hiện đang là sinh viên đại học Luật Hà Nội) cho hay: "Mình thường xuyên đến khu phố này để nhâm nhi cà phê rồi ngắm cảnh đoàn tàu lướt qua với bạn bè. Tuy nhiên, những ngày gầy đây, cơ quan chức năng cấm du khách vào bên trong khu đường tàu, bản thân mình cũng có chút hụt hẫng nhưng khi được giải thích việc cấm nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho du khách trong nước và quốc tế thì mình hoàn toàn ủng hộ".
Anh Trần Xuân Nam, một nhiếp ảnh gia tại Hà Nội khi biết thông tin Hà Nội sẽ bị xóa sổ đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối, chính bản thân anh Nam đã có rất nhiều những bức ảnh nghệ thuật đến từ con phố cũ kỹ mà mới lung linh trở lại này.
Theo anh Nam, thay vì dẹp bỏ sao Hà Nội không mở rộng và quản lý chặt các hàng quán kinh doanh ở đây, vừa thu hút được khách du lịch, vừa đảm bảo được an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông. Đây là một hình thức hấp dẫn du khách vì nó mới lạ, hình ảnh khách du lịch khám phá đoạn đường tàu nếu ở các phương phát triển là hiếm, mà những thứ hiếm thì sẽ hút khách. Hà Nội đang rất thiếu các điểm đến, các loại hình kinh doanh du lịch như vậy nên được tạo điều kiện.
Phố đường tàu bị dẹp, người đồng tình, người phản đối, người tiếc nuối, người hoài nghi. Không gian khu phố nếu như chỉ mấy ngày trước tấp nập người qua lại thì nay đìu hiu đến lạ thường, vắng bóng người qua lại.
Một số hình ảnh phố đường tàu đìu hiu, tĩnh mịch đến bất ngờ:
Thủy Tiên