Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL): Xin bà cho biết những thành tựu đặc biệt của Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đóng góp vào sự phát triển của tỉnh trong những năm vừa qua?
Bà Nguyễn Thị Thuận: Những năm qua, cùng với cả nước, ngành Thuế Thái Nguyên triển khai nhiệm vụ công tác trong bối cảnh nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Vượt lên trên tất cả, năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý đạt 15.418 tỷ đồng, bằng 162% dự toán pháp lệnh, bằng 122% dự toán năm tỉnh giao và bằng 118% so với cùng kỳ năm trước; Loại trừ thu tiền sử dụng đất thu đạt 10.540 tỷ đồng, vượt dự toán năm do HĐND, UBND tỉnh giao.
Năm 2022, thu ngân sách đạt 15.912 tỷ đồng, bằng 126% dự toán pháp lệnh, bằng 102% dự toán năm tỉnh giao và bằng 103% so với cùng kỳ năm 2021. Loại trừ thu tiền sử dụng đất thu đạt gần 11.500 tỷ đồng, vượt dự toán năm được giao.
Cục Thuế Thái Nguyên cũng đẩy mạnh triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, nhờ đó hoàn thành công tác này trên địa bàn toàn tỉnh sớm hơn 2 tháng so với quy định (theo đúng cam kết của Bí thư Tỉnh ủy với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính). Tính đến nay toàn tỉnh đã có hơn 8.500 tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.
Với kết quả tích cực trong triển khai thực hiện, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên là 1 trong 29 Cục Thuế được Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế ban hành quyết định khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai hóa đơn điện tử.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai các giải pháp và đạt được nhiều dấu ấn quan trọng, tạo nên những điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, tại thời điểm đầu năm 2022, dù dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp nhưng nhiều chính sách thuế mới, các chính sách miễn giảm liên quan trực tiếp đến việc kê khai, nộp thuế được ban hành được Cục Thuế truyền tải kịp thời đến người nộp thuế.
ĐS&PL:Là một ngành quan trọng, ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư bên ngoài vào tỉnh, ngành Thuế đã có những đóng góp, tham mưu nào với lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên để đơn giản hóa, cũng như những chính sách gì để giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục?
Bà Nguyễn Thị Thuận: Góp phần vào mục tiêu chung thu hút doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh, Cục Thuế Thái Nguyên đã triển khai rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Cục Thuế tỉnh tập trung quyết liệt thực hiện cải cách hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Hàng năm, Cục Thuế Thái Nguyên cũng triển khai đồng bộ các chương trình giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế... thường xuyên kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính thuế để đề xuất thay đổi hoặc xóa bỏ những thủ tục không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Cục Thuế cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành thuế, hướng tới mục tiêu chung của ngành. Kết quả, Cục Thuế Thái Nguyên đã hoàn thành việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn toàn tỉnh sớm hơn 2 tháng so với quy định. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 8.500 tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.
ĐS&PL: Trong công tác đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, lãnh đạo Cục Thuế Thái Nguyên có những phương án gì để đẩy nhanh quá trình này (công tác ứng dụng Hóa đơn điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia...)?
Bà Nguyễn Thị Thuận: Với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ, cùng với cả nước, ngành Thuế Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, từng bước thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số. Qua đó, tạo thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Ngành Thuế Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Điển hình là triển khai thực hiện các dịch vụ thuế điện tử như: Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử... Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ khai thuế qua mạng đạt 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; tỉ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Cục Thuế thực hiện hoàn thuế điện tử đối với 100% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giao dịch thủ tục hành chính.
Đến nay có 100% số doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh trong tỉnh chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, Cục Thuế cũng triển khai công tác khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền và triển khai ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động. Cùng với việc tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh triển khai ứng dụng eTax Mobile. Đây là ứng dụng có nhiều ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích cho người nộp thuế và được coi là khâu rất quan trọng trong chuyển đổi số, là xu thế tất yếu nhằm xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch.
ĐS&PL: Xin cảm ơn bà!
Nhật Duy
Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật