+Aa-
    Zalo

    Phó Chủ tịch Thái Bình nói về vụ Đường "Nhuệ": Kiên quyết xử lý triệt để, không có vùng cấm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay, sau khi vụ án liên quan Đường "Nhuệ" được khởi tố điều tra, dư luận rất quan tâm.

    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho hay, sau khi vụ án liên quan Đường "Nhuệ" được khởi tố điều tra, dư luận rất quan tâm. Thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo 138 quốc gia và Bộ trưởng bộ Công an, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã kiên quyết xử lý triệt để, không có vùng cấm.

    Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) - Ảnh: Báo Chính phủ

    Sáng ngày 23/7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138 (phòng chống tội phạm) và 389 (phòng chống buôn lậu).

    Phát biểu tại điểm cầu Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 138 tỉnh Thái Bình cho biết, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm một số lĩnh vực gia tăng. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 125%, chống người thi hành công vụ tăng 50%.

    Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã có chuyển biến tích cực, đã điều tra khám phá 454 vụ, bắt 1.453 bị can...

    Nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm là Thái Bình điều tra xử lý vụ án Đường Nhuệ. Sau khi vụ án được khởi tố điều tra, dư luận rất quan tâm. Thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo 138 quốc gia (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình) và Bộ trưởng bộ Công an, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã kiên quyết xử lý triệt để, không có vùng cấm.

    Đến nay, vụ án Đường "Nhuệ" đã khởi tố 3 vụ án, 12 bị can và phục hồi điều tra 1 vụ án và 1 bị can. Đến hiện nay đã truy tố 3 vụ án, 12 bị can và đang điều tra 1 vụ án và 1 bị can. Hiện nay vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra.

    "Qua việc điều tra, xử lý vụ án Đường Nhuệ được dư luận đánh giá rất cao, niềm tin đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm được nâng cao", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nói.

    Ông Thận cũng kiến nghị, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát có tác dụng trong phát hiện tội phạm, đề nghị quan tâm bố trí kinh phí để lắp đặt hệ thống đồng bộ.

    Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng bộ Công an lưu ý, sau dịch Covid -19 cùng với các hoạt động kinh tế- xã hội trở lại bình thường thì tội phạm có xu hướng “bung” ra.

    Vì vậy, người đứng đầu bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, đại phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

    Trong đó, Đại tướng đặc biệt lưu ý đến vấn đề phòng ngừa tội phạm. Theo ông Tô Lâm, qua sơ kết 5 năm về công tác phòng ngừa tội phạm giết người thấy có đến 96% các vụ giết từ trật tự xã hội, mâu thuẫn bột phát; trên 80% tội phạm chưa có tiền án, tiền sự…

    “Nhiều vụ giết người nếu được phát hiện sớm, hoà giải kịp thời mâu thuẫn thì có lẽ không xảy ra những hậu quả đau lòng rất đáng tiếc như con giết mẹ, anh, em cha vào tù”, Đại tướng nói và đề nghị, các cấp quan tâm phát hiện, chủ động hoá giải các mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày ngay từ khi phát sinh không để tích tụ.

    Cũng theo Bộ trưởng, trước mắt, cần tập trung trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ các hoạt động kỷ niệm dịp Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp, Đại hội 13 của Đảng.

    7 nhiệm vụ lớn trong công tác phòng chống tội phạm và chống buôn lậu

    Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

    Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

    Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lên Trưởng BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia.

    Hai là, các bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực BCĐ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

    Ba là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

    Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, bản lĩnh, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

    Bốn là, thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, tín dụng đen, xã hội đen, tội phạm vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, sản xuất, kinh doanh hàng giả... cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

    Năm là, tiếp tục rà roát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng mạnh chế tài xử lý để răn đe, phòng ngừa vi phạm hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác. Mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

    Sáu là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44/TW-KL ngày 22/1/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

    Bảy là, các bộ, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các địa phương trọng điểm về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-chu-tich-thai-binh-noi-ve-vu-duong-nhue-kien-quyet-xu-ly-triet-de-khong-co-vung-cam-a331963.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan