+Aa-
    Zalo

    Phó chủ tịch huyện bị trôi xuống sông khi đi cứu hộ xe khách kẹt lũ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ca nô bị lật úp khi đi cứu hộ một xe khách bị kẹt lũ chết máy ngay dưới chân cầu sắt khiến ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân bị nước cuốn.

    (ĐSPL) - Ca nô bị lật úp khi đi cứu hộ một xe khách bị kẹt lũ chết máy ngay dưới chân cầu sắt khiến ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bị trôi xuống sông.

    Theo báo Trí thức trẻ, chiều tối 2/11, đội cứu hộ 4 người, trong đó có ông  Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hữu Từ đi ca nô tham gia ứng cứu một xe khách bị kẹt lũ, chết máy ngay dưới chân cầu sắt La Hai.

    Khi ca nô đi qua sông Kỳ Lộ dưới chân cầu sắt thì không may bị lật úp. Một số người bị trôi xuống sông, do có áo phao nên trôi tấp vào bụi tre cách đó 50m và được người dân cứu sống. Riêng ông ông Nguyễn Danh Tân (41 tuổi) chủ doanh nghiệp Danh Tân, ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân mất tích.

    Xe khách bị kẹt lũ ở địa bàn huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Ảnh: Trí thức trẻ.

    Báo VnExpress đưa tin, sau suốt 10 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ phát hiện ông Tân đu ngọn tre trên sông Kỳ Lộ, cơ thể tái nhợt.

    "Tôi bị nước cuốn rồi bám vào bụi tre với hy vọng có người nhìn thấy, may là mặc áo phao", người đàn ông nói khi được cứu.

    Đến sáng 3/11, tại huyện Đồng Xuân, nước lũ dâng cao, khiến 11 xã, thị trấn bị cô lập, nhiều tuyến đường ngập sâu. Các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Sơn cũng bị lũ cô lập. Một lãnh đạo huyện cho biết, có 2 người bị nước cuốn, mất tích trong lũ.

    Sáng cùng ngày, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ nằm trên sông Ba thuộc địa phận huyện Sơn Hòa bắt đầu xả lũ với lưu lượng 4.900m3/giây. Các nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak (thượng nguồn sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai), Krông Năng (giáp ranh giữa Phú Yên và Đăk Lăk) cũng đồng loạt xả lũ với lưu lượng trên 1.000m3/giây.

    Đến chiều 3/11, nhiều nhà dân đã ngập sâu trong nước. Bà con cố gắng khẩn trương di chuyển đồ đạc, tài sản lên cao.

    Người dân cố gắng di chuyển đồ đạc lên tầng cao, trong khi dự báo cơn lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn tiếp tục trong vài ngày tới. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Đài khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên dự báo trong 24 giờ tới, mực nước các sông tiếp tục dâng, đạt hoặc trên mức báo động 3 từ 2 - 3m. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lụt là cấp 1. 

    Do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với gió đông trên cao, nên trong 12h giờ qua từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, khu vực Gia Lai, Đăk Lăk đã có mưa to với lượng phổ biến 50 - 120mm, có nơi gần 200 như Sơn Hòa (Phú Yên), An Khê (Gia Lai), M Đrăk (Đăk Lăk).

    Cơ quan khí tượng cho biết, trong 2 ngày tới, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa to, tổng lượng phổ biến 50 - 100mm, riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 100 - 250mm, có nơi trên 250mm. Các tỉnh Tây Nguyên mưa phổ biến 100 - 150mm, có nơi trên 200mm.

    Lũ các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đăk Lăk tiếp tục lên, nhiều nơi lên trên báo động 3 - mức nguy hiểm nhất.

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    BẢO KHÁNH(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]WlXxF5jRg0[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-chu-tich-huyen-bi-troi-xuong-song-khi-di-cuu-ho-xe-khach-ket-lu-a169068.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.