(ĐSPL) - Gần đây, khi vụ thẩm mỹ viện Cát Tường phẫu thuật gây chết người rồi ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng vẫn còn xôn xao dư luận thì hàng loạt phim ảnh, kịch nói lấy chất liệu khá hi hữu từ cuộc sống này đem nhào nặn thành các tác phẩm. Tuy nhiên, sức hút từ thực tế có thật sự khiến các bộ phim thành công như mong muốn?
Đua nhau lấy ý tưởng từ thực tế?
Lâu nay, chuyện các bộ phim lấy ý tưởng từ thực tế đời sống chẳng có gì lạ lùng. Bởi thế, người ta mới có câu: Phim là đời. Tuy nhiên, khi bộ phim Mất xác của đạo diễn Đỗ Thành An được ra đời lại xôn xao dư luận một cách lạ thường, trước đó, vị đạo diễn này đã gây "choáng" dư luận khi phát biểu rằng nếu bị đạo ý tưởng phim thì sẵn sàng kiện đạo diễn Victor Vũ tới cùng. Sở dĩ, vị đạo diễn này tuyên bố kiện vì trước đó có bộ phim được cho là có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên khi cùng lấy ý tưởng từ bối cảnh xã hội là vụ án của thẩm mỹ viện Cát Tường. Trong khi Victor Vũ làm phim Hào quang trở lại cũng với ý tưởng liên quan đến vụ án thẫm mỹ viện Cát Tường, thì Đỗ Thành An lại miên man với Mất xác.
Thế nhưng, tuyên bố kiện của Đỗ Thành An không thể diễn ra, bởi trong ngày ra mắt báo chí 14/8, và ngày công chiếu 15-16/8, bộ phim thất bại một cách ê chề, bởi Mất xác được coi là bộ phim quá kém. Bộ phim cũng được coi là sự lấy ý tưởng từ thực tế nhưng lại không mang lại hiệu ứng tốt nhất cho bộ phim. Ngay từ đầu, nhiều người xem chú ý tới chi tiết trên poster phim kiểu như: "Không vớt được xác, không thể kết tội giết người", khiến nhiều người liên tưởng đến cái chết tức tưởi của chị Lê Thị Thanh Huyền trong vụ bị thẩm mỹ viện Cát Tường phẫu thuật gây tử vong.
Tuy nhiên, Mất xác lại đưa người xem đi đến nhiều cung bậc khác nhau mà khán giả không thể chấp nhận được, bởi phim mang yếu tố tâm lý- kinh dị, nhưng không thể sợ một cách trọn vẹn. Từ đầu đến cuối bộ phim khá nhạt nhòa, chưa diễn tả được những điều đạo diễn muốn nói đến. Bộ phim xoay quanh chuyện cái chết của một vị bác sỹ nhưng lại thích đi "chơi gái". Hàng loạt các cảnh quay trong phim miêu tả sống động chuyện bác sỹ này "gặp gỡ" với các cô gái từ trên cạn, đến dưới nước, và lên thuyền... khiến nhiều người tỏ ra bối rối, vì lấy đề tài từ vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường nhưng phim lại lợi dụng nhiều cảnh nóng để câu khách.
Dù mượn ý tưởng từ vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, nhưng thật ra câu chuyện lại diễn biến theo một hướng khác. Mất xác lấy cuộc đời của người mẹ tên ý Linh, một cô gái làm nghề buôn bán, do phải lòng bác sỹ Sinh, một người đàn ông gian trá nhưng giàu có. Cuộc đời cô gái này đi từ bi thương này đến bi thương khác, khi cô vừa bị người yêu phản bội đã bị dì ghẻ ép đi làm gái. Từ đó, cuộc đời cô chìm vào bóng tối. Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi con gái của ý Linh yêu con trai của bác sỹ Sinh. Tuy nhiên, ngay ở mở đầu phim, hai mẹ con của ý Linh lại bị tình nghi khi xảy ra cái chết của bác sỹ Sinh.
Những tưởng bộ phim liên quan đến vụ thẩm mỹ Cát Tường, song nó lại được lèo lái qua một hướng khác. Dù phim mang yếu tố kinh dị, nhưng không có cái chết, hoặc sự ma mị nào ở đây. Sau khi nhận ra những lỗi lầm của mình, ông Sinh tự tử nhảy xuống sông, nhưng may mắn được cứu sống. Thế nên, nhiều người thấy buồn cười, dù phim với tên Mất xác nhưng không có cái xác nào bị mất. Và dù gắn với mác kinh dị, nhưng nó lại khiến nhiều người xem bị "đắng lòng" liên tục.
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của ý Linh. |
Chiêu hút khách rẻ tiền?
Mất xác khiến nhiều người thực sự thấy bực mình, bởi lẽ, nếu bộ phim không cố tình dùng những ồn ào để PR phim, thì có lẽ, nó không đáng để giận đến thế. Từ chuyện đạo diễn sẽ kiện đến cùng nếu thấy phim mình bị đạo ý tưởng, cho đến việc những tình tiết chắp vá khiến nó giống vụ án mạng trong thẩm mỹ viện Cát Tường rồi từ đó có những PR, quảng cáo khá lệch lạc với những gì mà phim đã kể cho khán giả xem. "Dùng vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường để thu hút khán giả, lấy những thương tâm, đau lòng của những người nhà nạn nhân lên phim, nhưng phim lại khiến khán giả nóng mắt bởi hàng loạt các cảnh nóng nhức mắt thì đó là một việc làm gây ra nhiều phản cảm", nhà biên kịch Linh Giang chia sẻ.
Rõ ràng, yếu tố kinh dị, kèm theo khoảng chọc cười vô duyên mà phim tạo ra khiến khán giả không mấy thiện cảm. Đó là chưa kể đến dù bộ phim gắn mác kinh dị, nhưng đến những cảnh tâm lý thì bỏ nhạc hình sự vào, rồi những cảnh hài thì cho nhạc quê hương vào làm chất xúc tác khiến cảm xúc phim bị “đơ” một cách kỳ dị. Theo tiết lộ, ban đầu bộ phim có tên Phận, nhưng sợ khi trình chiếu bị đọc lệch thành tên khác nên được đổi tên thành Mất xác, một mặt để vừa ăn theo sự chấn động của vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, mặt khác để tạo ra tính kinh dị ngay từ những phút đầu. Tuy nhiên, chính vì những chắp vá kiểu này phim đã khiến cho nhiều người ngỡ ngàng vì sự kém của nó.
Xem phim, nhiều người đặt ra vấn đề, giá như phim xoay quanh nỗi đau, xoáy vào bất hạnh của một gia đình không tìm thấy xác của con, thì có lẽ nó sẽ tạo ra được những phản hồi tích cực hơn. Tuy nhiên, sự rẽ ra một con đường khác khiến phim không còn tạo ra được những nét đặc biệt cho mình. Diễn viên Thanh Lâm chia sẻ: "Phim thường lấy các hiện tượng xã hội để đưa lên phim nhằm khiến khán giả hiểu rõ thêm vấn đề, nếu thấy sai thì tránh, nếu đúng thì đi theo. Phim cũng dựa trên những yếu tố xã hội như luật nhân quả, điều thiện điều ác để diễn giải rõ. Từ những chuyện buôn bán thận được đưa lên phim, hay chuyện lấy chồng xuất ngoại, chuyện đẻ thuê... được diễn tả khá chi tiết trên phim. Đó là những thực tế sinh động khiến bộ phim gần gũi với đời thường hơn. Tuy nhiên, lấy các chi tiết từ thực tế cuộc sống không phải là yếu tố để tạo nên thành công cho bộ phim, nó đòi hỏi yếu tố từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên...".
Ngày nay, nhiều bộ phim gây thất vọng cho khán giả vì được quảng cáo rầm rộ, nhưng nội dung phim thì khá tệ. Chia sẻ về vấn đề này, NSưT Bích Đào cho biết: "Hiện nay, khán giả bị lầm bởi những chiêu trò gây thu hút trong những ngày phim sắp chiếu, nhưng nội dung thì không được như mong muốn. Với cách làm phim chỉ chú trọng đến quảng cáo, PR phim nhưng không chú trọng đến nội dung dễ làm cho nền điện ảnh Việt lắm chiêu trò nhưng lại tụt hậu về chất lượng".
Hiện nay, công nghệ PR vào những ngày sắp chiếu khá rầm rộ, đã khiến cho các bộ phim đạt tới ngưỡng hoàn mỹ khi tạo ra những scandal, những ý kiến trái chiều, kèm theo các sự kiện nóng của xã hội. Tuy nhiên, những điều này không phải là yếu tố tạo nên sự thành công của bộ phim. Khán giả mất tiền để mua vé vào xem phim và họ cũng cần những chất lượng đã được cho biết trước. Nếu liên tục cho khán giả ăn những quả hụt thì chắc chắn sự bỏ đi là ngày không còn xa. Thế mới biết, bằng công nghệ PR hay “ăn theo” những vụ án rầm rộ, thực sự chỉ là một chiêu trò gây ra phản cảm.
Chỉ là công cụ miêu tả sex, gái bán thân... "Nếu phim lấy lòng tin của khán giả bằng việc phê phán những mặt tối của xã hội để cảnh báo con người, thì chắc chắn bộ phim ấy sẽ được ủng hộ. Tuy nhiên, nếu dùng những vụ án nóng của xã hội chỉ để làm công cụ miêu tả sex, gái bán thân... làm mục đích câu khách thì rõ ràng những người làm phim đang tự hạ thấp mình trước khi trình chiếu bộ phim cho công chúng xem", NSưT Bích Đào nhấn mạnh. |