Dù thắng hay bại, các nhà sản xuất phim điện ảnh phía Nam liên tục cho ra mắt phim mới đã tạo nên sự sôi động cho thị trường điện ảnh. Trong khi đó, thị trường điện ảnh phía Bắc lại ảm đạm, mỗi năm chỉ sản xuất được một vài phim. Tại các rạp trên cả nước, phim nước ngoài hoành hành. Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời qua cuộc trò chuyện với đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn. |
Miễn sao khán giả chấp nhận
- Năm 2016, Việt Nam sản xuất hơn 40 phim điện ảnh. Các nhà sản xuất phía Bắc đóng góp: Người trở về, Cuộc đời của Yến... Năm 2017, Việt Nam sản xuất khoảng 50 phim. Các hãng phim phía Bắc chỉ có: Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Lời nguyền gia tộc (đạo diễn Vương Thái Huyền) và dự án đã công bố Thành phố ngủ gật cũng của đạo diễn Lương Đình Dũng. Số còn lại do các hãng phim phía Nam sản xuất. Là người từng vào Nam ra Bắc làm phim, theo ông nguyên nhân là vì sao?
Chắc Nhà nước thấy không hiệu quả nên không đầu tư nữa. Còn các nhà đầu tư tư nhân cũng không mặn mà khi đầu tư vào điện ảnh.
- Có một thực tế là lâu nay các phim sản xuất ở phía Bắc khi chiếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam rất vắng khán giả. Ông nghĩ sao về thực tế này?
Một thực tế u ám. Thi thoảng có vài tia sáng, như Đập cánh giữa không trung hay Cha cõng con, nhưng đơn lẻ quá.
- Lâu nay trong giới điện ảnh thường lan truyền, các nhà làm phim phía Bắc thích làm phim nghệ thuật còn các nhà làm phim phía Nam làm phim thị trường. Liệu có phải các nhà làm phim phía Bắc “bảo thủ” hơn so với các nhà làm phim phía Nam khi chỉ làm đề tài “mình thích” hoặc chỉ làm các phim tạo nên nền điện ảnh mà không nghĩ đến khán giả? Vì thế, nhiều phim làm ra chỉ chiếu vài buổi rồi cất vào kho và chỉ để dự các liên hoan trong nước và quốc tế?
Cuộc sống điện ảnh không đơn thuần được quyết định bởi người sáng tác (biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên...) và người hưởng thụ (khán giả) như chúng ta vẫn nghĩ. Thực tế cho thấy có bốn thành phần chính tham gia vào một bộ phim gồm: Nhà sản xuất (và nhà đầu tư), đội ngũ sáng tác, nhà phát hành và khán giả.
Các nhà sản xuất có vai trò rất quan trọng. Chính họ quyết định khuynh hướng sáng tác, thể loại phim, tiêu chí, giá thành và phân khúc khán giả. Ở phía Bắc hầu như chỉ có các hãng phim Nhà nước là hãng Phim truyện Việt Nam và hãng Phim truyện 1. Khi các dự án phim do Nhà nước đầu tư, thì Nhà nước cũng đưa ra yêu cầu phim phải nhằm mục đích tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, quảng bá văn hóa, con người Việt Nam. 70 năm qua đã như vậy, nên muốn thay đổi cũng không dễ.
Hãng Phim truyện Việt Nam. |
Trong khi đó, các nhà sản xuất ở phía Nam không phụ thuộc vào Nhà nước. Đầu tư vào điện ảnh là kinh doanh, không phải để chơi, vì thế để bảo tồn đồng vốn thì phim đó phải có lãi. Vì nhất thiết phải có lãi để tồn tại và phát triển đã khiến các nhà sản xuất phía Nam rất nhanh nhạy và linh hoạt, họ dự đoán khán giả thích gì là chiều theo. Điều đó cũng buộc những người sáng tác phải vận động tích cực, học hỏi nước ngoài, thay đổi phong cách để lôi cuốn, thu hút khán giả đến rạp. Họ liên tục thông tin bằng nhiều cách để tạo sự chú ý, gây tò mò cho khán giả từ khi phim còn là dự án, trong lúc đang quay và khi phim hoàn thành. Điều đó giúp các nhà sản xuất có được thuận lợi khi phim ra rạp.
- Trong suy nghĩ của không ít nhà làm phim phía Bắc, họ khó chấp nhận kiểu phim thị trường ở phía Nam dù phim mang lại khoản thu lớn để tái đầu tư làm dự án phim mới. Ông nghĩ sao về kiểu làm phim ở phía Bắc và phía Nam?
Người ta dùng nhiều cụm từ so sánh như: Phim tuyên truyền -phim thương mại, phim Nhà nước - phim tư nhân, phim nghệ thuật - phim giải trí. Tôi nghĩ kiểu nào cũng được, miễn sao khán giả chấp nhận, khán giả thích thú là được.
Nhưng, “khán giả” là một khái niệm rộng lớn và phức tạp. Lấy tiêu chí nào để đo khán giả? Một bộ phim có 1 triệu lượt vé là thành công rực rỡ. Nhưng, giá trị nhân văn thường bền vững chứ giá trị giải trí thay đổi nhanh lắm. Rồi 5, 10 năm nữa ai xem phim này? Phim có đủ tầm để chiếu ra nước ngoài, để tự hào về văn hóa và con người Việt Nam? Đất nước có 90 triệu dân mà chỉ 1 triệu người xem thì đã gọi là nhiều chưa? Làm thế nào để 89 triệu người kia có cơ hội? 100.000 đồng/vé với dân thành phố là bình thường, nhưng có cách gì để 20.000 đồng cũng xem được phim?
Phim Việt đang bị đẩy từ từ ra khỏi rạp
- Có thể khẳng định, trong nhiều năm qua, hãng Phim truyện Việt Nam và hãng Phim truyện 1 là hai trụ cột của điện ảnh phía Bắc. Và mới đây, cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam gây tâm tư cho các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh và dư luận xã hội. Cá nhân ông suy nghĩ thế nào về việc cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam?
Sự tồn tại sau cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước luôn là câu hỏi và cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam cũng không ngoại lệ.
- Theo ông, làm gì để cứu vãn điện ảnh phía Bắc?
Tôi chỉ là người làm phim, lo “cứu vãn” phim của mình đã khó, nên làm sao nói được chuyện vĩ mô. Nhưng, dẫu vậy vẫn muốn góp một câu: “Cứu vãn” bằng cách cổ phần hóa vội vàng, gửi gắm hãng phim cho “nhà sản xuất” không biết gì về điện ảnh như kiểu ở hãng Phim truyện Việt Nam là sai.
- Nhiều người trong giới điện ảnh dự báo, tương lai phim truyện điện ảnh phía Bắc tiếp tục ảm đạm, có thể sẽ là con số 0. Là người cả đời gắn bó với điện ảnh, ông nhận định thế nào khi phim nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt Nam?
Gọi là số 0 không hoàn toàn đúng. Nhiều người làm phim phía Bắc có tay nghề giỏi. Không có cơ hội làm phim chiếu rạp họ chuyển sang làm phim truyền hình. Một số tự vận động tìm nguồn tài trợ nước ngoài, làm ra những bộ phim (gọi là phim độc lập) có tính nghệ thuật cao, không tuyên truyền khô cứng và không chiều theo khán giả bằng mọi giá. Tôi nghĩ, nhà nước nên quan tâm đến bộ phận này.
Còn việc phim nước ngoài đang chiếm thị phần rất lớn có thể nói là một cuộc xâm lăng ngọt ngào. Phim ngoại nhập về ồ ạt không hạn mức. Các rạp chiếu hiện đại phần lớn do các công ty nước ngoài kiểm soát. Phim Việt, dù các nhà sản xuất phía Nam đã rất linh hoạt, nhưng đang bị đẩy ra khỏi rạp. Đẩy từ từ, thua thiệt mà không biết kêu ai.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Ngọc Tiến
Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 43