Từ sau thành công của Người phán xử và Về nhà đi con, phim truyền hình Việt Nam tạo được tiếng vang sau nhiều năm, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với khán giả yêu phim. Nhiều bộ phim lần lượt ra đời để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Tuy nhiên, quá trình sản xuất ồ ạt dẫn đến việc khó kiểm soát được hết các “sạn” trong phim. Dù tác phẩm đó có hay đến mấy nhưng mỗi khi phải “nhặt sạn”, người xem ít nhiều mất thiện cảm với ê-kíp lẫn bộ phim mình đang theo dõi.
Từ những “hạt sạn”...
Trở lại sau 4 năm vắng bóng, bộ phim Biệt dược đen thuộc series Cảnh sát hình sự của VTV đã có sự chuẩn bị từ rất lâu và được đầu tư nghiêm túc, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu, quen mặt với khán giả. Bộ phim được dự đoán sẽ tạo nên “cơn sốt” trên màn ảnh nhỏ, tuy nhiên, thực tế lại không thành công như mong đợi.
Cái chết của Vương (Tuấn Anh) - thủ lĩnh Cityboy - nhóm các công tử tiểu thư ăn chơi hư hỏng đã hé lộ những điều bí ẩn xung quanh nhóm này, đồng thời liên quan đến tội phạm ma túy cùng các nhân vật có máu mặt trong thành phố. Từ đó mở ra cuộc đấu trí giữa đội cảnh sát hình sự và những tên tội phạm xảo quyệt.
Sau 12 tập phim, Biệt dược đen nhận về không ít ý kiến trái chiều từ khán giả. Bên cạnh những tình tiết kéo dài lê thê không cần thiết, diễn xuất của dàn diễn viên chính cũng không được đánh giá cao. Bảo Anh không tạo được sự đột phá mới lạ nào khi diễn vai quen thuộc, trong khi các diễn viên đều lần đầu nhận vai công an như Huỳnh Anh, Hoàng Long,.. hoàn toàn bị lu mờ so với bộ tứ phản diện gồm Tuấn Anh, Bình An, Hoàng Anh Vũ và đặc biệt là Đỗ Duy Nam.
Nhân vật gây ra nhiều tranh cãi nhất là điều tra viên Dương do Lương Thanh thủ vai. Phân cảnh Dương thương xót khi phát hiện hung thủ là Phượng (Huyền Trang) đã nhận về nhiều chỉ trích. Dù nhận định Phượng là thủ phạm giết Vương từ trước nhưng khi xác định Phượng đúng là hung thủ thì Dương lại không kìm được cảm xúc, thấy Phượng là người đáng thương. Điều đáng nói, Phượng không phải người thân của Dương, cũng không có yếu tố nào khiến người xem thương xót như phản ứng của Dương. Thậm chí, Dương còn có ý định bao che, không báo cáo về manh mối mình tìm được. Đây là “sạn” lớn khi xây dựng kịch bản phim Biệt dược đen.
Khán giả chê Dương đã có phản ứng quá lố, đồng thời cho rằng, với cương vị một cảnh sát, Dương cần phải “công tư phân minh”, đưa ra phán đoán chính xác để sớm bắt được tội phạm. Sự lơ đễnh, thiếu lý trí là điều cấm kỵ với một cảnh sát.
Trước những tranh cãi liên quan đến Biệt dược đen, đạo diễn Nguyễn Khải Anh - Phó giám đốc Trung tâm Phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) - khẳng định bộ phim được đầu tư từ nội dung đến kịch bản phim để hướng tới chất lượng tốt nhất. Anh cũng tiết lộ thời gian để xây dựng kịch bản phim Biệt dược đen lên đến hai năm và trải qua nhiều thay đổi. Những thay đổi này không phải để gây sốc, câu kéo khán giả mà là kết quả của nhiều lần họp bàn, thống nhất của đội ngũ làm phim.
… đến sự thiếu chuyên nghiệp của ê-kíp sản xuất phim
Những năm gần đây, nhiều phim truyền hình đã khai thác những câu chuyện về các nghề nghiệp đặc thù như một yếu tố giúp tăng sức hấp dẫn đối với khán giả, Hầu hết những bộ phim khai thác sâu các yếu tố nghề nghiệp đều có chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn. Tuy nhiên, không ít bộ phim làm không tới, để lộ nhiều thiếu sót khiến khán giả ngán ngẩm. Và Lương Thanh không phải trường hợp đầu tiên trong phim giờ vàng gây tranh cãi khi xây dựng hình tượng nhân vật làm các công việc đặc thù.
Trước đó, bộ phim Hành trình công lý cũng mắc lỗi tương tự khi xây dựng tính cách nhân vật luật sư Phương (Hồng Diễm). Những tình tiết như nữ luật sư Phương “dúi tiền” vào tay lễ tân để khai thác thông tin gây tranh cãi dữ dội. Hay trong vụ tranh chấp tài sản, thay vì đứng về phía thân chủ theo nguyên tắc của một luật sư thì Phương lại làm theo cảm xúc và hợp tác với bên còn lại của vụ tranh chấp, phản bội thân chủ của mình trước toà. Giới luật sư cho rằng biên kịch của phim quá hời hợt khi tìm hiểu về nghề luật sư.
Trong khi đó, Lửa Ấm là bộ phim hiếm hoi phản ánh chân thực sự vất vả, nguy hiểm trong công việc của các chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy, đồng thời khắc họa công việc của những người làm nghề y. Tuy nhiên càng về sau, bộ phim càng đi vào lối mòn, quá tập trung vào mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu và người thứ ba làm sai lệch đi thông điệp bộ phim muốn truyền tải. Không chỉ vậy, bộ phim còn có những “hạt sạn” không đáng có về kiến thức lây nhiễm HIV, hoàn toàn sai lệch về chuyên môn.
Có thể nói, phim về đề tài ngành nghề luôn là mảnh đất nhiều tiềm năng để các nhà làm phim khai thác. Tuy nhiên, đây cũng là lãnh địa “khó nhằn”, dễ bị khán giả “soi”. Rất nhiều bộ phim đã bị chê giả, nhạt nhẽo, chưa phản ánh đúng về nghề.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng một số biên kịch, đôi khi cả đạo diễn còn yếu ở khâu tìm hiểu thực tế đời sống, chưa đủ am hiểu về tâm lý xã hội khiến kịch bản phim viết ra còn thiếu logic.
Phim về ngành nghề đặc thù như công an, bộ đội, luật sư, bác sĩ... vốn hiếm trên màn ảnh Việt, vì vậy khi lên sóng khán giả thường đặt nhiều kỳ vọng vào những nhân vật này. Nhu cầu khán giả ngày càng cao, thị trường nhiều sự lựa chọn của các phim nước ngoài, nhà sản xuất phim truyện Việt Nam thật sự cần thay đổi.
Như Quỳnh (T/h)