+Aa-
    Zalo

    Phim Người phán xử có thực sự làm tăng tội phạm, băng nhóm xã hội đen?

    (ĐS&PL) - Theo chuyên gia tội phạm học, vệc đánh giá tác động của một bộ phim cụ thể nào đó đối với xã hội, là điều khó khăn và khá khiên cưỡng.

    Ngày 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên họp này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

    Đáng chú ý, Thiếu tướng Lê Tấn Tới thẳng thắn đưa ra nhận định: "Điển hình, sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?".

    Ngay sau đó, nhiều cuộc tranh luận luận đã xảy ra, xoay quanh ý kiến trên. Nhiều người cho rằng, việc chỉ đích danh phim Người phán xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen có phần chủ quan và hơi thiên cưỡng. Nhưng nhiều quan điểm cũng cho rằng, bộ phim Người phán xử cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phần người xem, nhất là thanh thiếu niên.

    phim nguoi phan xu co thuc su lam tang toi pham bang nhom xa hoi den
    Bộ phim Người phán xử.

    “Phim đã được qua nhiều khâu kiểm định gắt gao”

    Nghệ sĩ Thanh Hương – vai Phan Hương trong Người phán xử cho rằng, bộ phim Người phán xử đã được hậu kiểm rất kĩ, qua nhiều khâu duyệt gắt gao để phù hợp với văn hóa Việt.

    "Tôi tham gia một vai rất nhỏ trong bộ phim Người phán xử, sau khi vai diễn của tôi được khán giả biết đến, đa phần tôi sẽ lắng nghe của khán giả về nhân vật của mình nhiều hơn. Sau khi phim phát sóng và tôi có đọc bình luận của khán giả, mọi người hầu như đều rất thích và dành nhiều lời khen cho vai diễn Phan Hương cũng như cho cả bộ phim. Tôi cũng chưa nghe được thông tin tiêu cực hay yếu tố xã hội đen nào liên quan đến phim cả”, nghệ sĩ Thanh Hương chia sẻ.

    Cũng theo Thanh Hương, vai diễn Phan Hương trong bộ phim Người phán xử đã giúp ghi dấu ấn trong sự nghiệp giành được giải Cánh diều vàng. Do vậy, rõ ràng bộ phai cũng đạt được sự yêu quý tích cực của khán giả cũng như hội đồng bình chọn.

    “Phim Người phán xử được phát sóng trên VTV thì cũng đã được qua nhiều khâu kiểm định gắt gao. Tôi biết được rằng để một bộ phim được phát sóng thì việc gửi hình ảnh lên nhà đài không hề đơn giản, sẽ là rất nhiều vấn đề về hình ảnh, câu thoại, thậm chí có rất nhiều phân đoạn chúng tôi diễn về mặt nghệ thuật rất hay nhưng có những câu thoại chưa được chừng mực hoặc có điều tế nhị thì chúng tôi đều cắt hết. Do đó, tôi nghĩ rằng phim đang được đảm bảo được về chất lượng và chuyên môn", nghệ sĩ Thanh Hương nhấn mạnh.

    phim nguoi phan xu co thuc su lam tang toi pham bang nhom xa hoi den
    Diễn viên Thanh Hương trong phim Người phán xử.

    “Sự nhìn nhận phiến diện, cực tả, có thể thủ tiêu sự sáng tạo”

    Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho rằng, tác động tiêu cực từ phim ảnh bạo lực, đồi trụy đến quá trình hình thành các đặc điểm tâm lý tiêu cực của con người đã được chứng minh là có thật, nhất là với người trẻ đang trong quá trình định hình nhân cách.  Nguyên nhân sâu xa của mọi tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, đều bắt nguồn từ sự xuống cấp về văn hoá, băng hoại đạo đức xã hội.

    “Các hành vi ứng xử lệch chuẩn, bạo lực, lối sống vị kỷ, bất tuân luật pháp, vi phạm đạo đức và các chuẩn mực của đời sống chung… của nhân vật trên phim ảnh, có thể lây nhiễm sang những khán giả chưa hoàn thiện về nhận thức, non kém về trình độ thẩm mỹ, thị hiếu văn hoá, khả năng “đề kháng” với các hiện tượng tiêu cực trong đời sống còn giới hạn. Bởi vì khi mến mộ, thần tượng một vai diễn nào đó, người xem có xu hướng bắt chước, làm theo cách nghĩ, cử chỉ, hành động trên phim của họ.

    Nếu nội dung phim quá bạo lực, phản ánh quá đậm đặc đời sống trong thế giới ngầm, với những ứng xử vô nhân tính, vô tình tạo ra những khuôn mẫu ứng xử cho số khán giả nói trên.

    Do đó, Trung tá Đào Trung Hiếu thấy việc đề xuất cơ chế tiền kiểm, hậu kiểm đối với các ấn phẩm điện ảnh, nhất là phim truyền hình chiếu rộng rãi cho quảng đại quần chúng xem là có căn cứ. Các bộ phim có nhiều cảnh bạo lực hoặc nhạy cảm… cần yêu cầu tiết chế, điều chỉnh, cắt bỏ”, Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.

    Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ, việc đánh giá tác động của một bộ phim cụ thể nào đó đối với xã hội, là điều khó khăn và khá khiên cưỡng. Để có tính thuyết phục, cần phải triển khai một số nghiên cứu khoa học, chẳng hạn như tổ chức điều tra xã hội học với nhiều nhóm xã hội, để ghi nhận các ý kiến đánh giá tác động của bộ phim đó với xã hội theo quan điểm của người được hỏi. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điển hình với các vụ phạm tội đã xảy ra, để xem có sự liên hệ nào đó giữa hành vi vi phạm pháp luật với ảnh hưởng của bộ phim đó hay không.

    “Trong lúc nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền văn hoá lành mạnh, loại trừ các yếu tố tiêu cực có thể gây ảnh hưởng trong cộng đồng, rất cần sự khách quan, công tâm và dựa trên các tiêu chí cụ thể khi đánh giá một tác phẩm nào đó. Vì mọi sự nhìn nhận phiến diện, cực tả, có thể thủ tiêu sự sáng tạo. Hậu quả là sẽ không còn những tác phẩm mang hơi thở của đời sống, phản ánh các vấn đề nổi cộm để cảnh báo cộng đồng, đấu tranh phê phán cái xấu…”, Trung tá Đào Trung Hiếu thông tin.

    Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cũng cho rằng, thiên chức của nhà văn hay biên kịch, đạo diễn phim là thư ký của thời đại. Trách nhiệm của họ là phản ánh trong tác phẩm văn học hay điện ảnh những thứ đang diễn ra ngoài xã hội, dự báo, cảnh báo tương lai.

    “Nếu ngòi bút không được tả chân những chuyện có tính thời sự của đời sống, sẽ không thuyết phục được ai. Chẳng hạn như việc mô tả một cuộc chiến đấu chính - tà nào đó, mà cái “tà” không được gọi tên tương đối đến nơi, đến chốn như vốn dĩ, thì sẽ không ai tin. Khi đó, việc ấn phẩm bị khán giả quay lưng là điều dễ hiểu. Khán giả hiện nay có quá nhiều sự lựa chọn, nếu phim Việt không kể được về các vấn đề thời sự, họ sẽ xem phim nước ngoài, vì trình độ điện ảnh của các quốc gia đó ở một đẳng cấp hơn hẳn. Hậu quả là điện ảnh Việt sẽ thua ngay trên sân nhà”, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

    Thảo - Ngân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phim-nguoi-phan-xu-co-thuc-su-lam-tang-toi-pham-bang-nhom-xa-hoi-den-a513310.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan