Bộ phim trên sóng giờ vàng Đừng nói khi yêu do Bùi Tiến Huy làm đạo diễn, tuy nhiên dù lên sóng quá nửa chặng đường, bộ phim liên tục nhận nhiều lời chê bai. Trước đó, dàn nhân vật nữ trong phim nhận về nhiều "gạch đá" vì tính cách có chiều hướng phi lý, độc hại. Lần này, nhân vật Tú trong phim cũng khiến khán giả xôn xao.
Cụ thể, nhà sản xuất mong muốn khắc họa Tú là một thanh niên đầy hoài bão và luôn cố gắng thực hiện ước mơ. Tuy nhiên, qua hơn nửa bộ phim, khán giả chỉ thấy Tú trẻ con, lông bông, dựa dẫm vào người khác.
Nhưng đáng nói hơn cả, nhân vật Tú còn có tính cách thích đổ lỗi cho người khác. Khi phòng tập phá sản, thay vì nhìn lại lỗi lầm trong cách quản lý và vận hành Tú lại đổ tại Quy. Hơn nữa, Tú còn đổ lỗi cho bố vì luôn trách mắng, áp đặt khiến anh trở nên kém cỏi, thất bại.
Việc xây dựng hình tượng nhân vật như vậy đã khiến cho khán giả có một cái nhìn không thiện cảm đối với Đình Tú.
"Tú đúng ăn hại"
"Ghét nhất đến đoạn Tú xuất hiện"
"Tính cách của Tú khó thành công được"
"Tú và Ly đúng là một đôi bạn thân", một số bình luận về nhân vật Tú trên một số diễn đàn bình luận phim.
Có thể nói, diễn xuất của Đình Tú trong phim chưa thực sự thuyết phục. Khán giả không nhận thấy sự khác biệt của Đình Tú qua từng vai diễn. Trước vai Tú trong Đừng nói khi yêu, Đình Tú liên tục phủ sóng giờ vàng với vai diễn ngô nghê, thiếu trưởng thành.
Được biết, trước đây trong Hướng dương ngược nắng, Đình Tú vào vai Trí - em trai sinh đôi của Minh (Lương Thu Trang). Tại đây, Trí lười nhác và sống ỷ lại, không những thế còn ngu ngơ, thiếu chín chắn của một cậu trai trẻ được chiều chuộng từ bé.
Với lối diễn xuất của Đình Tú ở hiện tại, khán giả mong đợi ở nam diễn viên 9x này sự đột phá hơn nữa.
Bên cạnh sự ngu ngơ trên màn ảnh của Đình Tú, ở ngoài đời, anh là một chàng trai rất tình cảm và cố gắng.
Cụ thể, để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, với lịch quay và các dự án phim ảnh nối tiếp nhau, Đình Tú phải sống xa gia đình, để mẹ sống một mình ở Bắc Ninh.
Nam diễn viên xúc động cho biết, kể từ khi bố mất, anh trân quý những năm tháng được sống với người thân, đặc biệt là mẹ, người đã dành cả đời để chăm lo, mang đến cho anh chỗ dựa tinh thần.
Để có sự kết nối này, Đình Tú giữ thói quen gọi điện cho mẹ hàng ngày, dù chỉ hàn huyên hay hỏi chuyện cơm nước, ăn uống.
“Mẹ là người bạn tuyệt vời nhất mà tôi có. Chỉ cần nhìn thấy hình dáng mẹ, thấy mẹ cười là tôi hạnh phúc vô cùng”, Đình Tú nói.
Phương Linh (T/h)