Văn phòng Tổng thống Philippines bày tỏ sự lo ngại liên quan đến đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ rằng ông Rodrigo Duterte đại diện cho một "mối đe dọa với dân chủ".
Tuần trước, Cộng đồng Tình báo Mỹ, bao gồm 16 cơ quan liên bang đã liệt kê ông Duterte là một trong những nhà lãnh đạo tạo ra "mối đe dọa" đối với dân chủ và nhân quyền Đông Nam Á.
Một đoạn nhỏ trên trang 19 của Báo cáo Đánh giá mối đe dọa toàn cầu của cộng đồng tình báo Mỹ viết: "Ở Philippines, Tổng thống Duterte sẽ tiếp tục chiến dịch chống ma túy, tham nhũng và tội phạm. Nhà lãnh đạo đã đề cập đến việc ông có thể đình chỉ Hiến pháp, tuyên bố một "chính quyền cách mạng" và áp đặt thiết quân luật trên phạm vi toàn quốc".
Từ lâu, ông Duterte đã bị chỉ trích vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy. Hơn 4.000 người tình nghi buôn bán hoặc sử dụng ma tuý đã bị cảnh sát và các "tay súng không xác định" tiêu diệt trong cuộc đàn áp toàn quốc kể từ tháng 7/2016.
Tình báo Mỹ đánh giá Tổng thống Duterte là mối đe dọa với nền dân chủ. Ảnh: Sputnik |
Đồng thời, báo cáo của Mỹ cũng đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Philippines về việc tuyên bố mở rộng luật vũ trang Mindanao, nơi mà các phần tử liên kết với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chiếm giữ một phần thành phố Marawi vào mùa xuân năm 2017. Báo cáo dài 28 trang cũng cáo buộc Philippines là một trong 30 quốc gia trên toàn thế giới sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá quan điểm của chính phủ, thúc đẩy các chương trình nghị sự cùng những lời chỉ trích của chính phủ.
Phát ngôn viên của Tổng thống Harry Roque nói với đài phát thanh DZMM rằng: "Chúng tôi nhìn nhận tuyên bố này, không từ đâu khác ngoài bộ phận tình báo của Mỹ, bằng sự nghi ngại. Tôi không nghĩ điều đó là đúng. Ông ấy là một luật sư, ông ấy biết luật, ông ấy sẽ tuân thủ pháp quyền, ông ấy biết các luật lệ về quyền", người phát ngôn phản bác.
Quan hệ Mỹ - Philippines đã hạ nhiệt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Mặc dù có những phát biểu gay gắt, chỉ trích nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhà lãnh đạo Duterte đã hoan nghênh thay đổi trong Nhà Trắng và bắt đầu thể hiện khía cạnh mềm mại hơn đối với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Hồi tháng 8/2017, ông Duterte thậm chí đã tự gọi mình là "người bạn khiêm tốn" của Washington trong khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Sự thay đổi của ông Duterte phần nào xoay quanh thực tế là ông Trump, không giống người tiền nhiệm của ông, đã không tỏ ra quan tâm đến việc chỉ trích cuộc chiến chống ma túy. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 4/2017 với ông Duterte, ông Trump đã chúc mừng người đồng cấp đã thực hiện một công việc “không thể tin được” về vấn đề ma túy.
Trong khi nhấn mạnh rằng Manila vẫn muốn kết bạn với Washington, ông Roque cũng lưu ý rằng "với những tuyên bố như vậy, rất khó để có thể thân thiện với Mỹ. Đây là điều chúng tôi đang rất nghiêm túc. Nhận xét đến từ cộng đồng tình báo. Nó thậm chí không đến từ Bộ Ngoại giao. Đó là điều mà Tổng thống cũng sẽ nghiêm túc xem xét".
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo RT)