Trong cuộc họp báo ngày 6/9 thông báo về việc áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 mới, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết: "Các chuyên gia tin rằng biện pháp phong toả cục bộ sẽ có hiệu quả hơn. Chúng tôi nhận thấy ngay cả khi chúng tôi đang áp dụng biện pháp phong toả toàn bộ thành phố, số ca mắc COVID-19 mới vẫn không hề giảm. Dù các dự báo nói rằng chúng tôi đang đi đúng hướng phòng dịch nhưng số ca bệnh vẫn ở mức cao".
Theo đó, ông Roque thông tin Metro Manila, vùng thủ đô thuộc Philippines với 13 triệu dân, sẽ là nơi thí điểm biện pháp "phong toả cục bộ", trong thời gian từ ngày 8/9 tới cuối tháng. Ông cho biết sẽ có những nơi trong khu vực này được đặt trong tình trạng phong toả hoàn toàn. Có nghĩa là người dân tại nơi phong toả không được phép ra ngoài kể cả đi mua thực phẩm hoặc thuốc. Thay vào đó, chính phủ sẽ có trách nhiệm cung cấp cho họ những thứ họ cần.
Ông Roque giải thích: "Không nhất thiết phải phong toả toàn bộ một quận. Phong toả cục bộ có thể áp dụng đối với một con phố, một ngôi nhà hoặc có thể là một khu dân cư. Điều quan trọng là phải xác định địa điểm cần phong toả càng chi tiết càng tốt".
Biện pháp phòng dịch mới này sẽ giúp các 16 con phố tại Metro Manila được nới lỏng hạn chế, cân bằng giữa việc phòng chống lây nhiễm COVID-19 với khôi phục nên kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Theo đó, các nhà hàng cũng được phép mở lại nhưng chỉ phục vụ số ít thực khách. Các cơ sở kinh doanh khác bao gồm cửa hàng cắt tóc, thẩm mỹ viện, spa và các dịch vụ chăm sóc cá nhân cũng như các nhà thờ cũng được phép hoạt động.
Tuy nhiên, hầu hết các địa điểm công cộng sẽ vẫn phải đóng cửa và các quy định hạn chế ra khỏi nhà vẫn được áp dụng, ngoại trừ trường hợp những người lao động phải ra ngoài đi làm và mua bán những vật dụng cần thiết.
"Chiến thuật" phòng dịch mới này được đưa ra trong thời điểm Philippines cán mốc 20.000 ca mắc COVID-19 mới trong 3 ngày liên tiếp. Với hơn 2 triệu trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 34.000 ca tử vong, Philippines hiện đang là quốc gia hứng chịu đợt bùng phát dịch nghiêm trọng thứ 2 tại Đông Nam Á.
Các nhà nghiên cứu độc lập cho rằng con số này có vẻ vẫn thấp hơn và chưa thể phản ánh tình hình dịch bệnh thực tế tại Philippines. Ngoài ra, họ cũng lo ngại biện pháp "phong toả cục bộ" có thể chỉ hoàn hảo về mặt lý thuyết.
Giáo sư Guido David, thành viên cấp cao của nhóm Nghiên cứu Octa phân tích: "Việc này sẽ cần tới khá nhiều nhân lực. Nếu bạn phong toả một con phố, bạn sẽ cần tới các nhân viên địa phương hỗ trợ giám sát và phân chia thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng".
Ông David chỉ ra trong trường hợp xấu, dịch bệnh lây lan ở khắp thành phố, Manila có thể sẽ không đủ nhân lực để phong toả toàn bộ các quận tại đây.
Minh Hạnh (Theo Straits Times)