Liên quan đến việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng, một nhiệm kỳ nên lấy phiếu hai lần và trên lá phiếu nên để hai mức đánh giá thay vì ba mức như hiện nay.
PV: Thưa ông, nhiều cử tri bày tỏ, việc để 3 mức tín nhiệm trên lá phiếu như hiện nay là mang tính hình thức, không thể hiện rõ quan điểm của người bỏ phiếu?
Ông Lê Như Tiến: Kết quả lấy phiếu vừa qua ai cũng đạt, cử tri cho rằng hệ số an toàn quá cao. Nếu xuất phát từ việc “bảo vệ cán bộ” tôi cho như thế là được, nhưng đánh giá cán bộ thực chất mà để 3 mức là không nên. Theo tôi chỉ hai mức, tín nhiệm và không tín nhiệm. Có người nói hai mức thì trùng với bỏ phiếu, nhưng tôi cho rằng, khi lấy phiếu có thể để hai mức “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Tín nhiệm là an toàn, được tiếp tục làm; còn tín nhiệm thấp thì phải chuyển sang bỏ phiếu ngay. Chắc chắn nếu người được lấy tín nhiệm làm không tốt, chỉ đạo có vấn đề thì tín nhiệm thấp, trên 50\% thì có thể bỏ phiếu hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm.
PV: Theo Nghị quyết, mỗi năm sẽ lấy phiếu tín nhiệm một lần. Theo ông việc này có cần thiết?
Ông Lê Như Tiến: Nếu năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm thì dày và không cần thiết. Còn nếu chỉ lấy tín nhiệm 1 lần trong cả kỳ thì quá ít, không có ý nghĩa gì. Theo tôi, nên lấy tín nhiệm hai lần trong nhiệm kỳ, năm thứ hai và năm thứ tư. Năm thứ hai có thể để đánh giá còn năm thứ tư để giới thiệu tái cử hay không.
PV: Việc lấy phiếu tín nhiệm của chúng ta có học tập kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, thưa ông?
Ông Lê Như Tiến: Tôi đã nghiên cứu, các nước không lấy phiếu mà người ta có thể thăm dò qua dư luận thông tin đại chúng, cử tri nơi công tác. Họ không bỏ phiếu đại trà, mà vị nào có vấn đề thì yêu cần đến điều trần, xong họ sẽ bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Nếu điều trần xong mà thấy không có tín nhiệm nữa, họ sẽ từ chức. Mình cũng nên mở theo hướng ấy chứ lấy đại trà các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp thì cũng rối. Vì cơ quan hành pháp- là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì bỏ phiếu là đúng, họ hoạt động theo chế độ thủ trưởng, trách nhiệm đứng đầu rõ. Trong khi các cơ quan dân cử hoạt đọng theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số - tức là đa số chịu trách nhiệm quyết định ấy, thì không ai đi lấy phiếu tập thể. Ví dụ chủ tịch Quốc hội không quyết định được nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà phải là cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
PV: Theo ông, có nên công khai người bỏ phiếu để nhân dân giám sát lại người mình đã bầu ra như các nước?
Ông Lê Như Tiến: Một số nước để hai cửa bên phải và bên trái, ai đồng ý ra một cửa, ai không đồng ý thì ra một cửa. Và người ta công khai ý kiến, vì sao không đồng ý. Cách làm của ta thì không kiểm soát được. Nhưng tôi cho rằng, nên minh bạch, quyết định của Đại biểu cũng nên để dân biết, để dân giám sát chính đại biểu. Ví dụ bỏ phiếu những luật quan trọng mà có người không đồng ý thì cũng nên công khai xem ai không đồng ý, lý do vì sao.
PV: Theo ông, có nên đưa ra các phương án và lấy phiếu?
Ông Lê Như Tiến: Trước hết nên lấy phiếu thăm dò và cũng nên lấy phiếu từng nội dung một như Luật Thủ đô, đường sắt cao tốc, để đảm bảo tính dân chủ, chặt chẽ hơn. Sau này quyết định nhân sự cũng nên có số dư để Đại biểu lựa chọn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước): “Cần thăm dò việc bỏ phiếu” Tôi đề nghị mỗi một kỳ họp chúng ta phải lấy phiếu để thăm dò việc bỏ phiếu. Trong phiếu thăm dò này có 2 ý: Một là bỏ phiếu tín nhiệm; Hai là không bỏ phiếu tín nhiệm, cũng bỏ phiếu kín. Cái khó là ở chỗ, nếu một vị nào đó muốn làm một đề nghị bỏ phiếu một ai đó bằng văn bản gửi cho Đoàn thư ký của Quốc hội, tôi thấy rất khó, ít người làm, làm sao kiếm được 20\%. Chúng ta cũng công khai phiếu này ngay đầu kỳ họp chúng ta công bố trước Quốc hội là trong danh sách 47 vị, mỗi vị bao nhiêu người đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm lần này.
Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắk Nông): “Qui trình nên giống như kiến nghị người trả lời chất vấn” Chúng ta quy định từ kỳ họp đến kỳ họp, tất cả các đại biểu có quyền kiến nghị một người nào đó theo đối tượng được bỏ phiếu để tổng hợp lại thành 20\%, tôi cho không khả thi. Ngay cả 20\% thành viên ủy ban kiến nghị với thường trực Ủy ban để đưa ra Ủy ban bàn cũng không khả thi. Đây là thực tế lâu nay đã quy định nhưng không bao giờ thực hiện được. Tôi đề nghị, trước ngày khai mạc kỳ họp khoảng 30 ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến của đại biểu kiến nghị ai đưa ra bỏ phiếu giống như chất vấn. Trên cơ sở đó, chúng ta tổng hợp lại, là một kênh kiến nghị để đưa ra bỏ phiếu. Có thể bỏ phiếu là việc làm thường xuyên 1 hoặc 2 người đủ điều kiện bỏ phiếu thì tiến hành bỏ phiếu. Theo tôi như thế mới khả thi, còn quy định như chúng ta thì trên thực tế chưa bao giờ xảy ra. |