PAC-3 MSE, phiên bản hiện đại nhất của tên lửa Patriot đã bắn nhầm mục tiêu trong thử nghiệm đánh chặn tên lửa quy mô lớn gần đây ở Mỹ.
Vụ bắn nhầm xảy ra vào ngày 20/8 tại bãi thử tên lửa White Sands, bang New Mexico. Đại tá Phil Rottenborn - Giám đốc dự án hệ thống chỉ huy và tác chiến tích hợp, Văn phòng điều hành chương trình tên lửa và không gian lục quân Mỹ đã lên tiếng xác nhận với Defense News về sự cố hôm 26/8.
Theo đó, trong cuộc thử nghiệm, quân đội Mỹ thiết lập tên lửa phòng không PAC-2 GEM để đánh chặn tên lửa hành trình. Tên lửa PAC-3 MSE sẽ đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Thử nghiệm là một phần trong chương trình hệ thống chỉ huy chiến đấu phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp (IBCS), kế hoạch đầy tham vọng để nâng cao sức mạnh phòng thủ cho lục quân Mỹ.
Phiên bản PAC-3 MSE "xịn" nhất của Mỹ bắn nhầm mục tiêu. Ảnh: Lockheed Martin |
Chưa rõ lý do tại sao tên lửa PAC-3 MSE lại bắn nhầm mục tiêu. Một tên lửa khác đã được phóng lên và đánh chặn mục tiêu thành công. Tên lửa PAC-3 MSE thứ 3 được chuyển sang trạng thái sẵn sàng nếu tên lửa thứ 2 hụt mục tiêu.
Đại tá Rottenborn cho biết các chuyên gia đang phân tích nguyên nhân gốc rễ của vụ bắn nhầm, nhưng phân tích ban đầu cho thấy hệ thống IBCS đã gửi lệnh điều khiển tới bệ phóng thành công. Lỗi có thể nằm ở tên lửa nhưng cần phân tích thêm.
Được biết, trước đây, tên lửa phòng không Patriot từng bắn hạ các máy bay liên quân trong chiến dịch quân sự tại Iraq, làm nhiều phi công thiệt mạng.
Năm 2003, để bảo vệ lực lượng mặt đất tham gia chiến dịch quân sự tại Iraq, Mỹ triển khai 62 tổ hợp phòng không Patriot PAC-3 đến quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, các hệ thống phòng không này lại tỏ ra kém tin cậy, đôi khi còn trở thành mối đe dọa chết người với chính máy bay liên quân, theo War Is Boring.
Mỗi tổ hợp Patriot bao gồm một radar trinh sát và dẫn bắn, một đài điều khiển hỏa lực và một số bệ phóng. Phiên bản PAC-3 đạt tầm bắn tối đa 70 km, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và nhiều loại phi cơ khác nhau.
Để xác định mục tiêu, Patriot thu thập các tham số như độ cao, tốc độ, diện tích phản xạ radar và tín hiệu nhận diện địch - ta (IFF). Sau khi sử dụng thuật toán phân tích, máy tính sẽ báo cho kíp vận hành xem mục tiêu là phi cơ hay tên lửa đạn đạo. Tổ hợp Patriot còn có chế độ phóng đạn tự động nếu nhận diện mục tiêu theo dõi là máy bay đối phương.
Tuy vậy, những thuật toán của Patriot không phải lúc nào cũng chính xác. Ngày 23/3/2003, một máy bay Tornado GR4 của Anh bị tên lửa Patriot Mỹ bắn hạ gần biên giới Iraq - Kuwait khi đang trở về căn cứ, khiến cả hai phi công thiệt mạng. Điều tra sau đó kết luận thiết bị IFF trên chiếc Tornado không hoạt động, khiến tổ hợp Patriot nhận diện nó là máy bay của không quân Iraq.
Không ít lần các khẩu đội Patriot khoá mục tiêu vào phi cơ liên quân, buộc phi công liên lạc với máy bay cảnh báo sớm để yêu cầu tên lửa phòng không Mỹ không khai hỏa.
Sau sự cố đó, vẫn còn nhiều hệ thống Patriot tiếp tục vận hành, trở thành nỗi ám ảnh với phi công liên quân.
Vũ Đậu(T/h)