Liên tục ứng biếntrước tình huống
Thời điểm những năm 2018-2022 thị trường gas các tỉnh khu vực miền Tây bị lũng đoạn bởi lượng lớn bình gas kém chất lượng được khoác lên mình vỏ bọc của những hãng gas uy tín tràn ra thị trường. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của người dùng và uy tín của những thương hiệu bị mạo danh.
Tháng 4/2022, hai phóng viên Vương Long và Phong Hào của Tạp chí Đời sống và Pháp Luật được cử vào tỉnh Hậu Giang để ghi nhận, tìm hiểu về nguồn gốc của tình trạng trên. Qua nắm bắt, nổi lên là tổng kho nhiều nghi vấn của gia đình ông trùm “Chín Thảo” thuộc địa bàn xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Nhớ lại vụ việc, phóng viên Vương Long chia sẻ, từ nhiều năm trước ông trùm Nguyễn Văn Thảo với biệt danh Chín Thảo đã bị nhiều cơ quan báo chí đăng tải về những hoạt động chiết nạp gas trái phép, chính quyền địa phương cũng nhiều lần xử phạt nhưng sau đó đều “êm xuôi”. Đặc biệt, ông trùm này từng bị tố đuổi chém trọng chủ nợ khiến giới kinh doanh gas vừa sợ vừa nể. Về sau, phương thức hoạt động, điều hành của gia đình ông trùm ngày càng tinh vi, chặt chẽ và rất cảnh giác. Các cách ghi nhận thông thường sẽ không thể tiếp cận.
“Từ mặt đường lớn quan sát, bốn bề nhà xưởng đều kín cổng cao tường. Duy phía sau xưởng là vườn cây rậm rạp nên chúng tôi xác định sẽ tiếp cận từ đây. Tuy nhiên, khi tới nơi thì cây cối dường như bị “khống chế” độ cao, chỉ che đến ngực. Để tránh bị phát hiện, anh em phải cúi thấp người, đoạn thì bò ra để di chuyển”, PV Vương Long kể lại.
Qua hàng trăm mét mới đến được mục tiêu. Nhưng đập vào mắt 2 phóng viên trẻ là bức tường sừng sững cao gần 4 mét được xây dựng kiên cố, việc đặt thiết bị quay là không thể. Cả hai đành ngậm ngùi, khom người ngược trở ra.
Tiếp tục tìm hiểu địa bàn xung quanh, phóng viên nhận thấy những hộ dân gần đó hầu hết là chỗ thân quen của ông trùm. Về phía công ty của gia đình Chín Thảo chỉ tuyển dụng người trong nhà nên phương án đóng vai công nhân vào làm cũng bất khả thi.
Quyết không bỏ cuộc, sau nhiều ngày lặn lội, cả hai phát hiện 1 nhà trọ để không nằm sát ngay “đại bản doanh” của ông trùm. Nhận thấy đây là địa điểm duy nhất có thể tiếp cận mục tiêu nên hai phóng viên quyết thuê bằng được.
“Sau nhiều ngày hỏi thăm gặp được chủ nhà, thì ông chủ nói khu trọ đã xuống cấp, chuẩn bị đập bỏ nên không cho thuê. Tôi phải nói khéo là đang cần gấp chỗ làm kho hàng và chỉ thuê tạm thời nên ông ấy mới đồng ý”, anh Long kể.
Quan sát hàng dừa cao tít trước phòng trọ, cả hai nghĩ kế hoạch khi trèo lên hái quả sẽ biến những ngọn dừa thành “trường quay” trên cao. Nhưng, ý tưởng đó nhanh chóng vụt tắt. Bởi, sau 2 ngày trèo lên không quay được gì, trong khi dừa đã bị hái trụi, đàn chó dữ được nuôi trong xưởng liên tục sủa vang khiến vị trí của 2 người bị chú ý. Phương án lần nữa “xôi hỏng bỏng không”.
Nửa tháng trôi qua, cả hai bắt đầu có chút nản lòng. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, trong lúc cả hai đang nằm vắt tay lên trán suy nghĩ thì bất ngờ tiếng đồng thanh vang lên:
“Đục lỗ trên mái nhà”.
Lập tức, phóng viên Hào khẩn trương đi tìm vật sắc nhọn và thang để trèo lên đục một lỗ nhỏ trên nóc nhà đủ để đưa đầu máy quay qua, anh Long ra ngoài quan sát vị trí để khoét lỗ đặt máy quay cho chuẩn. Tuy nhiên, mái tôn màu đỏ mà thiết bị quay lại màu đen rất dễ bị lộ, vì thế phương án ngụy trang xung quanh máy bằng lá cây được đưa ra.
“Một phần mái nhà trọ có giàn dây leo nhưng vị trí này lại không thể quay được, bởi vậy, chúng tôi nghĩ ra cách này. Những chiếc lá cây được gắn theo máy quay đã qua mắt được nhóm người trong xưởng”, phóng viên Hào kể.
Sau hơn 1 tháng tác nghiệp, với những tư liệu ghi nhận được không chỉ phục vụ cho bài viết, đó còn là những bằng chứng quan trọng được nhóm PV cung cấp cho các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang.
Luôn phải đảm bảo an toàn
Để hoàn thành mỗi bài phản ánh về các vấn đề tiêu cực, phóng viên thường phải đối diện với nhiều tình huống nguy hiểm. Mới đây, dư luận xôn xao khi giữa Thủ đô, một PV của đài truyền hình vẫn bị hành hung. Từ đó thấy rằng, khi PV tác nghiệp tại các địa điểm hoang vắng thì mức độ nguy hiểm còn lớn hơn rất nhiều.
PV Phong Hào chia sẻ, những đề tài tác nghiệp về khai thác khoáng sản trái phép là một trong những ví dụ điển hình. Bởi, đây là những địa điểm rất vắng người, nằm sâu trong rừng, núi. Đường đi vào hầu hết là độc đạo, sóng điện thoại chập chờn nên rất khó gọi “cầu cứu” hay “tẩu thoát” nếu bị phát hiện. Đặc biệt, những đối tượng canh giữ tại các mỏ thổ phỉ rất manh động, sẵn sàng ra tay nếu phát hiện phóng viên tác nghiệp.
“Hiện nay, flycam được phóng viên sử dụng khá phổ biến để ghi nhận hình ảnh từ xa, giải pháp này khá an toàn khi máy đang bay trên cao, bởi các đối tượng rất khó phát hiện vị trí của người điều khiển. Tuy nhiên, khi cho máy quay trở về sẽ để lộ vị trí. Do vậy, phải tính toán nhiều con đường sẵn sàng thoát thân.
Sự an toàn về sức khoẻ và tính mạng của bản thân phải được đặt lên hàng đầu. Trước khi thực hiện đề tài phải nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình, đường đi lối lại và nhân thân của các đối tượng. Từ đó, nghiên cứu các phương án tiếp cận an toàn nhất”, PV Vương Long chia sẻ.
Không chỉ bản thân đối diện với nguy hiểm, không ít trường hợp người nhà của những phóng viên viết bài phản ánh về những vấn đề tiêu cực cũng là mục tiêu bị các đối tượng công kích.
“Năm 2019, một nhóm đối tượng về tận nhà tôi, họ đánh tiếng cho người thân và người trong xóm rằng, nếu còn tiếp tục “động chạm” đến họ thì gia đình tôi sẽ phải trả giá. Sự đe dọa khiến mọi người luôn sống trong tâm trạng bất an. Những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa gửi đến tôi rất nhiều, nhưng chưa một lần bản thân dao động, nhưng khi gia đình bị uy hiểp, tôi đã suy nghĩ rất nhiều”, anh Long tâm sự.
Khi được hỏi lý do vẫn gắn bó với nghề, anh kẽ cười nói: “Tôi tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, họ không thể muốn làm gì thì làm. Đặc biệt, lửa nghề đã thấm vào máu rồi nên không bỏ được”.
Nghề báo vẫn được coi là nghề nguy hiểm và sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm. Cố nhà báo Mazan Danangười Palestine (hi sinh trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003) từng có câu nói nổi tiếng: “Những con chữ và hình ảnh là niềm tin của công chúng. Chính vì thế, tôi sẽ tiếp tục công việc này mà chẳng quản ngại khó khăn, thậm chí là phải hy sinh tính mạng”.
Không gì khác, chính sự ủng hộ của độc giả là nguồn động viên to lớn thúc đẩy những người cầm bút chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần chiến đấu, tìm ra sự thật và bảo vệ lẽ phải. Tạp chí Đời sống và Pháp luật hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả trên mọi miền tổ quốc trong thời gian tới.
Đặng Thuỷ-Thạch Thảo